Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành vận tải hành khách ''gồng mình'' vượt khó

03:05, 16/05/2020

Dịch Covid-19 đã cơ bản được đẩy lùi song vẫn đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Dịch Covid-19 đã cơ bản được đẩy lùi song vẫn đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều ảnh hưởng dù đến nay xe khách liên tỉnh, nội tỉnh, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt đã được phép hoạt động trở lại.

Tuyến xe buýt số 604 từ Đồng Nai đi TP.HCM vắng người đi từ khi hoạt động trở lại vào ngày 23-4
Tuyến xe buýt số 604 từ Đồng Nai đi TP.HCM vắng người đi từ khi hoạt động trở lại vào ngày 23-4. Ảnh: Thanh Hải

[links()]Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển thêm dịch vụ mới hay giảm, không tăng giá cước vận tải là những giải pháp kịp thời của nhiều doanh nghiệp nhằm sớm khôi phục hoạt động kinh doanh.

Hành khách giảm mạnh, doanh nghiệp gặp khó

Sau hơn 20 ngày tạm dừng hoạt động nhằm phòng dịch Covid-19, từ ngày 23-4, Sở GT-VT ra thông báo về việc cho phép các tuyến xe cố định nội tỉnh, xe buýt nội tỉnh, xe taxi được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các chuyến xe khi đón khách, không chở quá 50% số ghế và cách 1 ghế trên xe, tần suất số chuyến, biểu đồ hoạt động cũng giảm bớt.

Hoạt động vận tải hành khách sụt giảm mạnh

Sở GT-VT cho biết, trong quý I-2020, vận chuyển hành khách đạt 7,46 triệu lượt hành khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 13,6% so với kế hoạch năm 2020. Cụ thể, vận chuyển khách theo hợp đồng du lịch giảm 75-80%; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt giảm
60-70%; vận chuyển khách bằng taxi, tuyến cố định giảm 30-35%; vận chuyển đưa đón công nhân vẫn thực hiện bình thường.

 

Đến ngày 13-5, Sở GT-VT quyết định vận tải hành khách chính thức hoạt động bình thường như trước. Tại các bến xe, trạm xe buýt và tuyến đường lớn ở Đồng Nai, xe buýt, xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng đã nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, hầu hết các xe đều ít người đi, thậm chí có những chuyến xe buýt trống hành khách ở cả hai chiều đi và về.

Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT), lượng hành khách 4 tháng đầu năm 2020 trong toàn tỉnh đạt hơn 3,5 triệu lượt; so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách chỉ đạt 43,43%. Đến nay, chỉ có 7 tuyến hoạt động trở lại bình thường, những tuyến còn lại thực hiện 60% tổng số chuyến so với phương án trước đây.

Ông Nguyễn Văn Tiên (lái xe buýt tuyến 603 từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch đi Bến xe Miền Đông, TP.HCM) cho biết, bản thân làm nghề lái xe buýt hơn 10 năm, nhưng chưa khi nào ít khách như hiện tại. Tuyến xe buýt 603 vốn đi qua các khu công nghiệp, khu dân cư lớn ở cả Đồng Nai và TP.HCM nên ngày thường người đi xe rất đông. Vào các giờ cao điểm, ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ, tết khách ngồi kín các ghế rồi đứng chen chúc.

So với trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19 thì hiện tại các chuyến xe buýt tại Bến xe Biên Hòa chuẩn bị xuất bến nhưng không có khách đi. Ảnh: Thanh Hải
So với trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19 thì hiện tại các chuyến xe buýt tại Bến xe Biên Hòa chuẩn bị xuất bến nhưng không có khách đi. Ảnh: Thanh Hải

“Những ngày này, mỗi chuyến xe buýt tôi chạy chỉ chở chưa đầy 15 người bao gồm cả tài xế và nhân viên bán vé. Khách ít, thu không đủ chi nên chủ xe cũng đã giảm bớt chuyến xuống còn một nửa. Do đó, nếu bình thường tôi chạy 3-5 chuyến thì nay giảm còn 2 chuyến/ngày” - ông Tiên nói.

Ồng Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà cho hay, đơn vị hiện có hơn 100 xe buýt, xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 2-2020, hoạt động vận tải của công ty đã bắt đầu gặp nhiều gặp khó khăn. Đến khi thực hiện các quy định về cách ly xã hội thì phần lớn xe của đơn vị phải dừng hoạt động. Sau khi được phép hoạt động trở lại, nhiều xe vẫn phải dừng chạy hay chạy cầm chừng vì nhu cầu đi lại của người dân chưa cao và tâm lý e ngại dịch bệnh.

Theo tính toán của ông Minh, hiện hoạt động kinh doanh của đơn vị chỉ đạt khoảng 50-60% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, ngoài xe hợp đồng chở công nhân vẫn diễn ra bình thường thì xe buýt, xe chở khách du lịch đều giảm mạnh khiến doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính.

“Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày vừa qua, những tưởng người dân sẽ đi du lịch, đi chơi đông giúp doanh nghiệp phục hồi doanh thu, nhưng các công ty du lịch đều thông báo hủy hợp đồng. Chúng tôi cố gắng hoạt động cầm chừng chờ qua giai đoạn khó khăn” - ông Minh nói.

Tại 2 bến xe lớn trên địa bàn tỉnh là Bến xe Đồng Nai và Bến xe Biên Hòa, lượng xe tuyến cố định đi và đến giảm mạnh. Phó giám đốc Bến xe Biên Hòa Văn Quang Bảnh cho biết, Bến xe Biên Hòa ngoài duy trì các tuyến xe buýt thì 15 tuyến cố định tại bến hoạt động không nhiều. Số lượng khách đặt vé tại bến cũng như sử dụng các phương tiện vận tải khách đạt thấp so với thời điểm trước khi có dịch.

* Nỗ lực duy trì hoạt động

Theo Sở GT-VT, Đồng Nai hiện có 23 tuyến xe buýt với 425 phương tiện thực hiện hơn 1,6 ngàn chuyến/ngày với lượng vận chuyển đạt 40 ngàn lượt khách/ngày. Tuyến vận tải hành khách cố định có 149 tuyến đi và đến 30 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng đối với loại hình vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch chiếm số lượng phương tiện lớn với 5,4 ngàn xe được cấp phù hiệu hoạt động. Việc đưa các loại hình vận tải hành khách trở lại hoạt động bình thường đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Giảm giá vé cho khách đi tàu hỏa

Theo Ga Biên Hòa, hoạt động vận tải hành khách đường sắt trên địa bàn đã hoạt động bình thường kể từ ngày 8-5. Hiện tại, ngành Đường sắt đang duy trì mỗi ngày 7 đôi tàu chạy tuyến Hà Nội đi TP.HCM, bao gồm cả các chuyến tàu du lịch từ TP.HCM - Phan Thiết, Nha Trang. Ngành Đường sắt đang nỗ lực giảm thiểu thiệt hại bằng cách thu hút khách với các chương trình khuyến mãi, giảm giá vé nhằm cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Ông Lại Xuân Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận chuyển và du lịch Hà Vân cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng cho phép các xe hoạt động trở lại hoàn toàn, ông rất vui mừng, đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Tiến hành sát khuẩn toàn bộ xe, ghế ngồi trên xe trước và sau khi chở khách. Trong quá trình vận chuyển, hành khách lên xe phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế…

Theo ông Hà, trong bối cảnh lượng khách đi xe giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng công ty vẫn đảm bảo đủ chuyến, không tăng giá vé, các dịch vụ vẫn sẽ đảm bảo như ngày thường. Đối với những cá nhân, đơn vị có nhu cầu thuê xe dịch vụ, công ty còn giảm giá 10-15% tùy thời gian dài hay ngắn. Qua đó, tạo niềm tin cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ của công ty, góp phần cải thiện doanh thu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Đồ họa thể hiện thông tin những giải pháp ngành GT-VT kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)
Đồ họa thể hiện thông tin những giải pháp ngành GT-VT kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)

Với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp vận tải đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm khắc phục khó khăn trước mắt và để giữ chân người lao động. Nhiều HTX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải tính toán, thay đổi từ phương tiện lớn sang phương tiện nhỏ để giảm mức tiêu hao nhiên liệu.

Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đồng Tiến Đặng Thành Hiệp cho hay, lượng khách giảm khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, đơn vị đã cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển thêm dịch vụ mới hay giảm, giữ giá cước vận tải ổn định. Với khoảng 150 đầu xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng nên việc thực hiện triệt để hơn nữa các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, điều chỉnh lại luồng tuyến hiệu quả là điều cần thiết. Từ đó, giảm bớt các chi phí phát sinh giúp đơn vị từng bước khôi phục, sớm ổn định hoạt động kinh doanh.

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đỗ Thị Hải Phương cũng cho biết, do lượng vận chuyển hành khách giảm dẫn đến doanh thu, hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt thấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua phía Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đã triển khai nhiều biện pháp, yêu cầu các doanh nghiệp, HTX tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp phương tiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Mục tiêu là nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, thu hút người dân quay trở lại lựa chọn loại phương tiện này.

Thanh Hải

Tin xem nhiều