Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày vàng... rực của thể thao Việt Nam

09:05, 16/05/2022

Ngày 15-5-2022 đi vào lịch sử thể thao Việt Nam (TTVN)  tại SEA Games khi là ngày vàng rực rỡ nhất với kỷ lục 29 chức vô địch.

Ngày 15-5-2022 đi vào lịch sử thể thao Việt Nam (TTVN)  tại SEA Games khi là ngày vàng rực rỡ nhất với kỷ lục 29 chức vô địch.

Thể thao Việt Nam lập kỷ lục vàng trong 1 ngày thi đấu tại SEA Games
Thể thao Việt Nam lập kỷ lục vàng trong 1 ngày thi đấu tại SEA Games

“Mở hàng” là Phạm Tiến Sản ở môn Duathlon (2 môn phối hợp chạy 10km, đạp xe 40km và chạy 5km) lần đầu tiên xuất hiện. Tiếp đó là tấm HCV wushu trường quyền nữ của Hoàng Thị Phương Giang. Đầu giờ trưa là “cú đúp” của 2 môn thể thao trí tuệ: Nhật Quang và Hà Văn Tiến ở nội dung cờ chớp (cờ tướng) và Nguyễn Ngọc Trường Sơn cờ tiêu chuẩn đơn nam (cờ vua).

Buổi chiều, dancesport vào cuộc và “gom” luôn 5 HCV các nội dung: Samba, Jive, Paso Doble, Rumba cùng 5 điệu Latin; trong đó, đôi Minh Trường - Thu Hương của Đồng Nai lập hat-trick vàng. Khiêu vũ thể thao vượt xa thành tích 2 HCV ở SEA Games 30.

Tuy nhiên, tâm điểm vẫn là môn điền kinh. Sau thất bại đáng tiếc cùng đồng đội vì sai lầm chiến thuật ở nội dung 4x400m hỗn hợp nam, nữ ngày hôm trước, Trần Nhật Hoàng lại không thể bảo vệ HCV 400m cá nhân, đổ gục sau khi về đích và ôm chầm lấy mẹ khóc. Nhưng các đồng đội đã kịp bù đắp bằng 2 tấm HCV nhảy xa nam (Nguyễn Tiến Trọng, 7,80m) và nhảy cao nữ (Phạm Thị Diễm 1,78m). Nguyễn Thị Oanh hoàn tất bảo vệ cú hat-trick HCV cá nhân cuối cùng 3.000m vượt chướng ngại, Nguyễn Thị Huyền vẫn vô đối ở nội dung 400m nữ. Ấn tượng nhất là sự trở lại của Nguyễn Văn Lai. Vắng mặt ĐKVĐ người Thái Lan, thiếu tá quân đội Việt Nam bỏ xa các đối thủ đến mức vừa về đích anh vừa thoải mái... chào khán giả. Một sự bền bỉ đáng khâm phục khi đây là tấm HCV thứ 4 và có lẽ là cuối cùng của VĐV chạy đường dài đã 36 tuổi này tại các kỳ SEA Games và vẫn là người đang giữ kỷ lục. Điền kinh đã tiến gần đến cái đích 16 HCV và vẫn còn 3 ngày thi đấu nữa.

Trong khi đó, trên đường đua xanh, ở nội dung 400m hỗn hợp, VĐV bơi 18 tuổi Trần Hưng Nguyên không chỉ bảo vệ được tấm HCV mà còn phá sâu kỷ lục của chính mình lập 3 năm trước với thành tích 4’18”10. Nguyễn Quang Thuấn, em ruột Nguyễn Thị Ánh Viên, giành HCB trong lần đầu tham dự SEA Games, mở ra hứa hẹn trong tương lai. Nếu đúng như dự kiến, sau cự ly 1.500m tự do, kình ngư Huy Hoàng giành thêm 3 HCV 400m, 800m và tiếp sức 4x200m, bơi lội Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu 6 HCV đề ra dù không còn “cô gái vàng” Ánh Viên.

Tuy nhiên, làm nên ngày kỷ lục của TTVN là wushu. Vào chung kết 7/8 hạng cân tán thủ, ngoài Nguyễn Thị Chinh phải bỏ cuộc vì chấn thương, các võ sĩ chủ nhà đã đăng quang ở 6/7 hạng cân còn lại (3 nam, 3 nữ). Cùng với 4 chức vô địch taolu, wushu đã hoàn thành SEA Games 31 với 10 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn (SEA Games 30, Philippines cắt một loạt nội dung nên Việt Nam chỉ có 3 HCV, xếp nhì sau chủ nhà 7 HCV, nhưng lần này Philippines rơi xuống thứ 4 với chỉ 2 HCV).

Điền kinh, bơi lội còn thi đấu đến ngày 19-5, TTVN vẫn còn hàng loạt môn thế mạnh: taekwondo, judo, karatedo, muay và đặc biệt là 3 “mỏ vàng”: vật, lặn, vovinam; con số 140 HCV đề ra có vẻ là khiêm tốn. Tuy nhiên, được chờ đợi nhất vẫn là 2 tấm HCV bóng đá nữ, nam để đất nước có một kỳ SEA Games trọn niềm vui.

3 đội tuyển xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ

Cùng với kurash, wushu, rowing và thể hình đã kết thúc thi đấu tại SEA Games 31. Đây mới là lần thứ 2 kurash xuất hiện tại SEA Games và Việt Nam đã xuất sắc bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn với cùng 7/10 HCV, nhưng vượt về số HCB (5/1) và đồng (5/2).

Ở môn đua thuyền rowing, các tay chèo nữ Việt Nam đã giành chiến thắng tuyệt đối, thâu tóm toàn bộ 8 chức vô địch từ thuyền đơn, đôi, đến thuyền 4 hạng nặng, hạng nhẹ. Trong đó, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Thảo và Đinh Thị Hảo mỗi VĐV đóng góp vào 3 HCV.

Còn thể hình, sau 10 năm mới xuất hiện trở lại ở SEA Games, các lực sĩ đẹp Việt Nam đã xuất sắc vượt chỉ tiêu, giành 5 HCV, đứng đầu hơn Thái Lan 2 HCV.

Phương Duy - Trường Xuyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích