Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà sản xuất vũ khí cấp "bằng chứng" tên lửa Ukraine bắn hạ MH17

03:06, 04/06/2015

Hôm 2/6, công ty sản xuất hệ thống vũ khí phòng không Almaz-Antey của Nga vừa đệ trình báo cáo về vụ chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine.

Hôm 2/6, công ty sản xuất hệ thống vũ khí phòng không Almaz-Antey của Nga vừa đệ trình báo cáo về vụ chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine.

Mảnh vỡ máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine (Nguồn: AP)
Mảnh vỡ máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine (Nguồn: AP)

Hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn lời các kỹ sư của công ty cho biết chiếc máy bay bị bắn rơi bởi một quả tên lửa Buk 9М38-М1. Nhiều khả năng nó đã bắn đi từ làng Zaroshenskoye, vùng lãnh thổ do binh lính Ukraine kiểm soát.

Vụ rơi máy bay vào ngày 17/7/2014 đã làm 298 người thiệt mạng. Sau khi máy bay rơi, Liên minh châu Âu đã triển khai lệnh cấm vận nhằm vào các công ty Nga, gồm Almaz-Antey, nơi được cho là sản xuất ra quả tên lửa bắn rơi máy bay.

Tuy nhiên báo cáo của Almaz-Antey chỉ ra rằng quả tên lửa bắn rơi máy bay đã ngừng sản xuất ở Nga khoảng 3 năm trước khi công ty được thành lập.

“Trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra, chúng tôi đã xác định được hệ thống (vũ khí sử dụng trong vụ rơi MH17). Đó là một hệ thống Buk-M1 (NATO gọi là SA-11), một quả tên lửa 9М38-М1 và một đầu đạn 9М314,” kỹ sư trưởng Mikhail Malyshev nói.

Quân đội Nga hiện sử dụng các tên lửa Buk 9M37. Tên lửa được nhận dạng trong báo cáo đã không được sản xuất tại Nga kể từ năm 1999, trước khi Almaz-Antey thành lập vào năm 2002.

Trong khi đó, tính tới năm 2005, Ukraine vẫn còn 991 quả tên lửa 9М38-М1.

“Chúng tôi có chứng cứ kết luận rằng quân đội Ukraine có loại tên lửa này,” Tổng giám đốc Almaz-Antey, ông Yan Novikov, nói trước các phóng viên.

Almaz-Antey đã phát hiện quả tên lửa là 9M38-M1 nhờ phân tích so sánh thiệt hại giữa các đời tên lửa Buk.

“Đặc điểm chủ chốt của tên lửa 9M38-M1 là nó tạo ra một khu vực có hình dao cạo rất đặc trưng, vuông gốc với hướng bay của tên lửa," ông Malyshev nói.

"Đặc điểm này đã được thể hiện rõ trên lớp vỏ máy bay và nhờ đó, chúng tôi đã có thể tính toán quỹ đạo bay của tên lửa, với xác suất cao,” ông nói thêm.

Báo cáo cho biết tên lửa được bắn lên từ vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát. Theo Almaz-Antey, phân tích thiệt hại cho thấy nếu tên lửa bay lên từ Snezhnoye, như Ukraine đã nói, toàn bộ phần trước của khoang lái hẳn đã bị “thổi bay”.

"Hình dao cạo di chuyển từ mũi máy bay tới đuôi, khoét sâu vào phần thân. Động cơ trái, cánh trái và một phần đuôi trái không bị hư hại. Các chuyên gia kết luận rằng quả tên lửa đã cắt ngang đường bay của chiếc máy bay. Và như thế, nó không lao tới từ phía trước mà từ bên cạnh máy bay,” ông Malyshev nói.

Ông cho biết thêm rằng Almaz-Antey sẵn sàng tiến hành kiểm tra trên thực địa cùng các chuyên gia độc lập để xác nhận kết quả phân tích.

"Chúng tôi sẵn sàng tiến hành bắn một quả tên lửa 9M38M1 tại một góc đặc biệt, nhằm vào cùng một mô hình máy bay tương tự,” ông nói.

Almaz-Antey cho biết thêm rằng có nhiều vệ tinh Mỹ đang hoạt động vào thời điểm MH17 gặp nạn và việc công bố thông tin do các vệ tinh này thu được sẽ giúp đỡ cuộc điều tra.

Cuộc điều tra và phân tích dữ liệu của công ty cho thấy tên lửa nhiều khả năng là Buk-M1, thuộc sở hữu của quân đội Ukraine và bắn đi từ làng Zaroshenskoye, vùng lãnh thổ do binh lính Ukraine kiểm soát./.

(VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều