Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư cho bóng đá trẻ là con đường phát triển tất yếu

12:03, 15/03/2018

Chưa bao giờ làn sóng các cầu thủ trẻ lại ồ ạt đến thế ở sân chơi cao nhất của bóng đá nội. HAGL tiếp tục là đội đi tiên phong, sau 3 mùa ở V.League dù "những đứa trẻ bầu Đức" nay đã "già" hơn nhưng độ tuổi trung bình của đội bóng phố núi vẫn là trẻ nhất ở V.League 2018

Chưa bao giờ làn sóng các cầu thủ trẻ lại ồ ạt đến thế ở sân chơi cao nhất của bóng đá nội. HAGL tiếp tục là đội đi tiên phong, sau 3 mùa ở V.League dù “những đứa trẻ bầu Đức” nay đã “già” hơn nhưng độ tuổi trung bình của đội bóng phố núi vẫn là trẻ nhất ở V.League 2018 (mùa  2015 là 21,7 - trẻ nhất trong lịch sử, 2016: 22,52, 2017: 22,6 và nay là 22,8). Đây cũng là đội duy nhất không có cầu thủ nào trên 24 tuổi. Tuy nhiên HAGL không phải là đội có cầu thủ trẻ nhất đăng ký dự giải, kỷ lục này thuộc về Hà Nội với tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn, sinh năm 2000, tuyển thủ U.19 đang góp mặt tại VCK U.19 quốc gia.

Những thành quả lịch sử liên tiếp gần đây của các đội tuyển trẻ quốc gia U.16, U.19 và đặc biệt chức á quân U.23 châu Á mới đây đã thực sự mang lại nguồn cảm hứng cho công tác đào tạo trẻ. Sau VCK U.23 châu Á 2018 HLV Park Hang-seo từng chỉ ra nguyên nhân khiến Hàn Quốc thất bại là do các cầu thủ trẻ ở quê hương ông rất hiếm khi được thi đấu ở các giải đấu cao nhất trong nước khiến các tài năng thui chột và cho rằng đây là bài học quý giá cho bóng đá Việt Nam.

Chính vì vậy trước thềm mùa giải mới, tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đề nghị mỗi CLB bắt buộc phải đưa ra sân ít nhất 1 cầu thủ lứa tuổi U.23 trong các trận đấu tại V.League. Quy định này không mới, thực tế Trung Quốc và một số nước châu Á đã áp dụng vì tương lai phát triển của các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên đề nghị này đã không được thông qua vì vấp phải sự phản đối của không ít đội bóng cho rằng phải có “lộ trình”. Thật ngạc nhiên và khó chấp nhận với lý do một CLB bỏ ra 30, 40 tỷ đồng/mùa hoạt động lại không thể đào tạo, tìm nổi 1 cầu thủ U.23 có khả năng ra sân đá chính.

Càng giật mình hơn khi lãnh đạo đội nào cũng thừa nhận, ý thức sự cần thiết và tầm quan trọng của khâu làm bóng đá trẻ nhưng điểm lại 14 CLB ở V.League, ngoại trừ HAGL, Hà Nội, SLNA và phần nào đó là B.BD, Nam Định, SHB.ĐN, Thanh Hóa, phân nửa số còn lại hầu như không có chân đế đào tạo.

Bỏ hàng chục tỷ đồng để mua sắm, “chiêu binh mãi mã” không tiếc nhưng đầu tư vài tỷ đồng cho các tuyến trẻ thì lại rất khó khăn. Thói quen “ăn xổi”, chạy theo thành tích trước mắt hay còn nguyên nhân nào nữa bên trong?

Đông Kha

Tin xem nhiều