Báo Đồng Nai điện tử
En

Miền Nam hạn, mặn kỷ lục: Vẫn đảm bảo an ninh lương thực

03:04, 06/04/2020

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh biểu dương các tỉnh miền Nam dù phải đối mặt với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sớm..., nhưng vẫn đạt kết quả tốt trong vụ sản xuất đông - xuân 2019-2020.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất cây trồng vụ đông - xuân 2019-2020 và triển khai kế hoạch những vụ sản xuất mới của Nam bộ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh biểu dương các tỉnh miền Nam dù phải đối mặt với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sớm, thiếu nước ngọt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn đạt kết quả tốt trong vụ đông - xuân 2019-2020.

Vườn thanh long ruột đỏ tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc vẫn phát triển trong mùa khô hạn nhờ nông dân ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: B.Nguyên
Vườn thanh long ruột đỏ tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc vẫn phát triển trong mùa khô hạn nhờ nông dân ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: B.Nguyên

[links()]Trên tinh thần đó, các tỉnh Nam bộ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong sản xuất để vụ hè - thu và đông - xuân tới đều đạt hiệu quả tốt, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tình hình an ninh lương thực và xuất khẩu.

* Hạn, mặn kỷ lục

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm hiện tại sau khi cấp nước cho vụ đông - xuân
2019-2020, dung tích trữ trung bình các hồ chứa của miền Nam còn lại khoảng 53% dung tích thường kỳ. Riêng dung tích trữ nước của các hồ chứa thuộc lưu vực sông Đồng Nai gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trung bình đạt 33% dung tích thường kỳ, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Một số hồ có dung tích trữ nước thấp gồm: hồ Suối Vọng
(H.Cẩm Mỹ) đạt trên 13%; hồ Gia Ui (H.Xuân Lộc) trên 19,6%; hồ Sông Mây (H.Trảng Bom)  đạt trên 42%; hồ Đa Tôn đạt trên 44,6%...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng riêng vụ đông - xuân của Nam bộ đạt khoảng 50 ngàn ha. Việc chuyển đổi sang cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản từ đất lúa đều cho hiệu quả rất tốt và được kiểm soát rất chặt chẽ. Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, nông dân các tỉnh Nam bộ đã kiểm soát độ hạn, mặn rất rõ, đặc biệt các chủ vườn cây ăn trái có nhiều giải pháp tích nước, bảo vệ cây trồng. Nhưng dự báo tình hình hạn, mặn kéo dài đến tháng 5 tới, các vùng trồng cây ăn trái, nhất là các vùng sản xuất giống có giá trị cao cần chú ý chăm sóc trước nguy cơ hạn, mặn.

Ngoài ra, lưu vực sông Sài Gòn hiện dung tích trữ nước của các hồ chứa trong vùng trung bình đạt 62% dung tích thường kỳ. Lưu vực sông Bé dung tích trữ nước của các hồ chứa trong vùng trung bình đạt 67% dung tích thường kỳ. Tính đến nay, miền Nam xảy ra thiếu nước cục bộ cho khoảng 576ha. Trong đó, tỉnh Bình Phước có 228ha ở các huyện Lộc Ninh, Bình Long. Đồng Nai có 210ha tại đập Năm Sao
H.Tân  Phú…

Đây cũng là năm tình trạng xâm nhập mặn ở mức kỷ lục suốt 20 năm qua. Theo đó, ngay từ đầu mùa khô năm 2019-2020, tình trạng xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm và gay gắt; so với trung bình nhiều năm tình trạng xâm nhập sớm hơn gần 3 tháng; so với mùa khô năm 2015-2016 (năm mặn lịch sử) sớm hơn 1-1,5 tháng; chiều sâu xâm nhập mặn tăng cao và duy trì trong thời gian dài.

Năm nay, dù đối mặt với hạn, xâm nhập mặn kỷ lục nhưng năng suất lúa của Đồng Nai vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: Bình Nguyên
Năm nay, dù đối mặt với hạn, xâm nhập mặn kỷ lục nhưng năng suất lúa của Đồng Nai vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: Bình Nguyên

Dự báo, trong tháng 4 và tháng 5, thời tiết tiếp tục ít mưa và khô hạn, lượng mưa tại khu vực miền Nam thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 9-2020 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1°C.

GS-TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nhận xét đây là năm nguồn nước rất hạn chế, 20 năm mới xảy ra một lần hạn hán, xâm nhập mặn như mùa khô năm nay. Tuy nhiên, do các tỉnh phía Nam chủ động triển khai các giải pháp ứng phó nên tổng diện tích lúa vụ mùa 2019 và đông - xuân 2019-2020 bị thiệt hại khoảng gần 43 ngàn ha, bằng 10,7% so với tổng thiệt hại năm hạn, mặn lịch sử 2015-2016 là 405 ngàn ha. 

* Năng suất vẫn tăng

Vụ đông - xuân năm 2019-2020, do ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn sớm, thiếu nước ngọt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây nên toàn vùng Nam bộ chỉ xuống giống được trên 1,6 triệu ha lúa, giảm 65,5 ngàn ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ các tỉnh, thành chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp như: triển khai xuống giống sớm hơn từ
20-30 ngày so với vụ đông - xuân năm trước; sử dụng giống ngắn ngày, giống có khả năng thích ứng với điều kiện hạn, mặn và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng…, nên năng suất lúa bình quân đạt trên 68,5 tạ/ha, tăng gần 1,3 tạ/ha. Vì vậy, diện tích trồng lúa tuy giảm, nhưng sản lượng vẫn ước đạt trên 11 triệu tấn, chỉ giảm 261 ngàn tấn so với vụ đông - xuân năm ngoái.

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng đánh giá, tuy diện tích lúa vụ đông - xuân giảm nhiều nhưng nhờ chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nên năng suất lúa tăng, sản lượng lúa thu hoạch vẫn đạt xấp xỉ so với năm 2019. “Có được kết quả này là do Bộ NN-PTNT có sự dự báo sát tình hình nên chỉ đạo rất tốt, các tỉnh phía Nam có nhiều giải pháp kịp thời, quyết liệt, chặt chẽ, linh hoạt và thích ứng với điều kiện biến đổi trong từng điều kiện cụ thể” - ông Tùng khẳng định.

Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong nhân rộng diện tích tưới nước tiết kiệm. Trong ảnh: Hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng điện thoại thông minh cho vườn tiêu tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ.
Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong nhân rộng diện tích tưới nước tiết kiệm. Trong ảnh: Hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng điện thoại thông minh cho vườn tiêu tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ.

Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Lê Văn Thiệt cho biết thêm, vụ đông - xuân năm nay, tình hình dịch hại trên cây trồng được kiểm soát tốt. Ngay cả các dịch hại nguy hiểm như: dịch khảm lá sắn; dịch sâu keo mùa thu trên cây bắp; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu… đều được kiểm soát. Nhờ đó, chi phí sản xuất của nông dân giảm nhờ sâu bệnh giảm và quản lý tốt hơn nên lợi nhuận của nông dân sản xuất lúa gạo và các loại cây trồng khác cao hơn mọi năm.

* Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Năm 2019 có nhiều tín hiệu tích cực với ngành lúa gạo khi sản xuất tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và đã từng bước nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”.

Với tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn vào năm 2018 lên 510 USD/tấn vào năm 2019. Tuy diện tích lúa giảm nhưng dự ước năm 2020, tổng sản lượng lúa gạo của cả nước đạt 43,5 triệu tấn lúa, tăng khoảng 80 ngàn tấn so với năm 2019, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, các tỉnh phía Nam đóng góp trên 60% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu. 

Theo Chi cục phó Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Đinh Viết Tú, năm 2019, cả nước đã chuyển đổi trên 100 ngàn ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, cây màu… cho lợi nhuận gấp nhiều lần. Chỉ riêng vụ đông - xuân 2019-2020, các tỉnh Nam bộ cũng đã chuyển đổi gần 41,6 ngàn ha đất lúa sang trồng các loại cây hằng năm, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, miền Nam có 14 loại cây ăn trái có diện tích lớn trên 10 ngàn ha chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu gồm: xoài, chuối, sầu riêng, thanh long, bưởi, cam, chôm chôm, mít... Một số tỉnh, thành đã hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn trái với quy mô lớn, sản xuất an toàn cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều