Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn

03:04, 07/04/2020

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra không ít hệ lụy đối với sức khỏe, việc làm, thu nhập của người dân trên cả nước, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra không ít hệ lụy đối với sức khỏe, việc làm, thu nhập của người dân trên cả nước, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Mạnh thường quân phát cơm từ thiện cho người có hoàn cảnh khó khăn tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa sáng 5-4. ảnh: H.Dung
Mạnh thường quân phát cơm từ thiện cho người có hoàn cảnh khó khăn tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa sáng 5-4. ảnh: H.Dung

[links()]Để không ai bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho hàng triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra trong cả nước.

* 6 nhóm đối tượng sẽ được hỗ trợ

Theo dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ LĐ-TBXH chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhanh, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết về các gói hỗ trợ. Các cơ quan đoàn thể, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ.

Cụ thể, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng: được hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/người/tháng (ngoài mức trợ cấp thường xuyên). Dự kiến có tổng số hơn 4,3 triệu người thuộc diện này được hỗ trợ tổng số tiền hơn 6,4 ngàn tỷ đồng.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Dự kiến có khoảng hơn 2,2 triệu hộ được hỗ trợ hơn 6,7 ngàn tỷ đồng.

Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ 5,4 ngàn tỷ đồng.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Dự kiến có khoảng 760 ngàn hộ được hỗ trợ gần 2,3 ngàn tỷ đồng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến có khoảng 5 triệu lao động được hỗ trợ 15 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động được vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16,2 ngàn tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 3 triệu lao động).

Ngoài chính sách hỗ trợ trên, có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù, đơn giản hóa quy trình để tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Một bạn trẻ tặng số tiền nhỏ cho chị Huỳnh Thị Thuận, người phụ nữ tật nguyền bán vé số tại ngã tư Phan Trung - Võ Thị Sáu - Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)
Một bạn trẻ tặng số tiền nhỏ cho chị Huỳnh Thị Thuận, người phụ nữ tật nguyền bán vé số tại ngã tư Phan Trung - Võ Thị Sáu - Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)

Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến doanh nghiệp phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc).

Cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng.

* Rà soát các đối tượng thuộc diện hỗ trợ

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc Chính phủ sẽ ban hành gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch bệnh Covid-19, Sở đã chủ động rà soát số lượng các đối tượng nằm trong diện được Chính phủ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Việc rà soát đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách. Khi có văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện hỗ trợ, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh thực hiện theo đúng quy định.    

Hơn 52 ngàn tỷ đồng là tổng số tiền mà ngân sách nhà nước dự kiến chi để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19. Những trường hợp nào thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Cũng theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện có gần 90 ngàn người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, có hơn 35 ngàn người cao tuổi, hơn 31 ngàn người khuyết tật, khoảng 12,7 ngàn hộ gia đình nuôi dưỡng người khuyết tật, hơn 1,2 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Sở cũng đang quản lý hơn 57,6 ngàn hồ sơ người có công. Trong số này có hơn 53 ngàn hồ sơ người có công và thân nhân người có công. Bên cạnh đó, có khoảng gần 2 ngàn người là nạn nhân trực tiếp của chất độc hóa học, 618 người là nạn nhân gián tiếp của chất độc hóa học, 17,4 ngàn người hoạt động kháng chiến...

Trong khi đó, thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 5,5 ngàn hộ nghèo (gồm: hơn 1,5 ngàn hộ nghèo A (hộ nghèo còn khả năng lao động), gần 4 ngàn hộ nghèo B (hộ nghèo không còn khả năng lao động) và hơn 5,7 ngàn hộ cận nghèo.  

Về số lượng người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động mất việc làm, Sở LĐ-TBXH đang thống kê theo báo cáo của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Thị Như Ý chia sẻ, trong hơn 2 tháng qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh vẫn luôn bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để tuyên truyền, vận động và kiến nghị chính sách hỗ trợ người lao động.

Nhóm bạn của anh Nguyễn Minh Sang mua ủng hộ 1 tạ củ đậu cho chị Huỳnh Thị Thuận. Ảnh: A.Y
Nhóm bạn của anh Nguyễn Minh Sang mua ủng hộ 1 tạ củ đậu cho chị Huỳnh Thị Thuận. Ảnh: A.Y

Mới đây, LĐLĐ tỉnh đã trao 271 phần quà (trị giá 1 triệu đồng/phần) để hỗ trợ những đoàn viên Công đoàn trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đối tượng được nhận quà là nữ đoàn viên Công đoàn đang mang thai từ tháng thứ 7, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi gặp khó khăn về thu nhập do doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; đoàn viên nữ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại các trường học tư thục do trường ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh; đoàn viên làm việc trong các doanh nghiệp phải nghỉ chờ việc; đoàn viên mắc bệnh nan y, hiểm nghèo.

“Ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở LĐ-TBXH để triển khai gói hỗ trợ đối với những người lao động thuộc diện được hỗ trợ. Qua đó đảm bảo đời sống, giúp người lao động an tâm, cùng chia sẻ, đồng hành với toàn xã hội vượt qua đại dịch” - bà Nguyễn Thị Như Ý cho hay.

* Cùng nhau vượt qua khó khăn

Là địa phương có nhiều người thuộc diện phải cách ly tại các cơ sở y tế tập trung, có sự giao lưu lớn với các tỉnh, thành lân cận, TP.Biên Hòa đã sớm triển khai các biện pháp để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Trong đó có giải pháp tuyên truyền, vận động các tiểu thương buôn bán các mặt hàng không thiết yếu tại các chợ truyền thống ngừng bán hàng từ ngày 1-4 đến 15-4. Ngoài ra, thành phố cũng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán khác trên địa bàn nhằm hạn chế tập trung đông người.

Để hỗ trợ các tiểu thương dừng kinh doanh hoặc bị ảnh hưởng bởi việc dừng buôn bán đến hết ngày 15-4, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng đã yêu cầu Chi cục Thuế Biên Hòa nhanh chóng rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ tiểu thương kịp thời, phù hợp.

Còn tại H.Tân Phú, một trong 2 địa phương trong tỉnh có số hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh cũng đang khẩn trương thống kê số lượng hộ nghèo, người lao động thuộc diện được Chính phủ hỗ trợ để phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện.

Ông Đinh Văn Án, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú cho hay: “Chúng tôi sẽ rà soát kỹ lưỡng từng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ để đảm bảo không bỏ sót đối tượng. Ngoài hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực hiện có để góp phần chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vật chất, nguồn vốn để các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn sớm ổn định cuộc sống”.

Cho rằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội trước đại dịch Covid-19 rất kịp thời, ông Lê Đức Long, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Nhơn Trạch bộc bạch, những chính sách đúng đắn, mang tính nhân văn này sẽ góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lúc khó khăn, hoạn nạn, chắc chắn Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi đại dịch.

Bà Ngô Thị Hai (84 tuổi, P.An Bình, TP.Biên Hòa, có con gái được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, bản thân bà được hỗ trợ tiền chăm sóc người khuyết tật) và bà Hoàng Thị Màng (71 tuổi, ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu, là cựu chiến binh, đồng thời cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, có con gái là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ Nhà nước) chia sẻ, họ rất cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đối với những người yếu thế như họ. Sự hỗ trợ không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn là sự động viên to lớn về mặt tinh thần, tiếp thêm nghị lực để họ tiếp tục vươn lên sống tốt.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, trước ảnh hưởng của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, nhiều cá nhân, tập thể đã có những hành động cụ thể để giúp đỡ cộng đồng.

Từ ngày 31-3 đến nay, phía trước quán trà sữa Yucha (đường Hà Huy Giáp, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thường xuyên thu hút những người bán vé số, mua bán ve chai, xe ôm... đến nhận cho mình một túi quà gồm: 3kg gạo và 3 gói mì tôm.

Anh Phạm Ngọc Quý, người bỏ tiền túi ra duy trì hình thức trao quà này cho hay: “Trong lúc khó khăn như thế này, giúp được một phần nhỏ bé cho người nghèo, tôi thấy rất ấm lòng và tin là việc làm của mình đã đến với người cần”.

Cùng có việc làm thiện nguyện tương tự để giúp người khó khăn trong thời điểm này là bà Loan Nguyễn, chủ quán cơm 2 ngàn đồng (ở đường Hùng Vương, P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh). Những ngày này, khi thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế tụ tập đông người, ngưng phát hành vé số... quán cơm 2 ngàn đồng của bà Loan tạm nghỉ.

Theo bà Loan Nguyễn, người đến ăn ở quán cơm của bà chủ yếu làm nghề bán vé số, đạp xích lô, nên khi quán nghỉ, những ”mối ruột” của quán cũng không còn nơi cung cấp bữa ăn giá rẻ nữa. Để giúp những hoàn cảnh khó khăn này, bà Loan Nguyễn đã nghĩ ra cách thay vì nấu phần ăn tại chỗ thì phát thực phẩm cho bà con về tự nấu. Vậy là bà đặt ở trước cửa quán dòng chữ ”Hàng không bán. Nếu khó khăn cứ lấy 1 phần. Nếu bạn ổn xin nhường người khác”.

Mỗi phần quà gồm có 3kg gạo, 5 gói mì, 3 gói cháo gói, 20 trứng cút, 1 chai nước tương. Thực phẩm sẽ phát 150 phần/ngày ngay tại quán cơm từ 9 giờ hằng ngày, từ ngày 3 đến 15-4. “Chúng tôi hy vọng những phần quà này sẽ giúp ích được một phần nào đó cho những người còn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh”- bà Loan Nguyễn bày tỏ.

Hạnh Dung - Văn Truyên

 


Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh ĐỖ THỊ PHƯỚC THIỆN:

Các cấp Hội Chữ thập đỏ cùng vào cuộc

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát đi lời kêu gọi hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế để cùng chung tay với ngành Y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sau khi Hội Chữ thập đỏ kêu gọi, có một số cá nhân, đơn vị đã nhiệt tình ủng hộ. Mới đây, Quan Âm tu viện đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh ủng hộ 20 triệu đồng tiền mặt, 2 ngàn khẩu trang vải và 80 triệu đồng để Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây tặng nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, đặc biệt trong 15 ngày cách ly xã hội, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tặng quà cho những hộ gia đình khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội. Qua đó, góp phần cùng cả hệ thống chính trị chăm lo cho người dân, để không có ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm khó khăn này.

Ông PHẠM THẾ LINH, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa):

Cam kết không để người lao động mất việc làm

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng trong xã hội. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp do không nhập được nguyên liệu để sản xuất nên công nhân phải tạm nghỉ việc. Với Công ty TNHH MTV Thế Linh, tôi cam kết sẽ không để bất kỳ công nhân viên, lao động nào của công ty bị mất việc làm trong thời điểm này. Tất cả các chế độ phúc lợi xã hội của người lao động đều được đảm bảo trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã và đang tổ chức trao tặng 1 ngàn phần quà, mỗi phần quà trị giá 200 ngàn đồng (gồm: gạo, muối, nước mắm, mì tôm) cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh. Tôi cho rằng, trước đại dịch, doanh nhân cần biết chia sẻ khó khăn với xã hội, khi nhiều người cần được hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống hằng ngày.

Anh NGUYỄN MINH SANG (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa):

Làm những việc có ích

Thời gian qua, có nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó, khi lên Facebook thấy mọi người kêu gọi chung tay chia sẻ với những người yếu thế (như: người bán vé số, bán hàng rong, người già neo đơn…), tôi và các bạn trong nhóm đã quyên góp để hỗ trợ họ. Ngoài ra, khi sử dụng mạng xã hội  Facebook, Zalo, tôi cũng chia sẻ những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền; đồng thời đăng tải những thông tin mang tính nhân văn, kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tôi nghĩ rằng, với những người trẻ như chúng tôi, mỗi ngày chỉ cần bớt uống một ly trà sữa là đã có tiền để giúp những người không được may mắn có cuộc sống đầy đủ hơn.

Chị HUỲNH THỊ THUẬN (quê tỉnh Khánh Hòa, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa):

Cảm ơn sự giúp đỡ của cộng đồng

Tôi bị cụt 2 tay, 2 chân, nhiều năm nay bán vé số tại ngã tư đường Phan Trung - Võ Thị Sáu - Phạm Văn Thuận. Công việc này giúp tôi có tiền để nuôi con trai đang tuổi ăn học, mẹ già ở quê và chính bản thân tôi. Khi biết tin từ ngày 1-4, các công ty vé số sẽ tạm ngưng hoạt động, tôi đã khóc rất nhiều vì không biết phải làm gì để có tiền sinh sống. Biết hoàn cảnh của tôi, có mạnh thường quân đã bỏ vốn, mua hơn 500kg củ đậu từ Tây Ninh về để cho tôi bán. Mỗi ký đậu bán ra, tôi được 1,5 ngàn đồng. Nhờ mọi người thương yêu, giúp đỡ mà chỉ sau 2 ngày, tôi đã bán hết hơn 500kg củ đậu. Có nhiều người còn cho tôi thêm một số tiền nhỏ để tôi vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Tôi rất cảm kích và biết ơn mọi người.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều