Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn

03:09, 08/09/2020

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt mặt hàng nông sản rớt giá, tồn kho vì xuất khẩu gặp khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ nông sản giảm sút,...

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt mặt hàng nông sản rớt giá, tồn kho vì xuất khẩu gặp khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cả thị trường tiêu thụ nông sản trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều giảm sút, thậm chí nhiều giai đoạn bị đình đốn, không tiêu thụ được.

Đồ họa thể hiện sản lượng trong 8 tháng của năm 2020 và mức tăng sản lượng so với cùng kỳ năm 2019  của một số nông sản, sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Đồng Nai Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện sản lượng trong 8 tháng của năm 2020 và mức tăng sản lượng so với cùng kỳ năm 2019 của một số nông sản, sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Đồng Nai. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

[links()]Nông dân liên tiếp gặp thua lỗ trong sản xuất, nhiều trang trại chăn nuôi, nhà vườn cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư hoặc duy trì sản xuất.

* Thách thức bủa vây

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản rơi vào cảnh rớt giá, ứ hàng vì đầu ra gặp khó khăn. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng giảm do xuất khẩu đình đốn vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Vài năm gần đây, nông dân trồng cây công nghiệp lâu năm như: tiêu, điều, cà phê… đã phải rất nỗ lực mới có thể duy trì sản xuất vì giá các loại nông sản trên luôn đứng ở mức thấp do nguồn cung dồi dào. Thực tế, hàng ngàn ha cây công nghiệp lâu năm bị nông dân chặt bỏ khi càng trồng càng thua lỗ.

Dịch Covid-19 tái bùng phát càng chồng chất thêm khó khăn cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu các mặt hàng này. Một số cơ sở, DN sản xuất buộc phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động vì càng làm càng thua lỗ.

Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Nghĩa Thịnh (H.Xuân Lộc) trước đây hoạt động mạnh trong ngành chế biến và xuất khẩu nhân hạt điều cũng như chế biến sâu cung cấp cho thị trường nội địa. Hiện nay, DN này đã đóng cửa nhà máy và tạm ngưng hoạt động. Bà Trần Thị Diệu Cương, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Nghĩa Thịnh (H.Xuân Lộc) cho biết, DN hiện đã tạm ngưng hoạt động vì gặp khó khăn trong sản xuất. Trong đó, có nguyên nhân là cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều chậm khiến DN càng làm càng thua lỗ. 

Xuất khẩu chuối gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Xuất khẩu chuối gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Năm nay, thị trường trái cây tươi cũng gặp khủng hoảng về đầu ra vì nguồn cung tăng so với cùng kỳ mọi năm trong khi kênh tiêu thụ chính là xuất khẩu lại bị đình đốn vì dịch Covid-19. Cụ thể, sản lượng thu hoạch một số loại trái cây xuất khẩu chính của Đồng Nai trong 8 tháng của năm 2020 đều tăng mạnh như: xoài đạt trên 68,7 ngàn tấn, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019; chuối đạt gần 83,9 ngàn tấn, tăng hơn 11%; thanh long đạt gần 7 ngàn tấn, tăng gần 4,5%; bưởi đạt trên 36,5 ngàn tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng trái cây tươi đồng loạt giảm sâu khiến nhà vườn thua lỗ nặng. Thực tế khi xoài, chuối… rộ vụ thu hoạch vào đúng thời điểm Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu vì dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà vườn trắng tay, chứng kiến cảnh trái cây chín rụng đầy vườn mà không có thương lái thu mua do không xuất khẩu được. Ngay cả khi thị trường Trung Quốc mở cửa nhập hàng trở lại thì giá nông sản xuất khẩu cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm.

Hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây tươi cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi đầu ra bấp bênh. Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) cho biết, từ đầu năm đến nay, ông từng thiệt hại tiền tỷ vì gửi đi hàng chục container chuối xuất khẩu nhưng không phải đợt hàng nào cũng được khách thanh toán. Lý do nhiều đơn hàng xuất khẩu của ông không được khách hàng thanh toán vì xuất hàng đúng thời điểm thị trường Trung Quốc đóng cửa mọi giao dịch khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ngay cả thời điểm hoạt động xuất khẩu hồi phục, xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch cũng bị siết chặt hơn và rất dễ bị đóng cửa.

Ngay cả lĩnh vực nuôi trồng thủy sản luôn có mức tăng trưởng cao cũng không tránh khỏi khó khăn. Nông dân nuôi trồng thủy sản trải qua nhiều lần điêu đứng khi giá các mặt hàng thủy sản giảm sâu, khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Quảng, nông dân nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, đây là năm nông dân bán cá với mức giá thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây khi giá cá bán ra thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất. Giá nhiều loại cá đồng loạt giảm sâu nhưng vẫn khó tìm được thương lái thu mua do nguồn cung vượt xa so với nhu cầu khi xuất khẩu đình đốn, sức tiêu thụ của thị trường trong nước cũng giảm mạnh đều vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* Chưa thể gỡ khó

Năm 2019, ngành chăn nuôi heo bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Sau gần 1 năm khôi phục sản xuất, tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ mới hồi phục được khoảng 80% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Hoạt động tái đàn, tăng đàn chủ yếu thuộc các DN, tập đoàn lớn trong chăn nuôi. Các trang trại, hộ chăn nuôi tư nhân vẫn khó khôi phục lại hoạt động sản xuất với nguyên nhân chính là khó khăn về vốn đầu tư cũng như lo rủi ro về dịch bệnh tái phát.

Với giá heo hơi bán ra khá cao như hiện nay, chăn nuôi heo đang đứng đầu về lợi nhuận so với nhiều mặt hàng nông sản khác nhưng người chăn nuôi vẫn rất dè dặt tái đàn. Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương nhận xét, hiện đa số các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện và cũng không còn nguồn vốn để tái đàn. Trong đó có nguyên nhân do giá heo giống tăng quá cao, nguồn vốn để tái đàn hay đầu tư một trại chăn nuôi heo hiện tại thường tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây.

Hiện giá các loại gia cầm như: gà công nghiệp, gà ta, vịt thịt… đều đang bán ra dưới giá thành sản xuất. Cụ thể, giá gà công nghiệp chỉ còn 17-18 ngàn đồng/kg, gà lông màu còn 21-22 ngàn đồng/kg, gà ta nuôi nhà lưới còn 38-48 ngàn đồng/kg, vịt thịt còn 40-41 ngàn đồng/kg, giảm từ 5-10 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Giá các loại gia cầm bán ra hiện đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 3-5 ngàn đồng/kg, đặc biệt là gà lông màu thấp hơn đến 10 ngàn đồng/kg nên người nuôi gia cầm đang thua lỗ nặng. Vài tháng trước đó, người nuôi gà từng điêu đứng khi giá gà công nghiệp bán ra tại trại có giá thấp kỷ lục chỉ còn hơn 10 ngàn đồng/kg. Các loại gia cầm khác cũng bán ra dưới giá thành sản xuất.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận xét, mỗi đợt giá gà giảm sâu, chủ trại nuôi gà công nghiệp đều lỗ tiền tỷ. Từ đầu năm đến nay, thị trường từng xảy ra tình trạng DN sản xuất giống gia cầm phải tiêu hủy gà, vịt giống vì các trại tạm ngưng tái đàn. Nhiều trại nuôi gia cầm đang đối mặt với nguy cơ phá sản vì thua lỗ. Một nghịch lý là sản lượng gia cầm trong nước tăng nhanh, hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa. Nhưng gà ngoại giá rẻ vẫn được nhập khẩu về ồ ạt khiến giá gia cầm thường rơi vào cảnh dội chợ, khó ổn định được đầu ra để người chăn nuôi yên tâm đầu tư.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều