Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

03:04, 08/04/2020

Năm 2020 là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN) ngay từ đầu năm.

Năm 2020 là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN) ngay từ đầu năm. Những hành động quyết liệt của Chính phủ ngày càng có tác động mạnh mẽ, thêm “động lực” để cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thúc đẩy môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc, Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đào Lê
Thúc đẩy môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc, Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đào Lê

[links()]Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi cho DN, xóa bỏ những rào cản để DN vượt qua khó khăn càng “nóng” hơn bao giờ hết.

* Thành quả sau 7 năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ

Bắt đầu từ năm 2014, Chính phủ ra nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (Nghị quyết 19-2014/NQ-CP), đến năm 2019, nghị quyết này trở thành Nghị quyết 02-2019/NQ-CP. Việc xây dựng nghị quyết đặt ra trong bối cảnh nhiều năm liền, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Dưới tác động của những cam kết cải cách, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày một tốt dần lên. Riêng năm 2019, có khoảng 136 ngàn DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760 ngàn DN. Hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam đều được cải thiện điểm số. Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu về năng lực cạnh tranh (GCI). Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67).

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business hoặc EoDB) của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận năm 2019 Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 điểm lên 69,8 điểm) với 5/10 chỉ số tăng điểm.

Theo điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DN cho rằng sẽ gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm xuống còn 34% so với tỷ lệ 42% năm 2018. Điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của VCCI ghi nhận tỷ lệ 54,8% DN phải trả chi phí không chính thức, giảm hơn 10% so với năm 2015 (66,3% năm 2015) và giảm hơn 5% so với năm 2017 (59,3% năm 2017). Quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng đã nhỏ đi, khi chỉ có 7,1% DN cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%).

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần DN. Việc triển khai thực hiện không chỉ dừng ở những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “Lấy DN làm đối tượng phục vụ” mà đã trở thành các hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi.

* Tiếp tục cải cách mạnh mẽ

Mặc dù đã có nhiều cải thiện, song nhìn nhận một cách thực tế, tới nay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Chỉ số GII của nước ta có xu hướng tăng chậm lại và nhiều nội dung chính giảm bậc trong năm 2019.

Việt Nam đang đi đúng hướng và quyết tâm cải cách song cùng với sự phát triển, các nền kinh tế trong khu vực vẫn có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt hơn chúng ta. Để đạt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh nước ta vào nhóm 4 nước ASEAN là một thách thức lớn, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ.

Tương tự, với sự nhìn nhận của chính các DN trong nước, nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước là điều không thể phủ nhận song ở tại nhiều nơi, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019” do VCCI công bố mới đây cho thấy, quy định pháp luật kinh doanh còn nhiều chồng chéo.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng trên, ngay từ đầu năm 2020, lần thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành một nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh với những mục tiêu cao, giải pháp cụ thể hơn.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đã được đơn giản hóa trong 2 năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các ĐKKD trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa, hoàn thành trong tháng 1-2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt...

Song song với yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành ĐKKD trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định ĐKKD đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm các điều kiện dưới mọi hình thức...

Theo các chuyên gia, việc cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ từ phía Chính phủ là chưa đủ. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt của các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Tạo dựng môi trường kinh doanh tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành với DN. “Chưa bao giờ tiếng nói của DN và doanh nhân lại được quan tâm một cách tích cực như hiện nay. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh những năm qua đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của cộng đồng DN. Hiện nay, chính là thời điểm để Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia” - PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định.

* Dịch Covid-19 thúc đẩy yêu cầu cải cách

Là ngành có liên quan mật thiết với hoạt động của cộng đồng DN, thực hiện cam kết của Chính Phủ, trong năm 2020, Bộ Công thương tiếp tục là bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Theo đó, bộ đã trình Chính phủ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, năm 2020 là mốc bản lề đề thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Bộ đã rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, người dân.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay Bộ Công thương có 292 dịch vụ công thì có tới 166 dịch vụ, thủ tục đã được cấp online ở cấp độ 3, cấp độ 4. Trong năm nay, toàn bộ các dịch vụ công của ngành Công thương sẽ tiếp tục được nâng cấp hoàn thiện để đưa vào cấp độ 3 và cấp độ 4.

Không chỉ Bộ Công thương, Bộ GT-VT cũng vừa trình Chính phủ cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ GT-VT cũng thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như: áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá phân tích về mức độ tuân thủ của DN và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã hồ sơ ở cấp độ chi tiết về chế độ quản lý và chi phí; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Thời gian tới, Bộ GT-VT tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 hoành hành để lại nhiều khó khăn song cũng là dịp để thấy các khiếm khuyết của nền kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để không chỉ hai bộ, ngành nói trên mà tất cả các lĩnh vực khác có cơ hội thực hiện cải cách mạnh mẽ, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không còn hợp thời.

Đào Lê

Tin xem nhiều