Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cơ hội trong khó khăn

04:11, 23/11/2020

Hiện nhiều quốc gia lớn đang gặp khó vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh này. Đây là lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản...

Hiện nhiều quốc gia lớn đang gặp khó vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh này. Đây là lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản vì theo dự báo, sau dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như nông sản, thực phẩm sẽ tăng mạnh.

Sản xuất rau, quả theo chuẩn GlobalGAP đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc). Ảnh: Lê Quyên
Sản xuất rau, quả theo chuẩn GlobalGAP đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc). Ảnh: Lê Quyên

Do đó, ngành Nông nghiệp cần chủ động khôi phục sản xuất, sẵn sàng đón nhận cơ hội mở rộng thị trường trong và sau dịch.

* Nhiều chương trình tiếp sức

Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào đầu năm 2020, Bộ NN-PTNT đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến cả nước với mục tiêu ổn định, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19. Bộ Trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường luôn nhấn mạnh: “Ngành Nông nghiệp Việt Nam phải khai thác mọi lợi thế, cơ hội để “biến nguy thành cơ” nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay”.

Tinh thần này được chính quyền Đồng Nai bám sát, trợ lực cho doanh nghiệp, HTX, nông dân bằng nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, về thị trường...

Theo ông Võ Văn Phi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong giai đoạn nông dân, HTX gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội Nông dân tỉnh rất quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX với nhiều hình thức như: hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nguồn vốn... Gần đây, Hội Nông dân đã khai trương Khu Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nông dân tỉnh đặt tại trụ sở Hội nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ đặc sản, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Hội Nông dân chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết để chuyển giao các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho nông dân, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn tham gia thị trường xuất khẩu.

Nói về chính sách hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, tỉnh có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp ổn định sản xuất và tăng trưởng sau dịch Covid-19 như: giảm các loại phí, thuế, hỗ trợ về nguồn vốn; nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và xuất khẩu; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết bền vững, thu hút đầu tư cho bảo quản, chế biến...

* Chuẩn bị các cơ hội sau dịch

Thời gian qua, hàng loạt hiệp định thương mại có hiệu lực như: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc;  Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EU)… với mức thuế suất thuế nhập khẩu của hàng loạt các mặt hàng nông sản về 0%. Đây được cho là cú hích rất lớn để nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nhiều nông dân, doanh nghiệp của Đồng Nai đang chủ động đón cơ hội này. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) cho biết, dù vụ thu hoạch vừa qua, nông dân trồng xoài thua lỗ vì bán không được hàng do xuất khẩu bị đình đốn vì dịch Covid-19, Tuy nhiên HTX vẫn quan tâm đầu tư mở rộng dự án Cánh đồng lớn sản xuất sạch với cây xoài nhằm tạo ra sản lượng xoài lớn, đạt cả về chất lượng và sản lượng để mở rộng kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính, trong đó có EU. Để đạt yêu cầu này, các xã viên của HTX đã tham gia chuỗi liên kết, sản xuất theo chuẩn an toàn, đảm bảo cả về chất lượng lẫn sản lượng trái xoài cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, nông dân cũng quan tâm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản, từ đó minh bạch mọi thông tin từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản nhằm minh bạch thông tin về  chất lượng nông sản.

Cùng mục tiêu, ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt cho biết, dù đang trong giai đoạn khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn mở rộng đầu tư với quy mô 30 nhà màng rộng khoảng 3ha tại trang trại ở xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư trang trại chăn nuôi, trồng rau, quả trong nhà màng rộng hàng trăm ha ở tỉnh Bình Thuận nhằm đáp ứng tốt những đơn hàng xuất khẩu lớn. Từ nhiều năm trước, nông sản của trang trại đã được cấp chứng nhận GlobalGAP, hiện doanh nghiệp đang trong quá trình làm chứng nhận hữu cơ cho nông sản và chuẩn bị mọi điều kiện khác để xuất khẩu rau, quả vào thị trường EU.

Lê Quyên

Tin xem nhiều