Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chọn mặt, gửi vàng"

04:12, 09/12/2020

Đồng Nai là nơi có quy hoạch nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị nhất vùng Đông Nam bộ. Thị trường bất động sản (BĐS) đất ở của tỉnh được các doanh nghiệp (DN) chú ý từ những năm đầu thế kỷ XXI. Nhiều DN đã đến tỉnh đề xuất thực hiện dự án và được cấp phép đầu tư nhưng qua nhiều năm vẫn còn "ngổn ngang".

Đồng Nai là nơi có quy hoạch nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị nhất vùng Đông Nam bộ. Thị trường bất động sản (BĐS) đất ở của tỉnh được các doanh nghiệp (DN) chú ý từ những năm đầu thế kỷ XXI. Nhiều DN đã đến tỉnh đề xuất thực hiện dự án và được cấp phép đầu tư nhưng qua nhiều năm vẫn còn “ngổn ngang”.

Dự án khu dân cư ở xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) được cấp phép đầu tư hơn 10 năm nhưng đến nay chưa hoàn thành. Ảnh:H. Giang
Dự án khu dân cư ở xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) được cấp phép đầu tư hơn 10 năm nhưng đến nay chưa hoàn thành. Ảnh:H. Giang

Việc các dự án đất ở trên địa bàn tỉnh chậm triển khai cũng có nhiều nguyên nhân như: có giai đoạn thị trường BĐS lao dốc, nhà đầu tư buộc phải giãn tiến độ thực hiện; chưa có đất sạch để triển khai, chưa có hạ tầng kết nối, thiếu các dịch vụ đi kèm... Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân là chủ đầu tư không đủ tiềm lực để thực hiện dự án.

* Vẫn còn dự án “qua tay” nhiều DN

Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai có gần 300 khu dân cư, khu đô thị. Trong đó, có nhiều dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 qua và đã có chủ đầu tư. Và rất nhiều dự án đã qua tay vài DN thông qua việc mua bán cổ phần công ty, góp vốn, chuyển nhượng dự án.

Theo một số chuyên gia kinh tế, các dự án BĐS, đặc biệt dự án có quy mô lớn, nên chọn lọc nhà đầu tư có năng lực tài chính, đồng thời phải có thâm niên, kinh nghiệm trong lĩnh vực này và họ cam kết gắn bó lâu dài để tránh tình trạng “lướt sóng”, chuyển nhượng dự án để kiếm lời.

Đơn cử, tháng 1-2019, Tập đoàn Nam Long (TP.HCM) đã công bố việc mua lại 70% cổ phần của Công ty TNHH Thành phố Waterfont Đồng Nai với số tiền 2,3 ngàn tỷ đồng. Thông qua đó, Tập đoàn Nam Long làm chủ khu đất 170ha thuộc dự án Khu đô thị Waterfont ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) của Công ty TNHH Thành phố Waterfont Đồng Nai. Trước đó, vào tháng 11-2018, Tập đoàn Nam Long cũng góp vốn gần 1.230 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Paragon Đại Phước để làm chủ dự án khu đô thị 45ha thuộc cù lao ở xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch).

Tương tự, dự án Aqua City hơn 300ha thuộc địa bàn xã Long Hưng được cấp phép đầu tư từ năm 2008 cho Công ty TNHH Thành phố Aqua. Đến giữa năm 2018, Công ty TNHH Thành phố Aqua đã chuyển nhượng 100% vốn của công ty (tương đương 845 tỷ đồng) cho Tập đoàn Novaland. Vụ mua lại cổ phần trên đã giúp Tập đoàn Novaland làm chủ dự án Aqua City và đến thời điểm này vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Vào năm 2017, thị trường BĐS phía Nam khá sôi động với thông tin VinaCapital thông qua 2 quỹ đầu tư rút khỏi dự án Lotus Đại Phước. Dự án trên có diện tích gần 465 ha, nằm trên địa bàn xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) và được chuyển qua DN khác bằng cách bán 72% cổ phần của Lotus Đại Phước. Thương vụ chuyển nhượng cổ phần này đã giúp VinaCapital thu về 65 triệu USD sau nhiều năm đầu tư.

Tại các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa còn nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị khác cũng được mua bán qua tay các DN. Hiện trạng, nhiều dự án đã được cấp phép nhiều năm vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh.

Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT, thời gian qua, có nhiều dự án BĐS đã được các chủ đầu tư nhượng lại cho các DN khác thông qua hình thức mua bán cổ phần, góp vốn. Chuyển nhượng dự án không nhiều vì thủ tục của khâu này phức tạp hơn.

* Chú trọng chọn nhà đầu tư có năng lực

Việc chọn lựa nhà đầu tư có thực lực cho các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Vì nếu các dự án cấp phép cho những DN không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm có thể sẽ kéo dài tiến độ thực hiện, gây khó khăn cho người dân trong vùng quy hoạch dự án. Đồng thời, các địa phương có dự án chậm triển khai cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. 

Ông Vũ Văn Phấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS Việt Nam (Bộ Xây dựng) nhận xét: “Đồng Nai là nơi có BĐS phát triển từ rất sớm vì có lợi thế là công nghiệp, đô thị phát triển, giao thông thuận lợi và nhu cầu về nhà ở rất lớn. Hiện nay, Đồng Nai vẫn là nơi hấp dẫn các DN đầu tư vào lĩnh vực BĐS, đặc biệt năm 2021, một số vướng mắc cho lĩnh vực này được khơi thông. Để các dự án BĐS thực hiện nhanh, góp phần phát triển kinh tế, tỉnh cần lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực thật sự”.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, đã yêu cầu các huyện, thành phố rà lại toàn bộ các dự án trên địa bàn, trong đó có dự án khu dân cư, khu đô thị, những dự án kéo dài quá thời hạn quy định không triển khai sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi. 

Mỗi năm, các địa phương rà soát các dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai. Thực tế, vẫn có những dự án khu dân cư, khu  đô thị kéo dài 8-10 năm chưa thực hiện hoặc làm dở dang vẫn tồn tại.

Hương Giang

Tin xem nhiều