Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi tư duy kinh doanh để hội nhập

11:12, 03/12/2020

Cùng với chiến lược phát triển chung của cả nước, của Đồng Nai thì bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) cũng phải tự đổi mới mình, thay đổi tư duy, mô hình sản xuất kiểu cũ.

Cùng với chiến lược phát triển chung của cả nước, của Đồng Nai thì bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) cũng phải tự đổi mới mình, thay đổi tư duy, mô hình sản xuất kiểu cũ.

Thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đón nhận cái mới là yêu cầu để doanh nghiệp phát triển bền vững.Trong ảnh: Một sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Nai . Ảnh: V.THẾ
Thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đón nhận cái mới là yêu cầu để doanh nghiệp phát triển bền vững.Trong ảnh: Một sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp Đồng Nai . Ảnh: V.THẾ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, muốn mở rộng thị trường quốc tế, DN phải làm đúng chuẩn cam kết từ nguồn gốc xuất xứ đến chất lượng sản phẩm và cả giải pháp quản trị nhân lực, quản trị sản xuất.

* Muốn bán được hàng, phải làm đúng chuẩn

Với kinh nghiệm nhiều năm bán hàng cho thị trường Âu - Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh Nguyễn Đức Tuấn Hải cho rằng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là điều tối quan trọng. Đặc biệt là đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu, các đối tác đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chí môi trường, lao động, quản trị sản xuất. Đó là lý do vì sao mà DN của ông chuyển hoạt động sản xuất vào Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom), dù quy mô còn nhỏ. Đối tác nước ngoài, nhất là các đối tác đến từ Âu - Mỹ rất coi trọng các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn sản xuất, vệ sinh nhà xưởng cũng như sự ổn định lao động. Nếu thiếu các yếu tố này, dù khả năng DN có thể sản xuất được sản phẩm họ cần nhưng cũng sẽ rất khó hợp tác.

Tương tự, theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, trên thực chất DN phải thực hiện được một số cam kết cơ bản. Một là cam kết về chất lượng hàng hóa. Hai là cam kết hậu bán hàng, thời gian và các cam kết khác trong chuỗi. Muốn cam kết được về chất lượng hàng hóa thì phải có công nghệ, muốn có công nghệ thì DN nhỏ và vừa phải có những khu dùng chung. Đây là điểm cơ bản, nút thắt trong sản xuất, phân phối thương mại mà Việt Nam đang thiếu.

* Liên kết là yếu tố “sống còn”

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, với nhiều FTA được ký kết, DN buộc phải tự thay đổi, nâng cấp chính mình. Bởi lẽ, các FTA giúp cho DN tăng khả năng thích ứng, tận dụng các thị trường, phân khúc khách hàng, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với các nước, là động lực cho DN tự thích nghi, thay đổi.

Kỳ vọng về các hiệp định với những ưu đãi thương mại là lớn song các chiến lược, cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cải cách thể chế của Việt Nam đều có lộ trình. Thay vì để hưởng lợi thêm trong ngắn hạn thì DN cần tận dụng thời gian này xây dựng chiến lược phát triển bài bản, dài hạn của mình. Chính phủ dù nỗ lực thay đổi môi trường đầu tư, cải cách thể chế... cũng không thể làm thay DN được.

Để thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của DN cũng là vấn đề không đơn giản. Giám đốc Công ty Xây dựng Xu Hướng Việt (Vinatrends) Nguyễn Ngọc Hà cho rằng DN nhỏ và vừa còn rất yếu về khâu đào tạo nhân lực cũng như quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo, nâng cấp tư duy của DN. Ngoài sự tự thích ứng, thay đổi của từng DN thì chiến lược tổng thể từ Nhà nước sẽ giúp thay đổi căn bản thói quen sản xuất cũ, từ đó có cơ sở tăng đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Một vấn đề nữa, theo ông Tô Hoài Nam là sự liên kết trong cộng đồng DN cần phải được đẩy mạnh. Với hầu hết DN Việt có quy mô nhỏ và vừa, không liên kết sẽ không làm được việc lớn. Điều này cũng đặt ra một áp lực nhưng đây còn là cơ hội để chính quyền, các hiệp hội DN và chính các DN nhận thức lại và coi đây là yếu tố “sống còn”. Làm được điều đó, chúng ta sẽ giải được bài toán làm sao để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Vương Thế

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích