Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa - dịch vụ

11:10, 05/10/2020

Cùng với kết nối về hạ tầng, các chương trình phối hợp giao thương kinh tế giữa Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng cũng thường xuyên được thực hiện.

Cùng với kết nối về hạ tầng, các chương trình phối hợp giao thương kinh tế giữa Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng cũng thường xuyên được thực hiện.

Gian hàng sản phẩm Đồng Nai tham gia hội chợ kết nối cung cầu
Gian hàng sản phẩm Đồng Nai tham gia hội chợ kết nối cung cầu. Ảnh: Đào Lê

Là khu vực sản xuất hàng hóa lớn cho hơn 20 triệu cư dân trong vùng, Đồng Nai cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa chỉ đứng thứ 2 sau TP.HCM nên cơ hội hợp tác còn rất lớn.

* Hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương

Giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai thực hiện chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung cầu hàng hóa với TP.HCM. Đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung đã ký kết trong giai đoạn này. Cụ thể, TP.HCM hỗ trợ Đồng Nai trong thời điểm cần hỗ trợ tiêu thụ chuối, tiêu thụ heo, phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát thị trường. Đồng Nai cũng phối hợp với Sở Công thương TP.HCM trong việc xây dựng đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa thành phố và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, giới thiệu các tập đoàn đến Đồng Nai khảo sát đầu tư các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Việc hàng hóa sản xuất tại địa phương tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của TP.HCM không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, mà còn có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương chuyển dịch theo hướng văn minh, hiện đại.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay hoạt động nổi bật trong giai đoạn này là phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa các DN sản xuất với các DN phân phối, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất trong tỉnh Đồng Nai nói riêng, các địa phương khác nói chung có cơ hội giao lưu, phát triển thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối. Trong lĩnh vực thương mại, hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại của Đồng Nai đã có sự hiện diện của một số thương hiệu lớn như: BigC, Co.opmart, MM Market, Lotte, Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Vincom... Các DN thương mại của TP.HCM đầu tư trên địa bàn tỉnh được chính quyền địa phương, các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, sự hình thành của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cũng góp phần tạo thêm sự đa dạng trong hoạt động sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây phát triển theo hướng là một kênh phân phối nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáng tin cậy của người dân, góp phần tăng cường kết nối đa chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông, phân phối, thúc đẩy giao thương hàng hóa, sản phẩm nông sản, đặc sản, đặc trưng vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành lân cận, phát triển thành chợ đầu mối trung chuyển sản phẩm nông sản tập trung trong cả nước và xuất khẩu.

* Liên kết để phát triển du lịch

Theo đánh giá chung của lãnh đạo các địa phương trong vùng, liên kết phát triển du lịch sẽ giúp các địa phương khai thác hiệu quả hơn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và đặc trưng của vùng như: núi, biển, sông, hồ, rừng, hệ sinh thái đa dạng sinh học... cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú.

Riêng Đồng Nai có tiềm năng du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng, có rừng, thác, sông, hồ, núi. Nổi bật trong đó là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Cát Tiên được xem như một khu du lịch tổng hợp đa sắc màu; sông Đồng Nai là một trong những dòng sông đẹp và dài nhất vùng Nam bộ. Bên cạnh đó, còn có những dòng suối, hồ và những dòng thác đẹp như: thác Mai - hồ nước nóng, thác Ba Giọt, thác Giang Điền, thác Đá Hàn, hồ Trị An... Ngoài ra, còn có hệ thống đồi, núi tự nhiên nổi tiếng.

Thời gian qua, với lợi thế của tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đang xây dựng các tour nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch nổi tiếng gắn với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Nắm bắt xu hướng du lịch mới, nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương được thành lập với lợi thế là người dân bản địa nên đã khai thác khá hiệu quả tiềm năng du lịch này.

Trong kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Tỉnh ủy đã ban hành từ năm 2017, Đồng Nai sẽ gắn hoạt động xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao. Theo đó, đăng cai các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai đến bạn bè, du khách. Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu; liên kết xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch với các địa phương để thu hút khách đến Đồng Nai. Liên kết công - tư trong việc huy động kinh phí để tăng cường đầu tư cho xúc tiến, quảng bá điểm đến, phát triển thương hiệu điểm đến.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Đồng Nai luôn tạo điều kiện để du lịch có sự gắn kết với các tỉnh, thành Đông Nam bộ, đồng thời kiến tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư vào Đồng Nai khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch.                

Đào Lê

 

 

 

tại TP.HCM

 

Tin xem nhiều