Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ gìn môi trường cho tương lai

04:10, 05/10/2020

Xác định bảo vệ môi trường là 1 trong 3 yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác này...

Xác định bảo vệ môi trường là một trong 3 yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Trồng cây tại rừng ngập mặn thuộc H.Nhơn Trạch. Ảnh: Hoàng Lộc
Trồng cây tại rừng ngập mặn thuộc H.Nhơn Trạch. Ảnh: Hoàng Lộc

Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh không còn “điểm nóng” phức tạp về ô nhiễm môi trường, nhiều chỉ tiêu liên quan đến môi trường như: thu gom và xử lý chất thải; đầu tư hệ thống xử lý nước thải; trồng rừng và phát triển các mảng xanh; quản lý và khai thác quỹ đất đạt kế hoạch đề ra.

* Kiểm soát các vùng, khu vực trọng điểm

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên tất cả các lĩnh vực đều được quan tâm. Các vùng sản xuất công - nông nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản, các sông suối có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát.

Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, tỉnh đã lập nhiều quy hoạch liên quan đến từng ngành nghề, từng lĩnh vực như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quy hoạch sử dụng tài nguyên nước; đánh giá tiềm năng nguồn nước dưới đất; kế hoạch bảo vệ môi trường và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường điểm với các vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và khoáng sản.

Thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án thân thiện với môi trường, dự án công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động; đồng thời kiên quyết từ chối các dự án không đáp ứng được tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Sở TN-MT và Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai là 2 đơn vị được ủy quyền thẩm định hồ sơ đăng ký kinh doanh, báo cáo đánh giá tác động môi trường và giám sát việc thực hiện quy định về môi trường của các nhà đầu tư mới.

Đối với các doanh nghiệp (DN) hoạt động lâu năm, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới dây chuyền sản xuất, hạn chế phát sinh nước và khí thải. Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư hàng loạt công trình, dự án nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điển hình là hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN, mạng lưới quan trắc nước và khí thải tự động, hành lang thoát nước của các khu, cụm công nghiệp. Nhờ đó, đến nay, 31 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 25 KCN có đủ lượng nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT theo dõi, giám sát. Gần 80% lượng nước thải công nghiệp được xử lý.

Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phát triển KCN Sonadezi, chủ đầu tư hạ tầng gần 10 KCN trên địa bàn tỉnh chia sẻ, vấn đề bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững tại các KCN được công ty đặc biệt quan tâm. Các KCN đi vào hoạt động đều đảm bảo các tiêu chuẩn về hạ tầng như: giao thông, khu xử lý nước thải, khu thu gom chất thải rắn, kể cả công trình tiện ích. Nhà đầu tư vào KCN phải cam kết tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất và hậu sản xuất. Ngoài ra, công ty luôn theo dõi sát sao về vấn đề nước thải, chất thải, khí thải của các DN, thông báo cho các nhà máy, cơ quan chức năng kịp thời xử lý khi có sự cố.

Môi trường sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp được kiểm soát Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty CP TaeKwang Vina industrial (TP.Biên Hòa)
Môi trường sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp được kiểm soát. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty CP TaeKwang Vina industrial (TP.Biên Hòa). Ảnh:H. Lộc

Thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đều có các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường đất, nước, không khí. Cụ thể, các vùng chăn nuôi tập trung được quy hoạch cách xa khu dân cư, cách xa sông, suối và “siết” chặt các điều kiện về môi trường. Các vùng chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học dần được hình thành. Tỉnh chủ trương phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ tại các cánh đồng lớn, vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và đẩy mạnh liên kết xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính nhằm giúp người nông dân thay đổi tư duy, thói quen làm nông nghiệp.

Đối với các vùng khai thác khoáng sản có nguy cơ ô nhiễm cao, tỉnh ban hành nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường như: quy định về khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản, quy định cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản, thành lập hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu phí, thuế và yêu cầu ký quỹ phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Yêu cầu các chủ đầu tư lắp đặt camera giám sát tại mỏ khai thác khoáng sản và kết nối truyền dữ liệu về Sở TN-MT. Tính đến thời điểm hiện tại, 47 dự án khai thác khoáng sản đều nằm trong quy hoạch và được Bộ TN-MT, UBND tỉnh cấp phép hoạt động. 36/47 dự án đang hoạt động ký quỹ phục hồi môi trường và cam kết cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

* Quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên

Bên cạnh công tác bảo vệ môi trường, trong chương trình công tác hằng năm, ngành TN-MT đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý và phát triển các nguồn tài nguyên, duy trì đa dạng sinh học.

Biểu đồ thể hiện tình hình thực hiện các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 9-2020 (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện tình hình thực hiện các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 9-2020 (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, 5 năm qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo các giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất như: xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính, hồ sơ địa chính đối với 170/170 xã, phường và thị trấn đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin đến 3 cấp tỉnh, huyện và xã; quy định tách thửa; quy định xử phạt tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; thu hồi làm dự án và bán đấu giá các khu đất thu nộp ngân sách. Đặc biệt, Sở TN-MT chủ trì xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, 5 năm để tỉnh trình Chính phủ phê duyệt đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND H.Long Thành, địa phương đang thực hiện nhiều dự án liên quan đến đất đai chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở TN-MT, các quỹ đất ở huyện được khai thác hiệu quả, nhiều khu đất được đấu giá thành công, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh, cho huyện. Liên quan đến đại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Đức cho biết, dự kiến cuối tháng 10-2020 sẽ hoàn thành chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 của dự án quy mô 1,8 ngàn ha, trong năm 2021 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 5 ngàn ha để tỉnh bàn giao cho chủ đầu tư.

Với lợi thế nguồn nước từ các sông, hồ, đặc biệt là hệ thống sông Đồng Nai, tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh để khai thác, bảo vệ nguồn nước mặt; ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. Tỉnh cũng hoàn thành xây dựng, khoanh vùng vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trước mắt và lâu dài; quy hoạch bổ sung hệ thống quan trắc, giám sát môi trường nước; thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Cùng với bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên, tỉnh chủ trương phát triển nguồn tài nguyên rừng và duy trì đa dạng sinh học. Điển hình là thực hiện nghiêm cấm việc khai thác các tài nguyên rừng; trồng rừng và nâng tỷ lệ che phủ ở rừng phòng hộ, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, tỷ lệ cây xanh ở các đô thị.

Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao H.Xuân Lộc, đơn vị phụ trách trồng rừng trên núi Chứa Chan cho biết, thực hiện Quyết định số 1356/QĐ-UBND của UBND tỉnh về trồng rừng thay thế, đơn vị đã đấu thầu thành công và tiến hành trồng hơn 100ha rừng trong các năm 2018, 2019. Quá trình trồng rừng trên đỉnh núi Chứa Chan gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, chỉ trồng được vào những ngày mưa. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, toàn bộ diện tích đất trống đã được phủ kín các loại cây keo lai, tràm, si, tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%, sinh trưởng phát triển khá tốt. Đến cuối năm 2019, H.Xuân Lộc đã phủ xanh được 100% diện tích đồi trọc trên đỉnh núi Chứa Chan. Hoàn thành nhiệm vụ trước 1 năm so với kế hoạch.

Tại các địa phương không có hoặc có ít đất rừng, tỉnh chỉ đạo nâng tỷ lệ che phủ bằng cách trồng mảng xanh ở đô thị, KCN, trục đường giao thông, công viên. Đây là những nỗ lực làm gia tăng nguồn tài nguyên, phát triển đa dạng sinh học và giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, ngành TN-MT thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Cụ thể, thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, y tế đều đạt 100%; 31/31 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Môi trường vùng sản xuất nông nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản được giám sát. Ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên của các cấp, các ngành, DN và cộng đồng chuyển biến rõ rệt.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều