Báo Đồng Nai điện tử
En

5 dấu nhấn ở màn 1 V.League

09:10, 04/10/2020

Nếu mùa trước TP.HCM vô địch lượt đi với chuỗi 7 trận bất bại thì mùa này đội bóng cùng thành phố, Sài Gòn với lực lượng khiêm tốn hơn còn làm được hơn thế với mạch 11 trận bất bại, dẫn đầu giai đoạn 1.

* “Hiện tượng” Sài Gòn

Nếu mùa trước TP.HCM vô địch lượt đi với chuỗi 7 trận bất bại thì mùa này đội bóng cùng thành phố, Sài Gòn với lực lượng khiêm tốn hơn còn làm được hơn thế với mạch 11 trận bất bại, dẫn đầu giai đoạn 1.

TP.HCM, CLB “ồn ào” nhất
TP.HCM, CLB “ồn ào” nhất

Ngay đầu mùa đã có sự bất ổn trên thượng tầng, chỉ sau trận ra quân (hòa SLNA 0-0) vì bất đồng HLV Hoàng Văn Phúc từ chức, Chủ tịch CLB Vũ Tiến Thành kiêm luôn “ghế nóng”. Lực lượng chỉ trung bình, thế mà đến tận vòng 12 Sài Gòn FC mới nhận thất bại đầu tiên. 4 yếu tố làm nên “hiện tượng” là: tinh thần thi đấu, lối chơi biết người biết ta, phòng ngự chắc chắn (chỉ thủng lưới 7 bàn, ít nhất giải) và… cặp tiền đạo Pedro, Geovane (“gánh” 12/19 bàn thắng).

Ghi nhận qua giai đoạn 1

Có tổng cộng 224 bàn thắng được ghi qua 91 trận, trung bình 2,46 bàn/trận. CLB TP.HCM có hàng công “bén” nhất với 23 bàn thắng, tệ nhất là Hải Phòng chỉ có 8 lần tìm thấy mành lưới đối phương (sau 12 trận chỉ có 5 bàn).

Hàng thủ cứng cựa nhất thuộc về đội dẫn đầu Sài Gòn khi chỉ để thủng lưới 7 lần trong 13 trận đấu. Ở chiều ngược lại, không có gì ngạc nhiên khi Quảng Nam “đội sổ” do hàng thủ để các đối thủ phá lưới đến 32 lần, tức trung bình cứ mỗi trận đấu, thủ môn xứ Quảng phải hơn 2 lần vào lưới nhặt bóng. Quảng Nam (cùng với Nam Định) cũng là CLB thua nhiều nhất với 8 trận. Nhận thất bại ít nhất là Sài Gòn FC, phải đến vòng 12 thầy trò HLV Vũ Tiến Thành mới thua trận đầu tiên và duy nhất. Cùng với HLHT, Sài Gòn còn là “vua” hòa với đến 6 trận.

Trường Xuyên

* ĐKVĐ trở thành “bệnh viện”

Từ đội quân tưởng như vô đối, CLB thống trị cả 2 mùa trước Hà Nội kết thúc giai đoạn 1 với đến 3 thất bại, 5 trận hòa và thắng 5, chỉ về thứ 4. Nguyên nhân do nhà ĐKVĐ “dính” cơn bão chấn thương mất hàng loạt trụ cột cả nội và ngoại binh, có lúc chỉ còn 14, 15 cầu thủ có thể ra sân. Tuy nhiên vẫn không đối thủ nào dám xem thường và gạch tên thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm ra khỏi cuộc đua vô địch.

* Á quân TP.HCM: “ồn ào” nhất

Những bản hợp đồng “bom tấn” rùm beng liên tiếp với tổng cộng cả trăm tỷ làm mới đội hình, nhưng đổi lại CLB TP.HCM lại thiếu ổn định hơn hẳn mùa trước. Nếu năm ngoái thầy trò HLV Chung Hae-song là nhà vô địch lượt đi với thành tích 8 thắng, 3 hòa, 2 bại thì năm nay đã nhận đến 5 trận thua và chỉ có 6 chiến thắng, đứng thứ 5. Không chỉ “gióng trống khua chiêng” trên thị trường chuyển nhượng, CLB này còn luôn gây ồn ào, làm dậy sóng dư luận với những chuyện hậu trường như cú P.R với Lee Nguyễn hay HLV Chung ra đi rồi quay lại.

* Bất ngờ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT)

“Bất ngờ, quá bất ngờ…” đến HLV Phạm Minh Đức cũng không tin đội bóng của mình đoạt vé vào tốp 8. Là tân binh, dàn cầu thủ chỉ trung bình nhưng HLHT đã khiến 4 đàn anh trở thành bại tướng, 6 đối thủ khác phải chia điểm và kết thúc giai đoạn 1 với mạch 5 trận bất bại, trong đó có đến 3 chiến thắng để sớm trụ hạng.

Thành công của HLHT cũng có phần tương tự như Sài Gòn, đó là một hàng thủ cứng cựa, cầu thủ chơi lăn xả và bộ đôi ngoại binh Bruno, Mansaray chất lượng, hòa nhập vượt ngoài mong đợi.

* Những tên tuổi truyền thống sa sút

Nếu tân binh HLHT lên tàu xuôi tranh… vô địch thì có đến 5/6 đội đi “chung kết ngược” tranh nhau trụ hạng là những nhà cựu vô địch và á quân. SLNA, SHB.Đà Nẵng 2 lần vô địch; Quảng Nam vô địch 2017; Hải Phòng, Thanh Hóa á quân 2016, 2018. Còn lại Nam Định cũng là một tên tuổi truyền thống. Điểm chung ở tất cả 6 CLB này là đều phải sống bằng “bầu sữa” bao cấp của địa phương.

Bất cập lịch đấu giai đoạn 2

Để đảm bảo tính công bằng, ngừa tiêu cực có thể xảy ra, trên nguyên tắc 2 vòng cuối phải diễn ra cùng ngày, cùng giờ. Với thể thức thi đấu mới phân nhóm của V.League 2020, rắc rối nảy sinh khi trong 8 đội vào giai đoạn 2 tranh chức vô địch có đến 2 cặp có cùng sân nhà. Đó là Hà Nội, Viettel với sân Hàng Đẫy và Sài Gòn, TP.HCM sân Thống Nhất.

Theo mã số, ở lượt áp chót (vòng 6) được chơi trên sân nhà là các đội có vị trí thứ nhì, thứ 4, thứ 6 và thứ 9 của giai đoạn 1; đến lượt cuối chủ nhà là các đội có vị trí thứ nhất, thứ 3, thứ 5 và thứ 7. Tuy nhiên BTC đã không lường được, tình cờ ở vòng 7 Viettel và Hà Nội cùng ra sân Hàng Đẫy và vòng cuối Sài Gòn, TP.HCM đều đá tại Thống Nhất. Chính vì vậy lịch đấu vòng 7 được tách ra 2 ngày 3 và 4-11, Viettel (gặp Than QN) thi đấu trước rồi hôm sau Hà Nội mới ra sân (gặp Sài Gòn) - rõ ràng 2 đội đá sau sẽ có lợi thế nếu cần tính toán. Nhưng vòng cuối cùng bắt buộc phải cùng ngày cùng giờ thì 2 trận của đội chủ sân Thống Nhất là Sài Gòn (gặp Viettel) và TP.HCM (gặp B.BD) tính sao? Chính vì vậy ngày giờ và địa điểm vòng đấu này vẫn bỏ ngỏ và chỉ có thể giải quyết bằng cách hoặc phải hoán đổi lại lịch đấu hoặc 1 trong 2 đội Sài Gòn, TP.HCM phải chọn một sân khác làm sân nhà (có thể là sân Bà Rịa nơi cả 2 đều quen thuộc)?

Trần Đỗ

Đông Kha

Tin xem nhiều