Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu nội địa

03:03, 31/03/2020

Các DN đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nguồn cung nguyên liệu tại chỗ tiếp tục được nâng lên và đạt 45% vào năm 2020 theo quy định của Chính phủ.

Hiện nguồn cung nguyên liệu trong nước đã đáp ứng cho các doanh nghiệp (DN) khoảng 30-40% tùy theo ngành hàng. Các DN đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nguồn cung nguyên liệu tại chỗ tiếp tục được nâng lên và đạt 45% vào năm 2020 theo quy định của Chính phủ. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tăng sẽ giúp DN chủ động được sản xuất.

Sản xuất tại Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: U.NHI
Sản xuất tại Công ty TNHH dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: U.NHI

[links()]Các tập đoàn đa quốc gia, các hiệp hội DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi đến Đồng Nai đầu tư đều cho biết, họ luôn cần nguồn nguyên liệu tại Việt Nam. Vì thế, nếu Việt Nam tăng được nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp thì sẽ hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư FDI hơn nữa.

* Nguồn cung nguyên liệu tăng dần

Đồng Nai là một trong những nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã nhận ra sự phát triển công nghiệp thiếu cân đối giữa các ngành nghề, đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Do đó, tỉnh đã đi trước cả nước trong việc thu hút đầu tư có chọn lọc. Từ năm 2006, UBND tỉnh đã bắt đầu ưu tiên mời gọi DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Vì thế, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành chủ lực như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, điện - điện tử... dần được nâng lên.

Theo Sở Công thương, năm 2019, tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là hơn 119,8 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7,6% so với năm trước đó. Theo đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm 21,4% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai.

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty CP Giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) cho hay: “Trước đây, sản xuất giày dép phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đến 80-90% thì 3-4 năm gần đây giảm xuống còn 60-70%. Trong đó, có những đơn hàng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 2/3”. Hiện nay, các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngày càng gia tăng nên nguồn cung nguyên liệu ngày càng đa dạng, phong phú. Các DN FDI đầu tư vào Việt Nam cũng thuận lợi hơn trong việc tìm đối tác cung ứng đầu vào cho mình.

Sở dĩ các DN trong nước, DN FDI đầu tư vào Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước đều muốn tìm nguồn nguyên liệu tại chỗ là vì sẽ đem lại 3 lợi ích lớn gồm: chủ động được sản xuất; giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa; tỷ lệ nội địa hóa cao khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan.

Một số doanh nghiệp Việt đã tham gia vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn Fujitsu. Ảnh: Hương Giang
Một số doanh nghiệp Việt đã tham gia vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn Fujitsu. Ảnh: Hương Giang

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM đánh giá: “Khoảng 4-5 năm trở lại đây, DN Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng nhanh. Bên cạnh việc cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam thì họ còn cung ứng cho các DN Việt và xuất khẩu”.

Nguồn cung nguyên liệu trong nước gia tăng ngoài nỗ lực của DN Việt thì còn những tập đoàn đa quốc gia khi đến Đồng Nai, các tỉnh, thành khác đầu tư thường kéo theo các DN cung ứng đầu vào cho họ.

* DN FDI vẫn chiếm ưu thế

Đồng Nai được xem là “thủ phủ” cung ứng nguồn nguyên liệu, trang thiết bị đầu vào cho sản xuất công nghiệp vì trên địa bàn tỉnh tập trung hơn 600 DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các DN sản xuất sản phẩm đầu vào khá đa dạng, rải đều trên các lĩnh vực gồm: dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị, điện, điện tử...

Tuy nhiên, trong hơn 600 DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ có gần 140 DN Việt, còn lại là DN FDI. Các DN FDI trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường chiếm ưu thế hơn DN Việt là vì khi họ đến Đồng Nai đầu tư đã có sẵn đối tác. Bên cạnh đó, các DN khi ra nước ngoài đầu tư còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ về vốn (lãi suất vay 3-4%/năm), công nghệ...

Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển DN nhỏ và vừa Nhật Bản (ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2) chia sẻ: “Công ty chuyên làm nhà xưởng cho các DN nhỏ và vừa thuê. Hiện đã có 70 DN vào thuê nhà xưởng để sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng trong đó chỉ có gần 10 DN Việt còn lại là DN FDI”.

Tuy chưa có điều tra, đánh giá chi tiết về đóng góp của DN FDI và DN trong nước trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, song nguồn nguyên liệu trong nước tự chủ được, phần lớn là của các DN FDI. Tại Đồng Nai 3-4 năm trở lại đây, những dự án thu hút mới có đến một nửa là đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Việc này phù hợp với yêu cầu, định hướng của tỉnh cũng như Chính phủ đã đề ra.

Đồ họa thể hiện tổng giá trị sản xuất, tỷ trọng dự án tại các khu công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh năm 2019. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng giá trị sản xuất, tỷ trọng dự án tại các khu công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh năm 2019. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Trong cuộc cạnh tranh giữa DN Việt và DN FDI trên cùng lĩnh vực, làm ra sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành đã thúc đẩy các DN Việt dần nâng tầm về quy mô, công nghệ. Do đó, số lượng DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các tập đoàn đa quốc gia cũng nhiều hơn.

Ông Mallikarjuna Guru, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) cho biết: “Bosch chuyên sản xuất các linh kiện cho ô tô xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi cũng như nhiều DN khác tại Việt Nam rất muốn tìm nguồn nguyên liệu đầu vào tại thị trường nội địa. Do đó, những DN có đủ khả năng cung ứng sản phẩm đầu vào cho công ty đều có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn”. 

Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn về sản xuất công nghiệp trên thế giới đều đã đặt nhà máy sản xuất tại Đồng Nai như: Posco, Texhong, LG, CP, Cargill, CJ, Schaeffler, Fujitsu, Hyosung, Shiseido... Đây là cơ hội cho các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn trên. Đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhiều là DN Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đức...

* Vẫn chưa chủ động nguyên liệu thô

Tuy nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được 30-40% nhu cầu của các DN, song thực tế những DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ cũng phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu thô từ nước ngoài về. Vì vậy, chuỗi sản xuất công nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững thì phải nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Trong đó, ngành công nghiệp phải đảm bảo từ nguyên liệu thô cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sau đó mở rộng công nghiệp hỗ trợ và nâng khả năng cung cấp nguyên liệu lên càng cao càng tốt. Nếu đảm bảo chuỗi cung ứng này, các DN sẽ nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai đánh giá: “Công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai cũng như Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh, đáp ứng được 30-40% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu nhiều như: sắt thép, bông, nhựa, chất dẻo, hóa chất...”. Cũng theo ông Nguyện, để công nghiệp trong nước phát triển ổn định và có giá trị gia tăng cao thì Việt Nam phải chủ động được từ khâu nguyên liệu thô cho đến hoàn thiện sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra với những nước Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu đã khiến cho sản xuất công nghiệp trong nước gặp khó khăn. Nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất là việc khiến Chính phủ, các tỉnh, thành trong cả nước cân nhắc lại quy hoạch phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư cho phù hợp.

Thực tế hiện nay là trong thu hút đầu tư FDI của các tỉnh, thành trên cả nước vẫn thiếu liên kết vùng nên dẫn đến tình trạng cùng lĩnh vực có khi nhiều tỉnh, thành cùng thu hút, nhưng có những ngành lại bị “bỏ sót”. Xúc tiến thương mại tại chỗ cấp vùng cũng chưa được quan tâm nhiều, dẫn đến cùng một mặt hàng mà DN này vất vả tìm thị trường xuất khẩu, nhưng DN kia lại khó khăn khi tìm nguồn cung ứng từ nước ngoài.

Uyển Nhi

 

Tin xem nhiều