Báo Đồng Nai điện tử
En

Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập cơ chế thương mại mới với Iran

10:04, 17/04/2019

Ngoại trưởng Cavusoglu tái khẳng định lập trường phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các lệnh trừng phạt, đồng thời nhấn mạnh Ankara và nước láng giềng Iran cần duy trì hợp tác.

Ngoại trưởng Cavusoglu tái khẳng định lập trường phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các lệnh trừng phạt, đồng thời nhấn mạnh Ankara và nước láng giềng Iran cần duy trì hợp tác.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp báo ở Ankara. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp báo ở Ankara. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 17-4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đang xem xét thiết lập các cơ chế thương mại mới với Iran, tương tự như hệ thống Công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) do các nước châu Âu thiết lập để tránh các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt hồi năm ngoái đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Ngoại trưởng Cavusoglu tái khẳng định lập trường phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các lệnh trừng phạt, đồng thời nhấn mạnh Ankara và nước láng giềng Iran cần duy trì hợp tác để nâng kim ngạch thương mại song phương lên mục tiêu 30 tỷ USD, gấp 3 mức hiện tại.

Phát biểu họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Iran Javad Zarif đang ở thăm Ankara, ông Cavusoglu nêu rõ: "Cùng với các cơ chế hiện tại, chúng tôi đã đánh giá cách thức có thể thiết lập các cơ chế mới, giống như INSTEX..., cách để có thể loại bỏ rào cản trước chúng tôi và trong lĩnh vực thương mại... Điều quan trọng ở đây là sự đoàn kết và quyết tâm giữa hai nước."

Ngoại trưởng Cavusoglu không nêu chi tiết về các cơ chế mới, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng đồng nội tệ trong thương mại quốc tế. Hồi tháng 10/2017, Ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã chính thức nhất trí giao thương bằng đồng nội tệ hai nước sau thời gian sử dụng đồng euro cho các hoạt động thanh toán trong quá khứ.

Pháp, Đức và Anh đã mở một kênh thanh toán các giao dịch của châu Âu nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương với Iran và tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, được gọi là INSTEX.

Sau khi Mỹ hồi tháng 5-2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/1 đã tuyên bố thiết lập INSTEX nhằm duy trì các hoạt động thương mại với Iran và né tránh cấm vận của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều