Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập

04:09, 28/09/2020

Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có lợi thế cạnh tranh trong hội nhập… .

Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có lợi thế cạnh tranh trong hội nhập… bước đầu mang lại những hiệu quả tốt.

 Mô hình trồng hoa cho thu nhập cao tại H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên
Mô hình trồng hoa cho thu nhập cao tại H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-UBND về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025 gồm 24 loại cây trồng và 5 sản phẩm chăn nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

* Khai thác thế mạnh địa phương

Tái cơ cấu nông nghiệp chủ yếu tập trung phát huy lợi thế riêng của từng địa phương, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và các yêu cầu đặt ra trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng là giải pháp rất quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất qua việc khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như HTX tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn với mục tiêu xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.

Trong đó, Đồng Nai đang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án Nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel và đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cụ thể, đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang tập trung hỗ trợ người sản xuất và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, các nông sản chủ lực sẽ được hỗ trợ xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước và tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu.

Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đang được hoàn thiện trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tế. Đề án này cũng đặt ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất những nông sản thế mạnh của Đồng Nai theo quy mô hàng hóa lớn, đạt năng suất, chất lượng quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp, HTX, trang trại... tham gia đề án được hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tạo thương hiệu sản phẩm.

* Đáp ứng thị trường xuất khẩu

Nhiều chương trình, đề án phát triển nông nghiệp tuy mới được triển khai nhưng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể, đến nay, Đồng Nai đã có 46 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương đạt OCOP 5 sao, 4 sao nhờ đã vươn ra khỏi “lũy tre làng”, được cả thị trường nội địa và xuất khẩu biết tiếng.

Nói về quan điểm phát triển của đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel, bà Mai Thị Hải, Giám đốc Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM), đơn vị tư vấn đề án cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của đề án là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của cư dân vùng nông thôn; nâng cao vị thế của người dân nông thôn, giúp người dân vươn lên làm giàu. Cụ thể trong giai đoạn 2020-2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4,5%/năm, bình quân sản xuất nông nghiệp 1ha đạt khoảng 300 triệu đồng với trên 53,3% là giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Trong đó, các công nghệ cao của Israel sẽ được ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng nông sản. Đề án tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi thế riêng của Đồng Nai trong phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng được chuỗi giá trị khép kín cho từng loại sản phẩm, kiểm soát từ khâu giống đến cây tiêu thụ nhằm đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Góp ý cho định hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn mới, TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng, Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Qua đó, tỉnh phải thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng. Đồng Nai cũng cần hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Theo đó, tỉnh cần có nhiều chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương. 

    Lê Quyên

Tin xem nhiều