Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng đá đẹp là... chiến thắng

09:11, 17/11/2019

Trong 2 năm lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam, dù lập nên nhiều kỳ tích ghi dấu lịch sử nhưng HLV Park Hang-seo ít có trận cầu làm mãn nhãn, những chiến thắng "hoành tráng", "lộng lẫy". Trận thắng bùng nổ 4-0 của U.22 Việt Nam trước Thái Lan tại vòng loại U.23 châu Á 2020 thuộc loại hiếm. Chính vì thế, các đối thủ khi thất bại thường rất ấm ức, tự hỏi vì sao khi cho rằng mình mạnh hơn, chơi hay hơn.

Trong 2 năm lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam, dù lập nên nhiều kỳ tích ghi dấu lịch sử nhưng HLV Park Hang-seo ít có trận cầu làm mãn nhãn, những chiến thắng “hoành tráng”, “lộng lẫy”. Trận thắng bùng nổ 4-0 của U.22 Việt Nam trước Thái Lan tại vòng loại U.23 châu Á 2020 thuộc loại hiếm. Chính vì thế, các đối thủ khi thất bại thường rất ấm ức, tự hỏi vì sao khi cho rằng mình mạnh hơn, chơi hay hơn.

Sức mạnh đáng gờm của Việt Nam là khối tập thể thống nhất được vận hành kỷ luật, khoa học. Trong ảnh: Công Phượng (10) thực hiện pha đột phá trong trận gặp UAE
Sức mạnh đáng gờm của Việt Nam là khối tập thể thống nhất được vận hành kỷ luật, khoa học. Trong ảnh: Công Phượng (10) thực hiện pha đột phá trong trận gặp UAE

Phải thừa nhận, lối chơi của đội tuyển Việt Nam không đẹp mắt, tốc độ, không quyến rũ, phối hợp thêu dệt bằng UAE, Thái Lan và cả Malaysia, mà rất khó nhận dạng một cách chính xác. Nhà cầm quân từng đưa đội tuyển Hà Lan vào chung kết World Cup 2010, HLV Bert Van Marwijk của UAE khi đánh giá Việt Nam cao hơn Thái Lan đã giải thích: lối chơi của đội tuyển Việt Nam tưởng như không có gì nhưng thực ra rất khó lường, rất khó “bắt bài” vì sự đa dạng. Thật vậy, hãy chỉ ra đâu là lối và hướng tấn công ưa thích, miếng đánh sở trường của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park? Mỗi trận đấu, mỗi đối thủ là cách tiếp cận, khai triển chiến thuật và bàn thắng không nhiều, nhưng đến theo những tình huống, khoảnh khắc đột biến rất khác nhau.

Sức mạnh đáng gờm của đội tuyển Việt Nam là khối tập thể thống nhất được vận hành kỷ luật, khoa học và kiên nhẫn đến mức thực dụng. Không có gì khó hiểu với triết lý này của ông Park Hang-seo, bởi nếu người Nhật thiên về trường phái duy mỹ của Brasil với Zico dẫn dắt trong giai đoạn 2002-2006, thì từ thập niên 80 của thế kỷ trước, khi danh thủ Cha Bum-kum là cầu thủ đầu tiên của xứ kim chi thi đấu tại Bundesliga (khoác áo các CLB Frankfurt và Leverkusen), bóng đá Hàn Quốc lấy Đức làm hình mẫu. Đó là thứ bóng đá thực dụng, luôn hướng đến tính hiệu quả cao nhất.

Nhưng không ai nói lối chơi của “cỗ xe tăng” Đức ở 4 lần lên đỉnh thế giới, 3 lần vô địch châu Âu là không đẹp cả. Cũng như với đội tuyển Việt Nam, nếu gạt sang bên nhu cầu muốn thưởng thức một trận đấu “đã mắt” thông thường để phân tích những yếu tố chuyên môn, người ta sẽ thấy cái “đẹp” trong đó. Đó là cái đẹp của sự chặt chẽ, hợp lý về chiến thuật, cự ly đội hình, sự di chuyển theo một khối thống nhất của cả 3 tuyến khi phòng thủ lẫn tấn công. Sự cuốn hút của nhịp độ lúc nhu lúc cương, khi mềm mại bật tường nhanh một chạm thoát pressing, lúc cứng rắn, quyết liệt.

Có thể nói, đội tuyển Việt Nam dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc tưởng như vô chiêu nhưng rất đa dạng, thích ứng được với mọi hoàn cảnh và thậm chí còn hướng trận đấu theo ý mình muốn. Chỉ thiếu một cây săn bàn đẳng cấp có thể tận dụng được những cơ hội là hoàn hảo.

“Người Việt Nam rất yêu bóng đá nhưng đó là bóng đá chiến thắng”, hiểu rõ như vậy nên ông Park khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục duy trì, không thay đổi lối chơi thực dụng. Lối chơi đẹp làm cho người hâm mộ sướng là rất cần thiết, nhưng làm sao để gặt hái kết quả tốt nhất là cực kỳ quan trọng”. Vâng, không cần đẹp, chỉ cần độc!

Minh Chung

Tin xem nhiều