Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung thực hiện quy hoạch tỉnh

03:08, 04/08/2020

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm giúp tỉnh lập quy hoạch phù hợp...

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là để tỉnh lập quy hoạch phù hợp với đường lối chung của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp quy hoạch phát triển vùng.

TP.Biên Hòa là nơi sẽ có tốc độ phát triển nhanh trong giai đoạn sau nên quy hoạch cần tính toán kỹ. Trong ảnh: Một đoạn đường Đặng Văn Trơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang
TP.Biên Hòa là nơi sẽ có tốc độ phát triển nhanh trong giai đoạn sau nên quy hoạch cần tính toán kỹ. Trong ảnh: Một đoạn đường Đặng Văn Trơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang

Theo Sở KH-ĐT, tỉnh sẽ lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các huyện, thành phố. Đồng thời, quy hoạch chung của tỉnh phải đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực trên tất cả các lĩnh vực.

* Quy hoạch để hướng đến “tăng trưởng xanh”

Nguyên tắc lập quy hoạch của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 là phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới; Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của cả nước, chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh đảm bảo tính nhân dân, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa ổn định thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Dự tính sẽ có khoảng 54 nội dung được nghiên cứu xây dựng đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong đó, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện, thành phố thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ do từng địa phương thực hiện.

Quá trình lập quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi, khoa học, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, những văn bản liên quan. Quy hoạch có sự liên kết về không gian, đặc biệt là không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu đặt trong tổng thể vùng, quốc gia và những khu vực có vai trò động lực phát triển của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Quy hoạch tỉnh sẽ là công cụ để tỉnh quản lý toàn diện, thống nhất trên địa bàn. Đây sẽ là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Mọi quy hoạch ngành sẽ được cập nhật vào quy hoạch tỉnh, như vậy sẽ loại bỏ được các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển, đảm bảo tính công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp”.

Quy hoạch tỉnh cũng là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, làm việc, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch của tỉnh. Khi quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị trong việc triển khai các dự án, công trình. Bởi các quy hoạch ngành đều được cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh, như vậy sẽ tránh được việc các quy hoạch ngành không đồng nhất phải điều chỉnh, mất nhiều thời gian và chi phí.

Cụ thể như, thời gian vừa qua, nhiều dự án đường giao thông ở các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng “lệch pha” nhau. Dự án tiến hành điều chỉnh hai quy hoạch cho phù hợp đã mất thêm hơn 1 năm. Bên cạnh đó, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc quy hoạch chưa thống nhất.

Huyện Nhơn Trạch có rất nhiều dự án nên trong quy hoạch cần tính toán cho phù hợp. Trong ảnh: Một góc đô thị Nhơn Trạch
Huyện Nhơn Trạch có rất nhiều dự án nên trong quy hoạch cần tính toán cho phù hợp. Trong ảnh: Một góc đô thị Nhơn Trạch

Bà Nguyễn Ngọc Linh (ở P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trong quy hoạch sử dụng đất thì thửa đất của tôi là đất ở nhưng khi xin phép xây dựng nhà ở lại không được, vì ngành Xây dựng nói thửa đất được quy hoạch làm đường giao thông. Do đó, tôi mong quy hoạch của tỉnh sớm hoàn thành, để quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng thống nhất với nhau, người dân chúng tôi khi có nhu cầu đầu tư xây dựng không phải chờ đợi, mất nhiều thời gian đi lại”.

Đồng Nai sẽ nhanh chóng làm quy hoạch tỉnh để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam đang tham gia.

* Tiến hành tích hợp các quy hoạch

Trong quy hoạch tỉnh, tất cả các quy hoạch ngành sẽ được tích hợp vào và đảm bảo tương thích, thống nhất, liên kết đồng bộ giữa quy hoạch các ngành của tỉnh, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH ngày 16-8-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh đáp ứng nhu cầu trong hiện tại và tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo.

Ở quy hoạch tỉnh giai đoạn tới, Sở Xây dựng là nơi thực hiện nhiều quy hoạch ngành nhất với khoảng 9 nội dung. Cụ thể như: phương án phát triển hạ tầng cấp thoát nước; phương án phát triển đô thị trung tâm, thị trấn, khu dân cư; phương án phát triển hệ thống đô thị nông thôn...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong quy hoạch tỉnh sẽ phân tích đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Đồng Nai, những thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu, những mục tiêu, phương án ưu tiên thực hiện. Và trong quy hoạch tỉnh cũng chú trọng việc xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là phương án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện. Tỉnh sẽ phát triển nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo lộ trình mà địa phương đã cam kết. 

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự tính được quy hoạch mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự tính được quy hoạch mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, trong các quy hoạch đang và sẽ thực hiện tới đây, các sở, ngành, địa phương phải lấy bản đồ nền về quy hoạch sử dụng đất từ Sở TN-MT để làm. Như vậy khi các quy hoạch ghép lên nhau và tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ đồng nhất, sẽ rất thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các công trình, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ...

Ngoài ra, trong quy hoạch tỉnh tới đây sẽ loại bỏ một số quy hoạch ngành nhằm tạo sự thông thoáng để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số lĩnh vực sẽ được chú trọng nhiều hơn trong thực hiện quy hoạch là: quy hoạch phát triển đô thị, phát triển khu dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển mạng lưới giao thông, phát triển mạng lưới cấp điện, thủy lợi, cấp nước, thoát nước...

Tỉnh cũng sẽ có quy hoạch, định hướng sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch, xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất, diện tích đất, loại đất cần thu hồi và chuyển đổi. Đồng thời, quy hoạch tỉnh giai đoạn tới sẽ xác định hướng phát triển trọng tâm của từng vùng liên huyện, vùng huyện. Tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp hệ thống các thị trấn, trung tâm cụm xã theo nhu cầu phân bố sản xuất và phân bố dân cư tại từng vùng liên huyện, vùng huyện. Từ đó, quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo từng khu vực cho phù hợp để khai thác hết những lợi thế nhằm thúc đẩy các địa phương phát triển.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết: “Hiện tỉnh đang tiến hành thủ tục để đấu thầu chọn ra đơn vị tiến hành làm quy hoạch tỉnh. Dự kiến thời gian thực hiện các bước để hoàn thành các nội dung quy hoạch tỉnh là 24 tháng. Sau khi hoàn tất nội dung quy hoạch sẽ trình Chính phủ phê duyệt để triển khai”.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều