Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy giá trị di tích từ phân cấp quản lý

03:03, 27/03/2020

Theo Quyết định số 39 ngày 29-9-2018 của UBND tỉnh quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, thì di tích tại địa phương nào giao về cho địa phương ấy quản lý...

Thực hiện Quyết định số 39 ngày 27-9-2018 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở VHTT-DL đã phân cấp di tích về cho các địa phương quản lý nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt từ xã hội hóa nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích - danh thắng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khảo sát công tác trùng tu, tôn tạo tại Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: M.NY
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp khảo sát công tác trùng tu, tôn tạo tại Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: M.NY

[links()]Mặc dù công tác phân cấp, quản lý trong một năm qua có nhiều chuyển biến tích cực song các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn tới việc chưa phát huy hiệu quả giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

* Nhiều khó khăn

Cụm di tích lịch sử đình Xuân Lộc (xây dựng từ năm 1912) - chùa Xuân Hòa (xây dựng năm 1925) tọa lạc tại P.Xuân An, TP.Long Khánh được UBND tỉnh xếp hạng di tích theo Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 28-3-2008. Hai cơ sở tín ngưỡng này gắn liền với đời sống tinh thần và những sự kiện quan trọng của người dân Long Khánh trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc.

Từ ngày 15-3 đến 15-4, Sở VHTT-DL thành lập đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá sau một năm triển khai thực hiện Quy định phân cấp, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác rà soát các nội dung: quản lý, bố trí nhân sự, phòng ngừa trộm cắp hiện vật; quản lý tổ chức lễ hội tại di tích. Đồng thời rà soát hoạt động khai thác, phát huy giá trị di tích; những khó khăn và vướng mắc, kiến nghị và đề xuất của các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả di tích.

Gần một thế kỷ tồn tại, cụm di tích lịch sử đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa đã xuống cấp rất nghiêm trọng, đặc biệt là các hạng mục tại chánh điện của chùa Xuân Hòa. Phần mái ngói đã đổ sập, cột, kèo ở chánh điện đã bị mối mọt ăn mòn, hư hại hoàn toàn. Hiện nhà chùa phải dùng hệ thống giàn giáo và vật dụng bằng sắt chống đỡ tạm bợ.

Trụ trì chùa Xuân Hòa Thích Huệ Tánh cho biết, từ tháng 10-2017, chánh điện của nhà chùa đã xuống cấp. Chùa đã có tờ trình gửi các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan. Sau đó, UBND TP.Long Khánh đã đến kiểm tra, Phòng Nội vụ đã ra văn bản đề nghị trụ trì chùa bố trí việc sinh hoạt lễ nghi đến địa điểm phù hợp trong khu vực chùa Xuân Hòa nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho việc hoạt động lễ nghi thường xuyên của chùa.

“Vào thời điểm gửi tờ trình lên cơ quan chức năng, do chưa có nguồn kinh phí (cả nguồn sự nghiệp và xã hội hóa) để trùng tu tôn tạo nên di tích vẫn giữ nguyên hiện trạng. Năm 2019, sau khi nhà chùa làm hồ sơ cải tạo, tu bổ tháp Phật tại cụm di tích đình Xuân Lộc theo hình thức xã hội hóa, nhà chùa được cơ quan chức năng hướng dẫn lập thêm hồ sơ xin trùng tu phần chánh điện có mái hư hại này. Tuy nhiên đến nay, di tích vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn cũng như sự hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa” - trụ trì Thích Huệ Tánh nói.

Một góc nhà trưng bày trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng La Ngà (xã La Ngà, H.Định Quán) vừa được H.Định Quán tiến hành chỉnh lý, bổ sung hiện vật. Ảnh: Văn Truyên
Một góc nhà trưng bày trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng La Ngà (xã La Ngà, H.Định Quán) vừa được H.Định Quán tiến hành chỉnh lý, bổ sung hiện vật. Ảnh: Văn Truyên

Di tích đền thờ quốc Tổ Hùng Vương (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 3704/QĐ-UBND ngày 23-11-2015. Nhiều năm nay, các hạng mục của di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương tu bổ, tôn tạo các hạng mục gồm: cổng (di dời vị trí của cổng sang khuôn viên đất di tích, tách riêng lối vào di tích với đường hẻm dân sinh); tường rào (làm mới tường rào phía đường dân sinh bằng thép lắp ráp); đền thờ (tu sửa chánh điện và hậu cung).

Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng ban Trị sự đền thờ quốc Tổ Hùng Vương cho hay, do kinh phí tu sửa di tích quá lớn nên Ban trị sự có chủ trương xã hội hóa hạng mục cổng, các hạng mục còn lại địa phương phải xin kinh phí từ nguồn ngân sách. Mặc dù UBND tỉnh đã có phê duyệt tờ trình báo cáo kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích nhưng hiện tại vẫn chưa triển khai thực hiện. “Chúng tôi mong muốn sớm có các văn bản hướng dẫn để hoàn thành công trình và đưa di tích vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng dân cư” - ông Cận bày tỏ.

Thanh niên TP.Biên Hòa tìm hiểu tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: My Ny
Thanh niên TP.Biên Hòa tìm hiểu tại di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: My Ny

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Xuân Nam cho rằng, theo Quyết định 39 về phân cấp quản lý thì gần như toàn bộ di tích được giao về cho UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý. Song thực tế, theo quy định của Luật Di sản văn hóa trong tu bổ di tích đều phải lập dự án, báo cáo trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Những thủ tục này đến nay vẫn còn phức tạp khiến cho các dự án kéo dài nhiều năm, đến khi được duyệt, cấp vốn thì đơn giá thị trường đã thay đổi...

“Quá trình phân cấp quản lý di tích trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn còn thiếu và yếu; nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích rất hạn chế. Đặc biệt là những thủ tục về xin phép tu bổ di tích còn rườm rà, chồng chéo khiến nhiều di tích dù có kinh phí xã hội hóa vẫn phải chờ rất lâu” - ông Nam nhấn mạnh.

* Đẩy mạnh xã hội hóa

Hiện toàn tỉnh có 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND ngày 29-9-2018 của UBND tỉnh về quy định phân cấp, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, di tích địa phương nào giao về cho địa phương ấy quản lý nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động các di tích.

Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những khó khăn trong phân cấp quản lý di tích thì vài năm trở lại đây hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua được Đồng Nai đẩy mạnh. Chỉ tính riêng năm 2019 đã có nhiều di tích được phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo cũng như khoanh vùng, bảo vệ. Có thể kể đến như: dự án Đầu tư sửa chữa, cải tạo Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ; chỉnh lý hồ sơ khoa học di tích chùa Đại Giác, chùa Long Thiền…

 Tuy nhiên, theo trụ trì chùa Xuân Hòa Thích Huệ Tánh, các cơ quan chức năng cần bổ sung quy định cụ thể về việc thực hiện quy trình quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích có sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trong nhân dân để các địa phương thống nhất thực hiện. Sớm ban hành bộ thủ tục hành chính về tu bổ, tôn tạo di tích, quy định cụ thể quy trình, thủ tục, thời gian xét duyệt… để địa phương, nhất là ban quản lý, trị sự của di tích có cơ sở thực hiện thuận lợi hơn. Với việc cam kết tính khả thi về huy động vốn, có thể xem xét, áp dụng vào thời điểm phù hợp.

Phía trước chánh điện di tích chùa Xuân Hòa đã xuống cấp được chống tạm bằng những cột sắt
Phía trước chánh điện di tích chùa Xuân Hòa đã xuống cấp được chống tạm bằng những cột sắt

Trao đổi về vấn đề huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, Phó giám đốc Sở VHTT-DL Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, cần kịp thời, khẩn trương phổ biến các quy định để người dân hiểu đúng, có quyết định đúng khi tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Việc huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo cần công khai minh bạch, theo nguyên tắc khoa học, có sự giám sát của cộng đồng.

Theo lãnh đạo ngành Văn hóa, trong quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Đồng Nai chủ trương bảo tồn di sản theo hướng trọng điểm, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng. Bởi vậy nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, bài toán trùng tu, tôn tạo di tích rất nan giải. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh những giải pháp tích cực để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia tu bổ, tôn tạo di tích.

My Ny - Võ Tuyên


Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VHTT-DL:

Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành

Thời gian qua, ngành Văn hóa đã chủ động tham mưu chuyên môn về di tích trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thẩm định hồ sơ khoa học. Sở đã tham mưu cho tỉnh thực hiện nhiều công trình trùng tu, tôn tạo xây dựng mới các di tích. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, một số công trình đã vận động được nguồn kinh phí từ xã hội hóa, góp công sức, tiền của tu bổ hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai phân cấp quản lý di tích nhằm nhấn mạnh vai trò của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc nghiên cứu sâu, tiếp thu các nội dung được ban hành để tuyên truyền, triển khai đúng, chính xác và hiệu quả. Tuy nhiên, phân cấp quản lý đặt ra nhiều vấn đề, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở. Về việc này, năm qua Sở đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác di tích ở các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong tác quản lý, phát huy giá trị di tích.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, để mọi người dân biết, cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 05-2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao...

Bà Trần Ngọc Kim Hòa (quản lý nhà cổ Trần Ngọc Du, TP.Biên Hòa):

Đảm bảo an ninh trật tự tại di tích, danh thắng

Trên địa bàn TP.Biên Hòa có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, trong đó một số nhà cổ nằm trong khu dân cư đã xuống cấp do xây từ lâu, cần được cải tạo. Hiện tại, nhiều hạng mục của nhà cổ Trần Ngọc Du của chúng tôi cũng đang xuống cấp, bờ kè của nhà cổ đang sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tu bổ những công trình này phải có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia và phải lập hồ sơ quy hoạch cụ thể, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ, xây dựng các phương án để bảo tồn và phát huy giá trị diễn ra thuận lợi nhất, đồng thời lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận và công khai minh bạch.

Việc phân cấp quản lý di tích hiện đã giao về cho các địa phương. Để quản lý tốt các khu di tích, danh thắng, bên cạnh vai trò của ban quản lý thì chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát hoạt động cũng như tu sửa khi cần thiết. Chính quyền địa phương cần thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động tại các di tích, danh thắng trên địa bàn để có hướng dẫn trùng tu, tôn tạo. Đồng thời hỗ trợ di tích đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh khuôn viên di tích, nhất là xử lý các hành vi lấn chiếm xung quanh di tích.

Ông Nguyễn Đức Thùy (người trông coi di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức, TP.Biên Hòa):

Tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân

Tôi tham gia công tác trông coi di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức, TP.Biên Hòa đã hơn 20 năm. Nhiều năm trước, di tích này đã được tỉnh quan tâm trùng tu, tôn tạo khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách đến dâng hương, tìm hiểu lịch sử.

Ở địa phương một năm qua, chính quyền đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ trong trông coi di tích; người dân đã cùng với tôi nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là người trẻ vẫn chưa ý thức được điều này. Tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích vẫn thường xuyên xảy ra. Thỉnh thoảng, ở di tích vẫn xảy ra tình trạng trộm cắp cây cảnh… Bởi vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng của thành phố cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhất là tuyên truyền ở khu phố và trong trường học cho học sinh, sinh viên.

Hiện nay, số lượng người dân đến tham quan di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức cũng khá khiêm tốn. Tôi hy vọng trong thời gian tới, thành phố thường xuyên tổ chức các hội thi tìm hiểu về di tích, chủ động đưa du khách đến với di tích… Việc làm này không chỉ góp phần vào việc xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, thân thiện, mến khách, an toàn mà còn là tiền đề để người trẻ nâng cao ý thức, gìn giữ và phát huy giá trị di tích.

         Ly Na - Võ Tuyên (ghi)


 

Tin xem nhiều