Báo Đồng Nai điện tử
En

Hài hòa lợi ích trong phát triển du lịch

08:09, 16/09/2020

Đồng Nai có hơn 180 ngàn ha rừng, trong đó rừng đặc dụng hơn 104,1 ngàn ha, rừng phòng hộ trên 40,4 ngàn ha và rừng sản xuất gần 35,47 ngàn ha. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã có chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên rừng của Đồng Nai được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học phong phú hàng đầu cả nước.

Đồng Nai có hơn 180 ngàn ha rừng, trong đó rừng đặc dụng hơn 104,1 ngàn ha, rừng phòng hộ trên 40,4 ngàn ha và rừng sản xuất gần 35,47 ngàn ha. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã có chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên rừng của Đồng Nai được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học phong phú hàng đầu cả nước. Giữ rừng và phát triển du lịch sinh thái rừng là vấn đề được tỉnh rất quan tâm những năm gần đây. Mục tiêu là để bảo tồn và phát triển rừng bền vững, nhưng bớt gánh nặng cho ngân sách về kinh phí bảo vệ rừng và phát triển kinh tế của địa phương. Nếu thực hiện hài hòa hai lợi ích trên, Đồng Nai sẽ là nơi giữ rừng tốt nhất khu vực Đông Nam bộ đồng thời phát triển du lịch sinh thái rừng, lĩnh vực đang được nhiều du khách quan tâm và muốn trải nghiệm.


Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách, địa thế với ý định sẽ đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng. Trong đó, có một số dự án về du lịch sinh thái rừng đã được cấp phép cho doanh nghiệp triển khai như: dự án Khu du lịch Thác Mai (H.Định Quán); dự án Safari (H.Vĩnh Cửu). Bên cạnh đó, nhiều khu vực rừng tự nhiên cũng có đề án mời gọi đầu tư vào du lịch sinh thái rừng như: rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch; rừng TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Xuân Lộc, H.Tân Phú.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng từng nhiều lần nhấn mạnh, Đồng Nai là nơi giữ được nhiều rừng tự nhiên có phong cảnh rất đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch rừng. Do đó, thời gian tới các sở, ngành, địa phương có rừng nên tập trung mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào du lịch rừng để khai thác các tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái rừng phải đi đôi với bảo tồn và bảo vệ rừng tự nhiên tốt hơn.

Vừa qua, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng đề cương định giá rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất để cho thuê. Trong đó, quy định rõ doanh nghiệp thuê môi trường rừng để làm du lịch phải đảm bảo giữ nguyên hiện trạng rừng, không gây ra các tác động xấu đến rừng. Thế nhưng, muốn phát triển du lịch sinh thái rừng đòi hỏi các địa phương phải làm tốt các tuyến đường giao thông kết nối với các khu phát triển du lịch rừng. Đồng thời, mời gọi phát triển các dịch vụ khác đi kèm để hấp dẫn thêm các du khách.

Tiềm năng về du lịch rừng của Đồng Nai rất lớn, nhưng khai thác lại chưa được như mục tiêu đề ra, bởi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái rừng còn vướng về cơ chế, chính sách. Đơn cử như, Công ty CP The Coi, chủ đầu tư dự án Khu du lịch Thác Mai muốn thuê thêm vài trăm ha rừng tự nhiên để phát triển thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng, trò chơi thám hiểm, trải nghiệm, trong đó cần xây dựng thêm công trình đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo quy định thì trong rừng tự nhiên không được xây dựng nhà, khu vui chơi..., đây là vướng mắc phải mất nhiều thời gian tỉnh mới tháo gỡ được.

Vì thế, muốn phát triển du lịch rừng, tỉnh phải tháo gỡ những gút mắc về chính sách, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp đầu tư mà vẫn giữ được rừng như mong muốn.

Uyển Nhi

 

Tin xem nhiều