Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính đường dài cho nông sản

09:12, 14/12/2020

Một kg cà chua vào lúc "rộ mùa, dội chợ" có khi chỉ được bán với giá từ 500 đến 1 ngàn đồng ngay tại vườn, thậm chí có những năm nông dân bỏ cho cà chua chín thối trên đồng khi tiền bán hàng không đủ bù chi phí nhân công.

Một kg cà chua vào lúc “rộ mùa, dội chợ” có khi chỉ được bán với giá từ 500 đến 1 ngàn đồng ngay tại vườn, thậm chí có những năm nông dân bỏ cho cà chua chín thối trên đồng khi tiền bán hàng không đủ bù chi phí nhân công. Nhưng nếu ngành chế biến nông sản phát triển mạnh, 1kg cà chua đó có thể “hóa thân” thành hộp tương cà chua, cà chua ngâm dầu, nước ép cà chua... với giá cao gấp hàng chục lần và được bày bán trên những kệ hàng “danh giá” nhất, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài.

Câu chuyện này cũng đúng với nhiều loại nông sản Việt Nam hiện nay nói chung và Đồng Nai nói riêng, từ chuối đến thanh long, từ xoài đến chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Các sản phẩm được chế biến đa dạng và có thương hiệu luôn được bán giá cao hơn, phát triển bền vững hơn và đi xa hơn.

Nhìn rộng ra, bài toán này cũng nên được tính toán cho cả các sản phẩm chăn nuôi một cách căn cơ, lâu dài. Thịt gà, thịt heo, thịt bò, thủy hải sản… càng được chế biến đa dạng, càng tránh được vòng luẩn quẩn “cung nhiều - giá giảm” và nông dân - doanh nghiệp càng thu được nhiều lợi nhuận.

Vậy nên, phát triển chế biến sâu là mục tiêu của Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là khi công nghệ trong sản xuất phát triển cao và năng suất - sản lượng luôn được “đẩy” lên mức cao nhất, dẫn đến tình trạng thừa cung nông sản ngày càng phổ biến. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản không chỉ giúp giải quyết nguyên liệu dư thừa trong ngắn hạn mà còn là lời giải cho bài toán đường dài trong nền nông nghiệp quốc gia: hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và xây dựng được những thương hiệu mạnh, thu được nhiều lợi nhuận hơn cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tập trung nguồn lực để hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu cho nông sản không phải là chuyện dễ dàng có thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều.

Về mặt chính sách, cũng không thể chỉ sử dụng một vài chính sách đơn lẻ để giải quyết, mà thực sự cần đến một hệ thống chính sách liên kết chặt chẽ để thu hút được những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, đồng thời tạo được môi trường hấp dẫn cho những nhà đầu tư mới giàu nhiệt huyết. Đó là các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi tiếp cận nguồn vốn rẻ, công nghệ cao, đào tạo được nguồn nhân lực phù hợp… kèm với đó là các chính sách trợ lực khác về xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ưu tiên phân phối trong nước, hỗ trợ xuất khẩu đến các thị trường quốc tế… Dĩ nhiên, “có qua” thì phải “có lại”, bản thân doanh nghiệp - nông dân cũng cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm, công nghệ, chấp nhận đầu tư lâu dài chứ không giữ tư duy manh mún, “ăn xổi ở thì” trước mắt.

Thực tế, để có thể xây dựng cả một “hệ sinh thái” sôi động hướng về chế biến và xuất khẩu nông sản thì còn nhiều việc phải làm, song thực sự, để tính kế lâu dài cho nông sản, khó có con đường nào khả thi hơn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều