Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó cùng doanh nghiệp

09:08, 01/08/2021

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Đồng Nai khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng khó duy trì, phục hồi sản xuất. Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đã có những trao đổi với Báo Đồng Nai liên quan đến các chính sách, hỗ trợ của tỉnh để cùng DN vượt qua khó khăn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Đồng Nai khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng khó duy trì, phục hồi sản xuất. Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đã có những trao đổi với Báo Đồng Nai liên quan đến các chính sách, hỗ trợ của tỉnh để cùng DN vượt qua khó khăn.

Trong tháng 7-2021, tại Đồng Nai có hàng trăm DN đã triển khai phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sản xuất khiến DN chật vật, chưa tìm ra giải pháp phù hợp.

Kịp thời gỡ khó

 Thời gian qua, nhiều DN đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh. Vấn đề này, tỉnh đã có giải pháp nào để tháo gỡ cho các DN, thưa bà?

- Trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, đối với phương tiện đưa đón công nhân tại các DN đang thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” và phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa nhập khẩu vẫn được lưu thông để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động. Trong quá trình thực hiện, nếu vẫn còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, DN trên địa bàn tỉnh có thể liên hệ trực tiếp với Sở GT-VT để được hướng dẫn chi tiết.

 Gần đây, tại một số công ty thực hiện “3 tại chỗ” đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19, việc xử lý của DN còn lúng túng. Các trường hợp trên nếu xử lý không tốt sẽ trở thành những ổ dịch, tỉnh đã có giải pháp gì để khống chế?

- Qua theo dõi tôi thấy nhiều DN đang áp dụng phương án “3 tại chỗ” đã thực hiện khá tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước khi triển khai các phương án, DN có lấy mẫu test nhanh  sàng lọc Covid-19 cho người lao động đủ điều kiện tham gia làm việc. Trong quá trình triển khai, DN thường xuyên theo dõi sức khỏe người lao động, khi xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế lấy mẫu nhằm kịp thời phát hiện ca nhiễm, báo với UBND huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai hoặc Sở LĐ-TBXH để phối hợp xử lý, ngăn chặn. Bên cạnh đó, cũng có một số DN còn rất lúng túng. Về việc này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì phải tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền giúp DN đang thực hiện “3 tại chỗ” nắm rõ các quy định, phương án phòng, chống dịch để thực hiện cho tốt. Như vậy, nếu không may khi xuất hiện những ca nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng có giải pháp khống chế, dập dịch hiệu quả, ít gây ảnh hưởng cho DN và địa phương.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (TP.Biên Hòa) thực hiện "3 tại chỗ "
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (TP.Biên Hòa) thực hiện "3 tại chỗ "

Thông qua các đơn vị được giao chủ trì như trên, là đầu mối giúp UBND tỉnh tiếp tục sâu sát theo dõi nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN trên địa bàn để tỉnh kịp thời có những chính sách tháo gỡ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

 Hiện nay, mong muốn lớn nhất của các DN tại Đồng Nai là có vaccine Covid-19 để tiêm phòng cho người lao động, hạn chế dịch bệnh lây lan, đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Vậy khi nào tỉnh sẽ có vaccine để tiêm cho người lao động, thưa bà?

- Từ ngày 15-7-2021, Đồng Nai đã triển khai tiêm phòng vaccine đợt 4 cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ y tế. Thời gian tới, tỉnh sẽ được phân bổ thêm vaccine phòng Covid-19, sẽ mở rộng tiêm phòng cho người lao động của các công ty trên địa bàn tỉnh, vì đây là một trong những đối tượng được ưu tiên để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.

Hỗ trợ người lao động

 Thưa bà, Đồng Nai đang tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, nhiều DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, vậy những lao động trở về nơi cư trú liệu có gặp khó khăn?

- Ngày 30-7 vừa qua, UBND tỉnh đã có Văn bản số 9047 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi các sở, ngành, địa phương, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, quy định sẽ giãn cách xã hội thêm 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2-8-2021. Với các DN đang áp dụng “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc cả hai phương án trên nếu gặp vướng mắc, có thể liên hệ trực tiếp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DN nằm trong khu công nghiệp) và Sở LĐ-TBXH (DN ở ngoài khu công nghiệp). UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho hai đơn vị trên chủ trì tổng hợp ý kiến của DN để hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn. Vì vậy, những công ty phải dừng hoạt động trong thời gian tới nên liên hệ trực tiếp với UBND huyện, thành phố nơi đang đặt nhà máy và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai hoặc Sở LĐ-TBXH để sắp xếp đưa lao động về nơi cư trú an toàn.

 DN dừng sản xuất, người lao động về lại nơi cư trú, song người lao động ở những địa bàn đang bị phong tỏa sẽ được sắp xếp như thế nào?

- Như đã nói ở trên, trước khi tạm dừng hoạt động, DN cần liên hệ với hai đơn vị là UBND huyện, thành phố nơi đặt trụ sở, nhà máy và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai hoặc Sở LĐ-TBXH để được hướng dẫn thực hiện các bước cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động khi trở lại địa phương mình cư trú.                                                   

 Xin cảm ơn bà!

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, thời gian giãn cách xã hội kéo dài đến giữa tháng 8-2021, nhiều DN đã cho người lao động tạm nghỉ việc để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến hết thời điểm giãn cách. Theo đó, nhiều người lao động có nguyện vọng muốn về quê ở các tỉnh, thành khác đã tự ý kéo ra đường gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Tỉnh đã yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg “ai ở đâu ở yên đấy” và có khuyến cáo với những người lao động muốn về quê đăng ký với chính quyền địa phương để UBND tỉnh nắm được số lượng, liên hệ với UBND các tỉnh, thành chuẩn bị phương tiện, thực phẩm hỗ trợ người lao động trở về an toàn, thuận lợi. Vừa qua, tỉnh đã liên hệ với một số tỉnh đưa người lao động về đến quê an toàn.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều