Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện chỉ có ở bóng đá Việt Nam

11:06, 07/06/2017

Chắc chắn trong số 24 đội tuyển tham dự VCK World Cup U.20-2017, U.20 Việt Nam là đội có thời gian tập trung chuẩn bị dài nhất: tròn 2 tháng trước ngày khai mạc.

Chắc chắn trong số 24 đội tuyển tham dự VCK World Cup U.20-2017, U.20 Việt Nam là đội có thời gian tập trung chuẩn bị dài nhất: tròn 2 tháng trước ngày khai mạc. Để không ảnh hưởng đến các CLB chủ quản, hầu hết đội tuyển các nước ở mọi cấp độ thường rải ra thành nhiều giai đoạn tập huấn ngắn ngày và chỉ tập trung vaì tuần trước giải (như U.20 Argentina chỉ chính thức hội quân chưa đầy 1 tháng). Thôi thì vì yếu nhất và lần đầu tiên dự World Cup nên phải chuẩn bị kỹ và nhờ vậy mà U.20 Việt Nam tại Hàn Quốc mới đá được như thế.

Nhiều cầu thủ U20 Việt Nam tham dự VCK World Cup U.20 . Ảnh: FIFA
Nhiều cầu thủ U20 Việt Nam tham dự VCK World Cup U.20 . Ảnh: FIFA

Nhưng không đâu trên thế giới mà cả đời sống bóng đá trong nước cùng 3 giải đấu hàng đầu: vô địch quốc gia, Cúp quốc gia, giải hạng nhất phải dừng lại suốt gần 2 tháng chỉ để phục vụ cho một đội tuyển trẻ. Càng nghịch lý khi chỉ có vỏn vẹn 3 cái tên của U.20 Việt Nam có suất đá chính ở V.League: Quang Hải (Hà Nội), Đức Chinh (SHB.ĐN) và Đình Trọng (Sài Gòn), mà 11 CLB còn lại phải “ngồi chơi xơi nước”.

Chưa hết, sau vòng đấu thứ 16 vào ngày 2-7, V.League sẽ lại tiếp tục nghỉ thêm 2 tháng nữa (đến tận 8-9) để đội tuyển U.22 tập trung chuẩn bị, thi đấu vòng loại U23 châu Á 2018 và SEA Games 29. Chính vì vậy, giải VĐQG năm nay kéo dài kỷ lục rải ra thi đấu đến tận 11 tháng, thậm chí dự kiến đến tận tháng 12. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch chuẩn bị, tập luyện và đặc biệt tài chính của các CLB. Thực tế trong đợt tạm dừng vừa qua dù đến gần 2 tháng nhưng hầu hết các đội đều chỉ dám “xả trại” 1 tuần lễ là tập trung trở lại vì sợ để cầu thủ “ngủ đông” quá lâu, “rảnh rỗi sinh nông nỗi”. Điều này có nghĩa dù không thi đấu nhưng các CLB vẫn phải trả lương, chi phí ăn ở, tập luyện... để duy trì sinh hoạt. Con số này nếu nhân ra 14 đội V.League và 7 đội hạng nhất với 4 tháng phát sinh của 2 giai đoạn nghỉ bất đắc dĩ là hoàn toàn không nhỏ. Đó là một sự lãng phí xã hội.

Càng lãng phí hơn khi suốt thời gian 2 tháng “không làm gì” vừa qua, tại sao VFF và HLV Hữu Thắng không tranh thủ tận dụng để tập trung đội tuyển quốc gia và U.22 để chuẩn bị cho các kế hoạch dài hơi: Asian Cup 2019, vòng loại U.23 châu Á 2018 và SEA Games 2017? Để đến nỗi giờ đây đội tuyển Việt Nam phải cập rập, thiếu hụt lực lượng trầm trọng trước trận tiếp Jordan.

Minh Chung

 

Tin xem nhiều