Báo Đồng Nai điện tử
En

Ba Lan trở thành nước đi đầu châu Âu về dịch vụ lưu trữ tế bào gốc

02:01, 21/01/2020

Ba Lan đã nổi lên trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực lưu trữ tế bào gốc ở châu Âu-ngành dịch vụ trị giá hàng tỷ USD có vai trò then chốt trong việc điều trị các căn bệnh bạch cầu.

Ba Lan đã nổi lên trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực lưu trữ tế bào gốc ở châu Âu-ngành dịch vụ trị giá hàng tỷ USD có vai trò then chốt trong việc điều trị các căn bệnh bạch cầu.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Yahoo)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Yahoo)

Ba Lan đã nổi lên trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực lưu trữ tế bào gốc ở châu Âu. Ngành dịch vụ trị giá hàng tỷ USD này đang được đánh giá đóng vai trò then chốt trong việc điều trị các căn bệnh bạch cầu.

Hiện diện trong máu cuống rốn của trẻ sơ sinh, các tế bào gốc có thể giúp chữa lành các căn bệnh nguy hiểm liên quan tới máu như bệnh bạch cầu hay ung thư bạch huyết, và khắc phục hệ miễn dịch suy yếu. Kể từ ca cấy ghép máu cuống rốn đầu tiên được thực hiện ở Pháp vào năm 1988, ngành dịch vụ lưu trữ tế bào gốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, mang lại hy vọng chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân.

Tại Ba Lan, ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn PBKM/FamiCord đã trở thành đơn vị đi đầu của châu Âu trong ngành dịch vụ này, sau khi công ty Cryo-Save của Thụy Sĩ phá sản vào đầu năm ngoái. Đây cũng là công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ tế bào gốc lớn thứ năm thế giới, sau 2 công ty tại Mỹ, 1 tại Trung Quốc và 1 tại Singapore.

Được bảo quản dài hạn trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -175 độ C, hàng trăm nghìn tế bào gốc được thu thập trên khắp châu Âu đang "nằm chờ đợi" trong các hộp sắt lớn tại phòng thí nghiệm của PBKM nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Vácsava. Mỗi một hộp sắt chứa tới 10.000 túi máu cuống rốn và được bảo quản cẩn thận. Người đứng đầu PBKM cho biết công ty hiện lưu trữ 440.000 mẫu máu cuống rốn, chưa tính các mẫu được chuyển về từ Cryo-Save.

Khi nhu cầu tăng, những mẫu máu này sẽ được sử dụng mà không cần mất công tìm kiếm người hiến tương thích. Đối với các gia đình trả khoản phí ban đầu gần 600 euro (675 USD) và khoản phí 120 euro/năm sau đó để lưu trữ máu cuống rốn của con mình trong khoảng 20 năm, đây được xem là một hình thức "bảo hiểm sức khỏe,” mang lại hy vọng điều trị hiệu quả nhiều căn bệnh.

Hiện một nghiên cứu khác đang được thực hiện để xem xét triển vọng sử dụng tế bào gốc trong việc điều trị các căn bệnh khác, đặc biệt là rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc EuroStemCell cảnh báo nghiên cứu này vẫn chưa có kết luận. Theo nhà nghiên cứu Roger Mrowiec, tế bào gốc có thể mang lại lợi ích trong việc điều trị gần 80 căn bệnh. Tuy nhiên, với sự phát triển y học hiện nay, việc điều trị bằng tế bào gốc mới chỉ đem lại hiệu quả đối với khoảng 10 căn bệnh trong số này, như bệnh bạch cầu hay bại não.

EuroStemCell cũng cảnh báo việc các ngân hàng máu tư nhân quảng cáo các dịch vụ để các bậc cha mẹ đầu tư tiền bạc cho việc lưu trữ máu cuống rốn của con mình phòng khi cần sau này. Theo EuroStemCell, các nghiên cứu cho thấy rất khó có khả năng máu cuống rốn được sử dụng cho đứa con của họ sau này. Một số nước, như Bỉ và Pháp, cũng cảnh báo và cấm việc lưu trữ máu cuống rốn vì mục đích riêng. Tuy nhiên, hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho phép điều này song dưới sự kiểm soát khắt khe./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều