Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ giới hóa gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

08:05, 28/05/2020

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, Đồng Nai đã triển khai đề án Đẩy mạnh cơ giới hóa giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, Đồng Nai đã triển khai đề án Đẩy mạnh cơ giới hóa giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nông dân tham quan gian hàng trưng bày máy nông nghiệp tại một hội chợ tổ chức tại Đồng Nai. Ảnh: L.Quyên
Nông dân tham quan gian hàng trưng bày máy nông nghiệp tại một hội chợ tổ chức tại Đồng Nai. Ảnh: L.Quyên

[links()]Nhiều doanh nghiệp, nông dân của Đồng Nai cũng mạnh dạn đầu tư vốn lớn, máy móc, công nghệ hiện đại đạt hiệu quả cao. Theo đó, nông dân ngày càng mạnh dạn đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Để triển khai đề án trên, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận và đưa máy móc ra đồng. Cụ thể, nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao đến nông dân những tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa trong nông nghiệp như: mô hình ứng dụng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất sau thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa khâu gieo hạt trong thâm canh cây bắp, ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên cây trồng…

Ngoài ra, tỉnh còn nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các HTX, trang trại trong đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh đã có 43 HTX nông nghiệp được hỗ trợ kinh phí trên 3 tỷ đồng để đầu tư các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản với mục tiêu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là giảm tổn thất trong thu hoạch đang là điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Một nội dung quan trọng khác là các chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất của các xã viên, cán bộ HTX. Mục tiêu là các HTX lớn mạnh, phát huy được vai trò là cầu nối trong các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ của nông dân và doanh nghiệp.

Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc HTX Đồng Thuận (H.Tân Phú) cho biết: “Địa phương đang triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây lúa nên nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất là rất lớn. Chính sách hỗ trợ cho HTX, nông dân không thiếu nhưng vẫn chưa đi vào thực tế, mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ giúp nông dân sớm tiếp cận được các gói hỗ trợ”.

* Phấn đấu thành trung tâm chế biến

Đầu ra cho nông sản bấp bênh, thường rơi vào cảnh được mùa mất giá vì hiện đa số các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi, vẫn tiêu thụ theo hình thức thương lái về vườn thu mua, đóng gói tại chỗ trước khi đưa đi tiêu thụ. Khâu đầu tư xưởng sơ chế, kho lạnh bảo quản... hầu như còn bỏ trống. Đây là nguyên nhân khiến tổn thất sau thu hoạch với nhiều mặt hàng nông sản còn cao ở mức bình quân từ 10-20%. Trong đó, đứng đầu về tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch là mặt hàng trái cây, rau quả với mức từ 20-30%; cà phê, tiêu, điều từ 10-15%; lúa, gạo từ 5-7%.

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT, thành tựu nổi bật của Đồng Nai trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua là đã tạo được sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ hình thành các vùng sản xuất tập trung. Toàn tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái. Nhiều loại cây ăn trái như: xoài, chuối, sầu riêng… đứng đầu cả nước về diện tích. Nhưng lời giải về đầu ra bền vững cho nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Để nông nghiệp phát triển bền vững, giải pháp là cần thu hút đầu tư chế biến sâu cho những sản phẩm chủ lực của địa phương.

Góp ý cho định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận xét, Nhà nước hiện có nhiều chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thuế, mặt bằng sản xuất…nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Đây được cho là khâu đột phá cho sự phát triển bền vững của nông sản. Đồng Nai có nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu, về vị trí địa lý… để phát triển ngành chế biến nông sản. Tỉnh cần có nhiều chính sách thiết thực nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến cũng như xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Cùng quan điểm, TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cũng cho rằng, Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Tỉnh có nhiều lợi thế là nằm sát thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM. Địa phương cũng rất thuận lợi về vị trí địa lý để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản qua đường bộ cũng như đường biển nên cần có những chính sách thiết thực để thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả khu vực.

Lê Quyên

 

 

 

Tin xem nhiều