Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng chục ngàn tỷ đồng rót vào nông nghiệp, nông thôn

04:01, 11/01/2021

10 năm qua, Chính phủ đã ban hành 11 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng kèm 13 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành 11 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng kèm 13 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách trên đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là hàng chục ngàn tỷ đồng đã rót vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân.

Dự án Cánh đồng lớn ca cao phục vụ cho thị trường xuất khẩu do Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đầu tư. Ảnh:B. Nguyên
Dự án Cánh đồng lớn ca cao phục vụ cho thị trường xuất khẩu do Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đầu tư. Ảnh:B. Nguyên

Các chính sách hỗ trợ cũng đã được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ từ công tác khuyến nông, tín dụng, cơ giới hóa, liên kết sản xuất… góp phần tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, bền vững.

* Nhiều dòng vốn ưu đãi

Thời gian qua, hàng loạt các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nông dân đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang thực hiện các giải pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay mới chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 10-2020, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt trên 63 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 27,3% dư nợ cho vay nền kinh tế toàn tỉnh, tăng gần 42 ngàn tỷ đồng (tăng 196%) so với cuối năm 2015. Trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có gần 10,9 ngàn tỷ đồng dư nợ không phải đảm bảo bằng tài sản, chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ cho gần 234,5 ngàn lượt khách hàng là các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, chủ trang trại… vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Thời gian qua, hàng loạt các chính sách ưu đãi, phát triển sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai. Cụ thể, kết quả thực hiện cho vay theo Quyết định 68 hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tính từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 64 khách hàng được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt gần 41,6 tỷ đồng với lãi suất được hỗ trợ gần 6 tỷ đồng.

Huyện Vĩnh Cửu đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn Trong ảnh: Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Bình Lợi
Huyện Vĩnh Cửu đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn Trong ảnh: Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Bình Lợi. Ảnh:B. Nguyên

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất; thủ tục hồ sơ còn rườm rà, phức tạp. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) nhận xét, hiện các ngân hàng đều quan tâm đến cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nguồn vốn cho vay khá dồi dào. Tuy nhiên, việc tiếp cận các gói vay lớn, dài hạn vẫn còn nhiều rào cản vì có quá nhiều điều kiện ràng buộc theo quy định.

Ông Hùng dẫn chứng, hiện HTX cần 8-9 tỷ đồng đầu tư nhà đóng gói, hệ thống cấp đông, dây chuyền chế biến rác thải hữu cơ từ nguồn sơ chế, chế biến nông sản thành nguồn phân hữu cơ, kho bảo quản xử lý sau thu hoạch, nhất là kho ủ chuối thương phẩm... ngay tại vùng sản xuất. HTX hiện đang xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính và đã có đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trái chuối sạch cho nông dân. Rất mong phía các ngân hàng  xem xét dự án nào khả thi cần có sự linh hoạt hơn về thủ tục cho vay, giải quyết ngay nguồn vốn cho HTX kịp thời nắm bắt được thời cơ để phát triển sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chuối và nhiều loại nông sản khác.

Đồng Nai đã xây dựng được nhiều vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Trong ảnh: Trang trại nuôi gà xuất khẩu đi Nhật Bản tại H.Long Thành
Đồng Nai đã xây dựng được nhiều vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Trong ảnh: Trang trại nuôi gà xuất khẩu đi Nhật Bản tại H.Long Thành

Chỉ ra những vướng mắc trong thủ tục vay vốn, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, ở các vùng nông thôn, tài sản thế chấp đa phần là đất nông nghiệp giá trị thấp. Tại một số địa phương, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp như nhà kính, ao nuôi… có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất gây khó khăn cho khách hàng và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay. Các trang trại hình thành tự phát, tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo tiêu chí hiện hành còn ít. Hộ vay ở vùng nông thôn thiếu các chứng từ, hóa đơn để minh chứng mục đích sử dụng vốn… Việc doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất chưa tiếp cận tốt các nguồn vốn ưu đãi có nguyên nhân các cơ chế, chính sách của Nhà nước đôi lúc còn chưa phù hợp thực tế. Theo ông Bảo, cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn luôn là lĩnh vực  được ưu tiên. Các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm đến việc cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn các nguồn vốn vay cũng như chính sách ưu đãi.

* Đồng bộ các chương trình hỗ trợ

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, thời gian qua, hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai đồng bộ và phát huy được hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Đồng Nai có nhiều chính sách  khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Trang trại trồng rau trong nhà màng của nông dân H.Cẩm Mỹ
Đồng Nai có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Trang trại trồng rau trong nhà màng của nông dân H.Cẩm Mỹ

Cụ thể, chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản đến nay đã hỗ trợ cho 49 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt được chứng nhận GAP với tổng diện tích 495ha. Ngoài ra, 277 cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAHP với tổng 4,7 triệu con gà và gần 60 ngàn con heo. Ngoài ra, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 vùng an toàn dịch bệnh với 651 trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh và hình thành được 3 vùng chăn nuôi GAHP. Nuôi trồng thủy sản cũng phát triển được 14 vùng nuôi đạt chuẩn VietGAP với diện tích trên 408ha.

Chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020 cũng đã hỗ trợ cho 222 đơn vị đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế. Trong đó, có 88 đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ cho 19 đơn vị và 1 HTX trong nghiên cứu, thực hiện chuyển giao công nghệ và tiết kiệm năng lượng. 

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã hỗ trợ cho 17 dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích hơn 5,3 ngàn ha. Ngoài ra, toàn tỉnh có 115 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của 56 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 33 HTX và 18 tổ hợp tác tham gia. Các địa phương quan tâm, ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đã xây dựng 6 tuyến đường giao thông nội đồng với chiều dài 1,8km; 3 tuyến điện trung thế, trạm biến áp, 3 tuyến điện hạ thế với tổng chiều dài hệ thống điện hơn 10km.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều