Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường củng cố nội lực

09:01, 20/01/2020

Trong thời gian vừa qua có thể nhận thấy sức ép từ hội nhập quốc tế nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đã và đang ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất trong nước.

Trong thời gian vừa qua có thể nhận thấy sức ép từ hội nhập quốc tế nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đã và đang ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Trong ảnh: Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân
Doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Trong ảnh: Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

[links()]Để cạnh tranh, hàng Việt cần đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với việc làm thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến tay người tiêu dùng.

* Phát triển phân khúc hàng hóa phù hợp

Theo các chuyên gia, cơ cấu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng với các doanh nghiệp trong khu vực nên mức độ cạnh tranh khá khốc liệt, trong khi đó, trình độ sản xuất, phân phối, bán hàng... vẫn chưa thể mạnh bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore… Vì vậy, để phát huy các dư địa về phát triển thị trường, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, phát triển các thế mạnh, phân khúc phù hợp.

Bà Chu Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lothamilk cho biết, theo khảo sát của công ty, nhu cầu tiêu thụ sữa ở trong nước vẫn thấp hơn mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước tăng bình quân 6%/năm. Điều này tạo thuận lợi khi phát triển thị phần dành cho doanh nghiệp sữa trong nước nói chung và doanh nghiệp địa phương như Lothamilk nói riêng.

Lợi thế của công ty là ở phân khúc sản phẩm sữa tươi thanh trùng. Đây là những sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn nên các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài ít chú ý trong phát triển. Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu theo hướng bền vững thì Lothamilk sẽ chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng có thời gian bảo quản lâu hơn. Đây chính là phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ nhất trên thị trường hiện nay.

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho hay, hiện nay công ty chú trọng sử dụng nhiều hơn các loại hương liệu tự nhiên, nguyên liệu từ những loại đặc sản vùng miền cho các sản phẩm để tạo nên những đặc trưng riêng cho sản phẩm, tạo sự khác biệt so với những sản phẩm cùng loại trong khu vực. Công ty xác định các phân khúc phù hợp để phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như nâng cao tính nhận diện thương hiệu thông qua việc thiết kế mẫu mã, màu sắc sản phẩm phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của người Việt Nam…

* Chủ động nắm bắt thông tin

Bên cạnh việc thường xuyên cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả là nền tảng, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động cập nhật và tận dụng thông tin, biết sử dụng các cầu nối để tận dụng các ưu đãi về thuế, chính sách, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu, phát triển các kênh đưa hàng hóa sang Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…

Theo kết quả khảo sát mới nhất về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các FTA đang rất hạn chế. Cụ thể, có 63% doanh nghiệp tư nhân không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về AEC.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, những điểm hạn chế lớn của doanh nghiệp trong nước so với các nước trong khu vực là sự thiếu tính liên kết, chuyên nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế của nhiều doanh nhân chưa cao. Ngoài ra, mặc dù trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) chia sẻ thêm, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và trong khu vực nói riêng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có định hướng phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, giữ ổn định thị phần trong nước, cũng như tiếp cận thị trường tiềm năng, có giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao...

Hải Quân

Tin xem nhiều