Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên thay đổi cách phân loại rác thải

10:01, 23/01/2022

Đồng Nai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ năm 2008, nhưng hiện chỉ khoảng 30% rác thải được phân loại...

TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường tại TP.HCM
TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường tại TP.HCM

Đồng Nai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ năm 2008, nhưng hiện chỉ khoảng 30% rác thải được phân loại. Nguyên nhân được cho là hạ tầng thu gom, xử lý chưa đảm bảo; ý thức của người dân chưa cao. Mới đây, Sở TN-MT đề xuất giải pháp hỗ trợ túi ny-lông, thùng đựng rác trong 1-2 năm để tạo thói quen cho người dân.

TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường tại TP.HCM, khi dự hội thảo đóng góp ý kiến cho đề án Quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã trao đổi về nội dung này.

 Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý môi trường tại Đồng Nai?

- Tôi cho rằng Đồng Nai là tỉnh làm tốt nhất công tác quản lý chất thải nói chung và CTRSH nói riêng ở khu vực phía Nam. Tỉnh đã thực hiện thu gom gần 100% chất thải sinh hoạt, trong đó tái chế và tái sử dụng đến 85%. Tỉnh đã mạnh dạn đóng cửa nhà máy xử lý, bãi trung chuyển CTRSH không đáp ứng tiêu chí tỉnh đặt ra. Điều này, TP.HCM, Hà Nội chưa làm được. Bãi rác Nam Sơn lớn nhất thủ đô cứ đóng rồi mở, bãi rác ở H.Củ Chi của TP.HCM cũng tương tự, phần lớn chất thải đều xử lý bằng hình thức chôn lấp, rác cao như núi.

 Đồng Nai sắp có đề án quản lý CTRSH, theo ông giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác quản lý?

- Tài chính là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH. Hiện nay, chi phí vận chuyển, xử lý CTRSH chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước chi. Chúng ta mới thu đúng, thu đủ phí vệ sinh môi trường ở các doanh nghiệp, còn với người dân chưa làm được. Một khi kinh phí nhà nước chi chưa đủ, phải chấp nhận đâu đó vẫn có rác thải. Đồng Nai đã nỗ lực rất nhiều, chi phí xử lý chất thải gần bằng TP.HCM; Đồng Nai xã hội hóa rất tốt các khu xử lý CTRSH. Tỉnh chia nhỏ các khu xử lý chất thải, vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa hạn chế tình trạng ùn ứ chất thải trong trường hợp không may khu xử lý gặp sự cố.

 Đồng Nai đã thực hiện phân loại CTRSH hơn 10 năm nhưng hiệu quả chưa cao. Theo ông, cần phải thay đổi điều gì?

- Phân loại CTRSH là chương trình lớn, mục đích là giảm chất thải, giảm chi phí xử lý và thu hồi tài nguyên trong rác. Phân loại rác tại nhà máy dễ hơn ở hộ gia đình nhưng như vậy chi phí sẽ rất cao, ngân sách không gánh nổi. Luật Bảo vệ môi trường vừa có hiệu lực quy định thu phí CTRSH dựa trên khối lượng, điều này khó thực hiện nhưng chắc chắn phải làm để người dân có ý thức giảm phát thải, phân loại rác.

Tôi cho rằng, để phân loại CTRSH tại nguồn đạt hiệu quả cần phải dựa vào  các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân… Chỉ nên phân 2 loại rác, có thể tái chế và các loại rác còn lại. Rác có thể tái chế khi thu gom phải trả tiền lại cho người dân. Phải chuẩn hóa phương tiện thu gom rác, điểm tập kết chất thải. Sau khi ban hành đề án, mỗi địa phương cấp huyện nên chọn một ấp hoặc khu phố, tỉnh chọn một huyện và áp dụng cách làm đa dạng, sau đó đánh giá lại và chọn mô hình phù hợp nhân rộng. Không nên hỗ trợ túi đựng rác 1-2 năm cho toàn bộ người dân, như thế tốn kém, người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ từ chính quyền.

 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định xử phạt lên đến 20 triệu đồng hành vi không phân loại CTRSH, ông có ý kiến như thế nào?

- Tôi cho rằng, quy định này chưa thể áp dụng được. Nhiều hộ gia đình ở thành phố không có chỗ nấu ăn, nói gì phân loại rác. Hơn 50% xe thu gom chất thải ở Đồng Nai chưa đáp ứng yêu cầu. Đại đa số người dân vẫn khó khăn. Chúng ta từ chối thu gom rác thải của hộ dân không phân loại sẽ vô tình làm phát sinh các bãi rác tạm, chính quyền phải đi xử lý. Ngoài ra, ban hành quyết định với mức xử phạt rất cao nhưng người dân không đóng phạt cũng không làm gì được. Xử phạt phân loại CTRSH còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân.

 Ông có suy nghĩ gì khi hiện nay, công nghiệp tái chế là một trong những lĩnh vực được khuyến khích, tuy nhiên chính sách ưu đãi với các cơ sở này chưa có?

- Rác thải là tài nguyên nếu được phân loại, tái chế. Đồng Nai có chủ trương xây dựng cụm công nghiệp tái chế sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở tái chế thực hiện tốt các quy định về môi trường; thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải của người dân. Đồng thời là cơ hội thu hút các dự án sản xuất xanh, sản xuất không phát thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.

Cần có chính sách ưu đãi cụ thể đối với ngành này, có thể là: miễn thuế đất, kết nối để cơ sở tái chế cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất; thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế từ chương trình phân loại CTRSH tại nguồn; thúc đẩy các hoạt động thu hồi, tái chế và tái sử dụng nguyên liệu từ chất thải.

 Xin cảm ơn ông!

Lê An (thực hiện)

Tin xem nhiều