Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt thời ATIGA

09:01, 20/01/2020

Hiện nay, dưới ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với hàng ngàn mặt hàng được miễn hoặc ưu đãi thuế nhập khẩu, hàng hóa các nước AESAN đã "đổ bộ" vào thị trường trong nước.

Hiện nay, dưới ảnh hưởng của các cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với hàng ngàn mặt hàng được miễn hoặc ưu đãi thuế nhập khẩu, hàng hóa các nước trong khối AESAN đã “đổ bộ” vào thị trường trong nước. Thậm chí, có những mặt hàng nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN hiện cũng đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường.

Mía đường được dự báo là một trong những ngành sẽ chịu nhiều tác động từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) khi mức thuế nhập khẩu dự kiến giảm về 0% từ đầu năm 2020 theo lộ trình cam kết Trong ảnh: Thu hoạch mía tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hải Quân
Mía đường được dự báo là một trong những ngành sẽ chịu nhiều tác động từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) khi mức thuế nhập khẩu dự kiến giảm về 0% từ đầu năm 2020 theo lộ trình cam kết Trong ảnh: Thu hoạch mía tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hải Quân

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh thời hội nhập để cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm từ các nước ASEAN ngay trên sân nhà, cũng như hướng tới phát triển các kênh xuất khẩu trực tiếp và tiêu thụ trực tiếp tại các nước ASEAN thông qua kênh phân phối, hệ thống bán lẻ lớn của khu vực…

* Nhiều dòng thuế được cắt giảm

Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một trong các bên của thỏa thuận.

Theo Hiệp định ATIGA, từ ngày 1-1-2018 đã có thêm 7% dòng thuế được cắt giảm về 0%, nâng tổng dòng thuế cắt giảm lên 97% số dòng thuế hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam. Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), những ngành đã và đang chịu tác động lớn từ việc xóa bỏ thuế quan này bao gồm: ô tô, xe máy, phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy; bánh kẹo; trái cây; thức ăn gia súc; sữa và sản phẩm từ sữa; sản phẩm nhựa; mía đường; các mặt hàng điện tử, điện lạnh như: điều hòa, tủ lạnh, tivi…

Ngoài các cam kết về thuế quan, ATIGA cũng bao gồm nhiều cam kết khác như: xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh dịch tễ.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho hay, theo cam kết của Hiệp định ATIGA, các nước ASEAN sẽ xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan theo lộ trình đối với các nước ASEAN-6 (5 nước sáng lập và Brunei), 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã được xóa bỏ tính tới năm 2017. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN đạt hơn 98,6%.

* Nhiều mặt hàng chịu tác động

Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng có nhiều thách thức cần phải đối mặt khi mức thuế nhập khẩu giảm dần về 0% theo lộ trình Hiệp định ATIGA đã ký kết.

Các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn khi nhiều dòng xe nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia... “đổ bộ” vào Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng tham khảo mẫu xe tại Đại lý Vinfast Biên Hòa (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân
Các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn khi nhiều dòng xe nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia... “đổ bộ” vào Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng tham khảo mẫu xe tại Đại lý Vinfast Biên Hòa (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân

Đối với Đồng Nai, các sản phẩm chủ lực như: cà phê, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… sẽ giúp tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường, mở rộng  sản xuất, tạo nhiều cơ hội việc làm, đón nhận được nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) một cách có chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh những lợi thế thì Việt Nam cũng phải đối diện với các thách thức như: phải mở cửa thị trường, hàng hóa từ các nước thành viên ATIGA có nhiều chủng loại hàng hóa tương đồng với hàng Việt Nam nhưng lại có nhiều lợi thế so sánh hơn như: chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phong phú và đặc biệt giá thành rất cạnh tranh như: dệt may, giày dép, rau củ quả, các sản phẩm chăn nuôi, mía đường…

Chẳng hạn, đường hiện đang là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch đối với các nước ASEAN, đồng thời mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5% và dự kiến giảm về 0% từ đầu năm 2020 theo Hiệp định ATIGA. Điều này càng khiến cho các loại đường trong nước có nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà” nếu như bài toán về giá thành chưa được giải quyết.

Trên thị trường hiện nay, nhất là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ, đường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu. Trong đó có một số loại không nhãn mác với giá thành rẻ hơn khá nhiều.

Khảo sát của phóng viên tại các chợ ở khu vực TP.Biên Hòa như: chợ Biên Hòa, chợ Sặt, chợ Tân Hiệp... các loại đường ngoại nhập giá rẻ không nhãn mác bán khá chạy so với các loại đường trong nước có nhãn mác, bao bì rõ ràng. Thông thường, các loại đường này được quảng cáo có nguồn gốc từ Thái Lan. Hiện giá đường Biên Hòa bán tại chợ khoảng 20-22 ngàn đồng/kg. Còn các loại đường ngoại nhập chỉ khoảng 14-15 ngàn đồng/kg.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất đường ở Đồng Nai cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của giá đường thế giới nên tình hình kinh doanh bị chững lại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất cũng như đa dạng chủng loại, bao bì sản phẩm để sẵn sàng cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Bên cạnh đó, các mặt hàng như bánh kẹo, sữa và sản phẩm từ sữa cũng chịu nhiều sức ép trước các đối thủ cạnh tranh trong khu vực ngay trên sân nhà… Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica chia sẻ, thị trường bánh kẹo trong nước ngày càng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với nhiều mặt hàng bánh kẹo ngoại được sản xuất từ các nước ASEAN: Indonesia, Philippines, Thái Lan…

Tương tự, theo khảo sát tại các trung tâm mua sắm, siêu thị và đại lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng có xuất xứ từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia... xuất hiện ngày càng nhiều với mức giá cạnh tranh, mẫu mã bắt mắt, đa dạng…

Thị trường ô tô cũng đang chịu tác động lớn từ các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng Indonesia và Thái Lan đã chiếm hơn 80% lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong năm 2019 vừa qua. Thuế nhập khẩu ô tô về 0% theo cam kết của Hiệp định AFTA từ năm 2018 là nguyên nhân, lực đẩy chính khiến xe ô tô hai nước này tràn vào Việt Nam.

Ông Bùi Mạnh Hùng chia sẻ thêm, sức cạnh tranh của một số mặt hàng Việt Nam hiện chưa cao, nếu không cải thiện được những hạn chế trên thì hàng Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ không thể cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên của ATIGA ngay tại thị trường trong nước.

* Tìm hướng xuất khẩu vào thị trường ASEAN

Tự do hóa thương mại trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định ATIGA trên thực tế trong giai đoạn 2015-2018 đã có nhiều tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này.

Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, nhiều dòng thuế xuất khẩu, nhập khẩu nội khối ASEAN đã về 0%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thương mại hai chiều với các nước trong khối.

Riêng tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN đã tăng khoảng 2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Những mặt hàng mà Đồng Nai xuất vào thị trường ASEAN nhiều là: dệt may, giày dép, sản phẩm từ gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, nông sản, xơ sợi dệt...

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa) chia sẻ, công ty xuất khẩu chăn, drap, gối, nệm vào thị trường ASEAN thông qua các đại lý, nhà phân phối... Số lượng đơn hàng cũng chưa thực sự nhiều và vấp phải sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Indonesia… Gần đây, công ty xuất khẩu thêm nguyên liệu sản xuất mặt hàng trên vào ASEAN để tận dụng một số dòng thuế ưu đãi trong khu vực.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai chia sẻ, để hàng Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán thời gian vừa qua như CPTPP, EVFTA, ATIGA để có thể có phương án kinh doanh phù hợp trước áp lực cạnh tranh trên sân nhà ngày càng gia tăng, trong khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế lại đang diễn ra nhanh chóng.

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là một trong những hiệp định cơ bản của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), được ký vào tháng 2-2009 và có hiệu lực từ ngày 17-5-2010, có tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992.

ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong Hiệp định về chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA) cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.

Lam Phương

Tin xem nhiều