Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp bách giải quyết khó khăn cho kinh tế - xã hội

03:04, 11/04/2020

Ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó tổng thể, toàn diện với dịch Covid-19.

Ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó tổng thể, toàn diện với dịch Covid-19. Trong đó, có những giải pháp kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua dịch bệnh Covid-19, vực dậy nền kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị trực tuyến Chính phủ ngày 10-4. Ảnh: K.MINH
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị trực tuyến Chính phủ ngày 10-4. Ảnh: K.MINH

[links()]Tại điểm cầu Đồng Nai, tham dự hội nghị trực tuyến có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, một số địa phương trong tỉnh.

* Tập trung cho 4 nhiệm vụ quan trọng

Theo Liên Hợp quốc, dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến hậu quả suy thoái trên toàn cầu. Theo đó, thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 5 ngàn tỷ USD, tăng trưởng GDP toàn cầu tăng trưởng  âm 1,9%. Trong đó, Hoa Kỳ sẽ bị âm khoảng 3,3%, châu Âu âm 4,2%.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I-2020 là 3,82% cao nhất so với các nước trong khu vực nhưng lại thấp nhất trong 10 năm qua và chỉ bằng hơn 50% so với kế hoạch đề ra. Chuỗi cung ứng thương mại bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất đình trệ, nhiều DN, hộ kinh doanh, HTX phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Điều này dẫn đến gia tăng thất nghiệp, nhiều lao động mất việc làm trong ngắn hạn.

Do đó, Chính phủ, các tỉnh, thành tập trung đưa ra giải pháp cho 4 nhiệm vụ quan trọng là: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ 300 ngàn tỷ đồng để kịp thời ổn định nền kinh tế - xã hội. Trong đó, 180 ngàn tỷ đồng dành cho gia hạn thuế, thuê đất, vốn vay, lãi suất; 62 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho an sinh xã hội; 12 ngàn tỷ đồng hỗ trợ giá điện và 15 ngàn tỷ đồng cho giá viễn thông. 

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang
Ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Nếu dịch được khống chế trong quý II-2020, tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2020 chỉ đạt 5,82%, trường hợp đến quý III tăng trưởng 5,05%. Do đó, các bộ ngành, địa phương thực hiện nhanh các giải pháp hỗ trợ DN để duy trì sản xuất, hỗ trợ người lao động đảm bảo đời sống. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công, giải ngân vốn nhanh để qua dịch phục hồi sản xuất, kinh doanh”.

Tại hội nghị, các bộ, ngành đều khẳng định là đã có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân trong cả nước.

* Khoảng 98% DN sẽ được hỗ trợ

Không lơ là phòng, chống dịch

Mặc dù Việt Nam làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Vì tình hình dịch trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp khống chế hữu hiệu, tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong vẫn liên tục gia tăng.

Tại Việt Nam, đến 18 giờ ngày 10-4, có 257 ca mắc bệnh và đã chữa khỏi 144 ca. Đây là sự chung sức, đồng lòng của chính quyền các cấp và người dân trong quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.  Do đó, thời gian tới, các tỉnh, thành tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN, người dân đã bắt đầu được triển khai. Khoảng 98% DN sẽ được hưởng lợi từ chính sách trên, sẽ gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất... với số tiền lên đến 220 ngàn tỷ đồng. Bộ Tài chính đã hướng dẫn thực hiện miễn giảm thuế cho nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu. Cụ thể, miễn thuế nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho ngành y tế, điều chỉnh giảm thuế ngành giày dép, dệt may, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất ô tô. Miễn thuế cho DN mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và dự tính có khoảng 700 ngàn DN sẽ được hưởng lợi.

“Bộ Tài chính đảm bảo đủ nguồn vốn hỗ trợ DN trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra và sau dịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành tiến hành thực hiện nhanh các dự án đầu tư công, giải ngân kịp thời, tạo thuận lợi để khi dịch bệnh được khống chế có thể bắt tay vào sản xuất, kinh doanh đảm bảo tăng trưởng kinh tế” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu.

Bộ Tài chính cũng đưa ra chính sách hỗ trợ cho người lao động là nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc cũng được nâng từ 3,6 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,4 triệu đồng/người/tháng.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Ngành Công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, khơi thông thị trường nội địa, xuất khẩu; đồng thời, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng đẩy giá lên cao, ảnh hưởng đời sống của người dân”.

Người dân mua hàng tại Co.op Mart Biên Hòa
Người dân mua hàng tại Co.op Mart Biên Hòa

Trên địa bàn Đồng Nai, đến nay có 139 DN gặp khó khăn và cần hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay các DN chưa gửi báo cáo đề xuất cụ thể về số lượng lao động bị ảnh hưởng nên chưa có cơ sở để thống kê nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ vay vốn. Trường hợp có danh sách và số lượng lao động cần hỗ trợ thì sẽ sử dụng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện, do đó không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để hỗ trợ.

* Địa phương kiến nghị gỡ khó

Các tỉnh, thành trong cả nước đã gửi 91 ý kiến đến Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề xuất: “Các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện nhanh các giải pháp hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù trong việc giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án giao thông, kịp thời gỡ khó cho các dự án để có thể triển khai nhanh. Có hạ tầng hoàn chỉnh cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn trong việc thu hút đầu tư”.

TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù riêng về vốn, giảm thuế, BHXH... nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, cá nhân vượt qua thời điểm dịch bệnh và sớm phục hồi sản xuất sau dịch. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị: “Chính phủ xem xét giảm lãi suất, BHXH khoảng 30% so với hiện nay cho DN trên địa bàn thành phố. Với các DN, đơn vị, cá nhân thuê đất để sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên giảm 50% tiền thuê đất trong 5 năm”.

Các tỉnh, thành khác mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục các dự án đầu tư công, tăng mức phân quyền các dự án về cho địa phương để tạo thuận lợi trong thực hiện. Trong tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan cao, các bộ, ngành kết nối với các địa phương tăng giải quyết những hồ sơ, thủ tục trực tuyến nhằm giảm bớt khó khăn, hạn chế đi lại và đảm bảo yêu cầu cách ly của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Về phía Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã có có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu cho DN, thuế thu nhập cá nhân, trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN đào tạo nghề để tái sản xuất hiệu quả sau dịch...

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ KH-ĐT làm đầu mối tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, bộ, ngành để trình Chính phủ giải quyết kịp thời. Với 91 kiến nghị của các địa phương trong hội nghị trực tuyến lần này, Chính phủ sẽ sớm giải quyết.    

Hỗ trợ nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng. Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/người/tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019 được hỗ trợ 250 ngàn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Khánh Minh

Tin xem nhiều