Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp đón đầu RCEP

04:08, 31/08/2020

Từ năm 2012, các nước ASEAN cùng với 6 đối tác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Từ năm 2012, các nước trong khối ASEAN đã cùng với 6 đối tác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dự kiến đến tháng 11-2020, RCEP sẽ được ký kết.

Đồ họa thể hiện số lượng thành viên và quy mô dự kiến của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng thành viên và quy mô dự kiến của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, vì “bao trùm” một thị trường khổng lồ với gần 40% dân số và GDP toàn cầu. Do đó, RCEP được kỳ vọng mang lại cục diện mới cho thương mại khu vực và thế giới.

* Mở ra thị trường “khổng lồ”

Khi RCEP được ký kết và có hiệu lực, dự kiến sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ ổn định thuận lợi cho 16 nước tham gia. Hiệp định trên sẽ tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ cho chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển nhanh hơn.

Do Ấn Độ tạm thời xin rút khỏi RCEP nên dự kiến cuối năm 2020, hiệp định ký kết chỉ còn 15 nước tham gia là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Brunei, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “RCEP đang được hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong đàm phán với dự định sẽ ký kết vào cuối năm 2020. Hiệp định được ký kết sẽ tạo ra một thị trường quy mô 3,5 tỷ người tiêu dùng với doanh thu 49 ngàn tỷ USD, chiếm gần 40% GDP toàn cầu”. Đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với cam kết về mở cửa thị trường trên lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đầu tư, đơn giản thủ tục hải quan, quy  tắc xuất xứ hàng hóa tạo thuận lợi cho thương mại của các nước cùng tham gia.

Tuy nhiên, RCEP ký kết vào cuối năm sẽ thiếu Ấn Độ nên hiệp định chưa được như kỳ vọng và mong muốn của các nước tham gia. Thế nhưng, RCEP sẽ luôn mở cửa để Ấn Độ có thể quay lại tham gia bất cứ lúc nào.

Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh khá quan tâm đến RCEP, do đây là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Đồng Nai. Đồng thời, một số nước tham gia hiệp định trên còn là đối tác đầu tư lớn vào Đồng Nai như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Do đó, nếu RCEP được ký kết sẽ giúp cho Đồng Nai mở rộng được thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến. Ảnh:H. Giang

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) cho hay: “Hơn 60% sản phẩm của công ty làm ra được xuất khẩu vào Nhật Bản, ASEAN và các nước EU. Chúng tôi rất mong RCEP sớm ký kết để được giảm thuế, thủ tục hải quan đơn giản hơn và DN sẽ dễ dàng hơn trong việc mở rộng được thị trường tiêu thụ ở những nước cùng tham gia hiệp định”.

Với các nước thành viên trong RCEP, Việt Nam đã có một số ký kết riêng trong từng nước như: Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc... Thế nhưng, RCEP vẫn sẽ giúp nâng cao, mở rộng thương mại hơn nữa với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 thì việc Việt Nam ký kết 2 hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (đã ký) và RCEP (chuẩn bị ký) trong năm 2020 sẽ có tác động tích cực trong hồi phục và phát triển kinh tế của cả nước. Đồng thời, tạo ra một cấu trúc thương mại mới trong khu vực và thúc đẩy toàn cầu theo hướng tự do hóa một cách bền vững.

Bên cạnh những thuận lợi thì các DN cũng phải đối mặt với các khó khăn khi thuế quan của nhiều mặt hàng giảm về 0%, hàng trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Như vậy, những DN sản xuất chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn trong sản xuất và giữ thị phần. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, RCEP cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác sẽ mở ra cơ hội lẫn thách thức và DN buộc phải vượt qua trong quá trình tham gia hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

* Đón đầu cơ hội từ RCEP

Nội dung đàm phán của RCEP bao gồm: thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư; hợp tác kinh tế - kỹ thuật; sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp; thương mại điện tử; DN vừa và nhỏ và một số vấn đề khác.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến. Ảnh: H.GIANG
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến. Ảnh: H.GIANG

Năm 2020, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam phải gánh vác nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy đàm phán những nội dung còn lại của RCEP và tiến hành ký kết vào cuối năm nay. Đến nay, Việt Nam đã ký kết được 13 hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương và đang tiến hành đàm phán 3 hiệp định là RCEP, Việt Nam - Israel và Việt Nam - EFTA (bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Liechtenstein).

Sau khi RCEP được ký kết, Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về tham gia vào hội nhập sâu, nhanh và rộng. Có 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là CPTPP, EVFTA và RCEP thì Việt Nam đều đã và sẽ tham gia. Dự tính giao thương của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, 3 đối tác lớn trong RCEP, CPTPP sẽ tăng mạnh.

Ông Trần Tấn Phát, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hàng hóa của công ty sản xuất ra có đến hơn 80% xuất khẩu và chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến hàng hóa xuất qua Hoa Kỳ bị ngưng gần hết, công ty buộc mở rộng thêm thị trường Nhật Bản, Australia... để bù lại. RCEP ký kết sẽ giúp cho công ty dễ dàng hơn trong mở rộng thị trường tiêu thụ vào những nước thành viên tham gia hiệp định”. Ông Phát cũng nhận định trong thời điểm dịch bệnh, hầu hết các DN đều phải tìm thêm các khách hàng, thị trường mới để duy trì sản xuất, đảm bảo doanh thu, việc làm và thu nhập cho người lao động. Thuế xuất khẩu giảm, thủ tục đơn giản, sẽ tăng sức cạnh tranh cho DN với những mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia khác.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết: “Các DN muốn nắm bắt tốt các lợi thế từ RCEP thì phải nghiên cứu hiệp định, lĩnh vực mình đang sản xuất, kinh doanh để từ đó có kế hoạch chuẩn bị trước. Như vậy khi RCEP được ký kết có thể tận dụng ngay được cơ hội. Với hiệp định RCEP, Việt Nam có thuận lợi là trước đó đã có ký kết riêng hiệp định thương mại tự do song phương với một số nước”.

Đa số các DN tại Việt Nam đều kỳ vọng, cuối năm nay, khi RCEP được ký kết, đại dịch Covid-19 cũng lắng xuống, sẽ là thời điểm “tăng tốc” xuất khẩu. Còn các tỉnh, thành có thể hoàn thành mục tiêu năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đà cho phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm tới (2021-2025).

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có DN tham gia vào hội nhập sâu với tốc độ khá nhanh. Trong quá trình Việt Nam đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Đồng Nai đều mời các chuyên gia kinh tế tham gia đàm phán các hiệp định về tỉnh chia sẻ các thông tin liên quan để DN có sự chuẩn bị từ trước. Vì thế, khi các hiệp định chính thức được thực hiện, các DN có thể đón được các cơ hội và giảm được các ảnh hưởng tiêu cực.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích