Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài toán nhân lực cho sân bay Long Thành

09:07, 27/07/2020

Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành là dự án quan trọng cấp quốc gia, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.

Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành là dự án quan trọng cấp quốc gia, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai. Góp phần tạo nên tiền đề đó không thể không kể đến hàng ngàn hộ dân đã nhường đất để phục vụ dự án. Do đó, ổn định đời sống, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân thuộc vùng dự án là trách nhiệm mà các cấp, các ngành đều phải chung tay thực hiện. Trong đó, việc đào tạo nghề đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi nếu làm tốt công tác này, người dân sẽ có được cơ hội việc làm tốt hơn.

UBND tỉnh đã ban hành “Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư CHKQT Long Thành”. Theo đề án này, tỉnh có chính sách miễn giảm chi phí đào tạo nghề và các khoản hỗ trợ khác cho các đối tượng tham gia đào tạo nghề (từ ngắn hạn dưới 3 tháng đến trình độ cao đẳng).

Về giải quyết việc làm, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ như: đưa người lao động thuộc vùng dự án vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn H.Long Thành và khu vực lân cận. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 228.900 người. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khẳng định sẽ được ưu tiên giới thiệu người lao động có đủ điều kiện và phù hợp với khả năng vào làm việc tại CHKQT Long Thành trong quá trình xây dựng và khi đi vào hoạt động.

Lẽ dĩ nhiên, rất nhiều người dân địa phương, nhất là lực lượng lao động trẻ, mong muốn có được một vị trí việc làm xứng đáng tại sân bay. Nhưng hàng không lại là một ngành kinh tế đặc thù với những tiêu chuẩn khắt khe đối với lực lượng lao động. Vì thế, nếu muốn có được một vị trí việc làm tại sân bay, người dân không có cách nào khác là phải tham gia học nghề phù hợp.Hơn nữa, quá trình học nghề phải rất nghiêm túc, nỗ lực. Ngoài công việc tại sân bay, khu vực kinh tế bên ngoài “hành lang” sân bay cũng sẽ cần nhiều lao động. Vị trí, tính chất công việc chắc chắn sẽ khác hẳn với công việc nhà nông mà người dân vùng dự án vốn đã quen thuộc. Do đó, muốn đáp ứng được với công việc mới, người dân buộc phải tham gia học nghề.

Năm 2019, Sở LĐ-TBXH kết hợp với chính quyền địa phương 6 xã thuộc vùng dự án đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với hộ gia đình bị thu hồi đất thuộc dự án. Theo đó, có hơn 6.500/9.700 người từ 15 tuổi trở lên (chiếm 67,42%) đã tham gia trả lời khảo sát. Trong đó, có 1.495 người có nhu cầu đào tạo nghề, 5.045 người còn lại không có nhu cầu đào tạo nghề.

Nếu giả sử gần 1.500 người nêu trên đều học nghề và được tuyển dụng vào làm việc tại sân bay thì đây vẫn là con số rất nhỏ so với nhu cầu 14 ngàn lao động trong giai đoạn 1 của CHKQT Long Thành. Tất nhiên, góp phần vào làm việc cho sân bay còn có nhiều lao động đến từ các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng kết quả khảo sát nêu trên phần nào cho thấy người dân chưa sẵn sàng tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình tại một CHKQT có quy mô lớn.

Tường Vi

Tin xem nhiều