Báo Đồng Nai điện tử
En

2G SÁNG 8-7: "CHUNG KẾT" SỚM ĐỨC – PHÁP

09:07, 07/07/2016

Không phải Đức – Italia vì từ trước giải không ai đặt cược vào Ý, mà Đức - Pháp mới là 2 ứng cử viên hàng đầu của chức vô địch, nên đây mới thực sự là trận "chung kết" sớm của EURO 2016. Một cuộc đọ tài cũng hứa hẹn hấp dẫn, mãn nhất kể từ đầu giải khi cả 2 đội đều lấy lối chơi cống hiến, tấn công làm chủ đạo.

Không phải Đức – Italia vì từ trước giải không ai đặt cược vào Ý, mà Đức - Pháp mới là 2 ứng cử viên hàng đầu của chức vô địch, nên đây mới thực sự là trận “chung kết” sớm của EURO 2016. Một cuộc đọ tài cũng hứa hẹn hấp dẫn, mãn nhất kể từ đầu giải khi cả 2 đội đều lấy lối chơi cống hiến, tấn công làm chủ đạo.

Đức: Chờ Thomas Mueller để trở thành hoàn hảo

Ghi 32 bàn thắng cùng 12 đường chuyền kiến tạo trong màu áo Bayern ở mùa giải vừa qua, là chân sút số 1 của tuyển Đức ở vòng loại với 9 pha lập công sau 9 lần ra sân, nhưng vua phá lưới World Cup 2014 lại quá “vô duyên” với VCK EURO khi vẫn đang mải miết đi tìm bàn thắng đầu tiên. Ngay trên chấm 11m ở loạt sút luân lưu trước Italia anh cũng không thành công.

Cỗ xe tăng Đức vẫn lừng lững tiến vào bán kết mà không cần “xạ thủ” Mueller vì những khẩu pháo khác lên tiếng, nhưng sáng mai họ sẽ mất “gà son” Gomez vì chấn thương trong trận tứ kết trước Ý đã khiến anh sớm chia tay vởi EURO 2016, còn Mario Goetze thì đã lên ghế dự bị 3 trận liên tiếp và không cho thấy khả năng cạnh tranh trên hàng công của “Die Mannschaft”, Draxler thì trận dở trận hay. Do đó đã đến lúc Mueller phải lên tiếng gánh vác trọng trách, tự xóa bỏ cái dớp ngớ ngẩn ở EURO để trở lại hình ảnh thực sự của mình. Tất cả là vấn đề tâm lý và bản thân Mueller phải vượt qua để đưa Đức đến với chức vô địch châu Âu sau 20 năm chờ đợi.

2 năm trước, trên con đường chinh phục World Cup 2014 tại Brasil, Đức cũng phải rất vất vả mới vượt qua được Pháp bằng pha đánh đầu của trung vệ Mats Hummels ở tứ kết. Nhưng sáng mai “người hùng” ấy cũng vắng mặt nốt vì án treo giò sau 2 thẻ vàng. Không chỉ vậy nhà vô địch thế giới còn mất tiền vệ Khedira và khả năng ra sân của Schweinsteiger cũng không chắc chắn. Nhiều khả năng thay Hummels là Mustafi, người đã ghi bàn đầu tiên chọ Đức tại Pháp, hoặc Howedes sẽ được kéo vào đá trung vệ khi cánh phải đã có Kimmich. Ở vị trí tiền vệ trung tâm trong trường hợp xấu nhất cả Schweinsteiger cũng không thể thi đấu, HLV Loew sẽ sử dụng tiền vệ Liverpoo Emre Can để đá cặp với Toni Kroos. Tuy nhiên đau đầu nhất là vị trí tiền đạo của Mario Gomez. Trong trận tứ kết với Italy, Loew đã đẩy Mueller lên cao nhất và đưa Draxler vào thay vai trò của Mueller. Phương án này có thể được lập lại khi Goetze gây thất vọng lớn.

Nhưng lửa thử vàng, người Đức đã quá quen với thử thách và đối mặt với những khó khăn. Chỉ chờ Thomas Mueller lên tiếng để Đức sẽ trở thành cỗ xe tăng hoàn hảo tiến về Paris chơi trận chung kết sau 8 năm chờ đợi.

Pháp: Công cường nhưng thủ chưa an tâm

HLV Deschamps có quá nhiều những phương án và sự lựa chọn nhân sự, nhưng đôi khi chính sự thừa thãi ấy lại dẫn đến...loạn đao pháp. Cho đến trước vòng tứ kết, hu như mỗi trận đấu, thậm chí là hiệp đấu, Pháp lại thay đổi đội hình chiến thuật. Thế nhưng hành trình của đội chủ nhà, đồng thời là ứng cử viên số 1 của chức vô địch (theo đánh giá của các nhà cái) đến tứ kết lại rất chật vật. Vượt qua Romania ở phút cuối cùng, 2 bàn thắng trước Albania diễn ra ở phút...90 và 90+6, bất lực không bàn thắng trước Thụy Sĩ và bị Ireland dẫn trước, chỉ lội ngược dòng trong hiệp II nhờ cú đúp của Griezmann. Những chiến thắng muộn mằn mà bản thân hậu vệ Evra cũng thừa nhận: “chúng tôi thật điên rồ”! Tuy nhiên chính sự thay đổi mang đến cuộc lội ngược dòng trong hiệp II trận 1/8 trước Ireland đã mang đến công thức tối ưu cho Deschamps. Đó là sự từ bỏ sơ đồ 4-3-3 được ông xây dựng suốt 2 năm qua để chuyển qua 4-2-3-1, với Gioud đá cao nhất, ngay sau lưng là Griezmann, 1 cánh là Payet và Pogba – Matuidi sánh vai ở trung tâm hàng tiền vệ.

Ở trận tứ kết với Iceland, HLV Didier Deschamps đã áp dụng lại công thức ấy, ngoài một bất ngờ nhỏ là Sissoko được chọn cho vị trí tiền vệ phải, chứ không phải tài năng trẻ Kingsley Coman, người chạy nhanh nhất EURO 2016 cho đến lúc này. Được chơi đúng với vai trò hộ công ở trung lộ như tại CLB Atletico, Griezmann tỏ ra thoải mái hơn hẳn và đã tỏa sáng khi đang là chân sút dẫn đầu với 4 bàn thắng. Giroud cũng hưởng lợi với cú đúp khi có Griezmann chơi kề cận, bởi kỹ năng của anh là làm tường, phối hợp hơn là độc chiến.

Pha phối hợp để dẫn tới bàn thắng thứ tư cho Pháp trong hiệp một đã nói lên hết sự hiệu quả của cặp đôi này. Từ đường chuyền của Paul Pogba, Giroud có pha nhả bóng thông minh để Griezmann thoát xuống, vượt qua tất cả các hậu vệ Iceland trước khi chích bóng qua đầu thủ môn. Cặp song sát Giroud - Griezmann sẽ là thử thách với hàng thủ mới chỉ để thủng lưới đúng 1 bàn kể từ đầu giải, nhất là khi Đức mất lá chắn thép Hummels. Chưa kể Gà trống Gaulois còn có Dimitry Payet và Paul Pogba cũng đã nổ súng. Với 3 cái tên ghi tổng cộng 10 bàn, đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới, hàng công của Pháp vượt trội hơn hẳn Đức khi người lập công nhiều nhất là Gomez cũng chỉ có 2 bàn thắng, nhưng cũng đã phải sớm nói lời chia tay giải vì chấn thuơng.

Tuy nhiên, hàng phòng ngự chủ nhà lại không mang đến sự an tâm như vậy, cho dù trận này đội chủ nhà có sự trở lại của tiền vệ đánh chặn Leicester City, N’Golo Kante. Mắt xích yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của Pháp đã được chỉ ra, đó là vị trí cánh trái của Patrice Evra. Ở tuổi 35, cựu hậu vệ Man United đang chơi cho Juvenus này đã trở nên chậm chạp, không chỉ không còn chắc chắn trong khả năng phòng ngự mà cũng hạn chế lớn trong tham gia hỗ trợ tấn công. Trong cả 2 bàn thua trước Iceland ổ tứ kết, Evra đều có trách nhiệm trực tiếp. Trong khi đó, ở trận bán kết sáng mai không phải là Sigthorsson hay Bjarnason mà Evra phải đối đầu với Draxler, một cầu thủ chạy cánh mới tuổi, đầy tốc độ.

Ngoài ra với sự trở lại của Kante, chưa biết HLV Deschamps sẽ phải xoay sở ra sao với việc lựa chọn phải “hy sinh” ai giữa Matuidi và Pogba? Không quá lời khi có đánh giá trong số 4 đội vào bán kết, chính Pháp là đội có hàng thủ đáng lo nhất. Những vấn đề ấy chưa lộ ra bởi 5 đối thủ của Pháp cho tới lúc này (Romania, Albania, Thụy Sĩ, Ireland, Iceland) đều thua kém họ về đẳng cấp, không phải là những thử thách đúng tầm.

Quang Huy - Lê Dũng

Tin xem nhiều