Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện các biện pháp cách ly cao hơn một bước

09:03, 29/03/2020

Từ trước Tết Nguyên đán 2020, khi xuất hiện những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), Đồng Nai đã bắt đầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này....

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình

Từ trước Tết Nguyên đán 2020, khi xuất hiện những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) và một số trường hợp tử vong, Đồng Nai đã bắt đầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bạch Thái Bình cho biết, thời điểm đó CDC đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng trong tình huống có ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị các phương tiện, vật tư y tế, truyền thông để người dân hiểu biết về dịch bệnh, không hoang mang và thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh.

* Phòng, chống dịch theo từng cấp độ

* Diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam khi đó như thế nào, thưa ông?

- Thời điểm dịch bệnh Covid-19 mới chỉ bùng phát ở Vũ Hán, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định đây là một loại virus mới, chưa đặt tên cho loại virus này. CDC khi đó dựa vào đánh giá nguy cơ lây lan, độc lực của loại virus mới từ WHO để xây dựng kế hoạch phòng dịch.

Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc có những diễn biến nghiêm trọng. Số người mắc bệnh và tử vong tăng rất nhanh. Lúc đó, WHO đã đánh giá dịch bệnh này có khả năng lây lan nhanh và độc lực mạnh. Bộ Y tế xác định nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam rất cao vì Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc, có quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch với Trung Quốc rất lớn.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh được thành lập. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo.

* Lúc này kịch bản ứng phó với dịch bệnh của tỉnh Đồng Nai ra sao?

- Từ đầu tháng 2, ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh liên tục tổ chức các cuộc họp để bàn các phương án đối phó, đề phòng dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản đối phó ở 4 cấp độ của dịch bệnh theo hướng dẫn của Trung ương, từ một vài trường hợp nhiễm bệnh đến khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng ở mức độ cao hơn. Trước mắt, ngành Y tế đã lên 2 kịch bản chi tiết cho 2 tình huống có khả năng xảy ra cao nhất để chủ động thực hiện là: trường hợp cấp xã, phường, thị trấn có người mắc bệnh nhưng chưa lây lan tại chỗ và trường hợp cấp xã, phường, thị trấn có người mắc bệnh và đã lây lan tại chỗ.

* Những ngày gần đây, khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng tại một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 2 địa phương giáp ranh với Đồng Nai là TP.HCM và Bình Thuận. Giải pháp nào giúp Đồng Nai vẫn an toàn đến thời điểm này, thưa ông?

- Nguyên lý trong phòng, chống những loại dịch bệnh nguy hiểm không có/chưa có thuốc chữa, không có/chưa có vaccine phòng bệnh là cách ly. Khi xác định ca bệnh, phải nhanh chóng khoanh vùng, cách ly những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan từ người này sang người khác. Việc khoanh vùng cách ly có thể thực hiện lên đến 3, thậm chí 4 vòng.

Đồng Nai đã thực hiện rất tốt biện pháp này. Khi có trường hợp nghi ngờ, tiếp xúc với ca bệnh ở địa phương khác, các cơ quan chức năng lập tức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đưa những người có yếu tố nguy cơ đi cách ly. Đồng thời theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp có nguy cơ cao.

* Ông có thể nói rõ hơn về cách làm này?

- Đồng Nai đã vận dụng linh hoạt hướng dẫn của Bộ Y tế về việc cách ly phòng dịch và thực hiện biện pháp cách ly cao hơn một bước so với hướng dẫn của Bộ.

Chẳng hạn, tại thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở 4 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Iran, Bộ Y tế quy định thực hiện cách ly tập trung đối với những người nhập cảnh từ 4 nước này. Đồng Nai cũng thực hiện theo đúng quy định trên nhưng đồng thời thực hiện cách ly tập trung với cả những người nhập cảnh từ Anh, Đức, Pháp, Mỹ. Thông qua phương pháp giải thích, vận động mang tính kiên quyết, những người nhập cảnh từ Anh, Đức, Pháp, Mỹ đã đồng thuận để vào khu cách ly thực hiện nghiêm quy định cách ly, theo dõi sức khỏe đủ 14 ngày.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại nơi ở của những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh 124. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại nơi ở của những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh 124. Ảnh: H.Dung

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện tốt hơn nữa giải pháp này để đảm bảo an toàn cao nhất trong cộng đồng.

* Phòng chống lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế

* Ông có thể cho biết biện pháp bảo vệ nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch, điều trị cho bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm trên địa bàn tỉnh?

- Hơn 3 ngàn nhân viên y tế ở Vũ Hán nhiễm bệnh trong khi chăm sóc, điều trị cho người nhiễm Covid-19 là bài học lớn đối với không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới trong việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.

Điều này đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xác định từ rất sớm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhiều lần chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế bằng mọi biện pháp tốt nhất phải chuẩn bị đồ bảo hộ đầy đủ cho nhân viên y tế.

CDC được giao là đơn vị cung ứng đồ bảo hộ cho nhân viên y tế trong tỉnh nên đã chủ động trong việc mua sắm. Theo đó, trong trường hợp có ca bệnh xác định, những cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với ca bệnh, nhất là trong bệnh viện sẽ được ưu tiên cấp đầy đủ quần áo bảo hộ cao cấp. Những cán bộ, nhân viên y tế của các ban, ngành khác tham gia phòng, chống dịch bệnh cũng sẽ được trang bị trang phục phù hợp, tùy theo tính chất liên quan đến dịch bệnh.

* Công tác chuẩn bị cho xét nghiệm Covid-19 đang thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế Đồng Nai đã chuẩn bị khá chu đáo cho việc xét nghiệm Covid-19 phục vụ mục đích sàng lọc, phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh để cách ly, điều trị.

Tuy nhiên, yêu cầu về phòng xét nghiệm cho loại bệnh truyền nhiễm nhóm A như Covid-19 rất nghiêm ngặt, từ trang thiết bị, phòng ốc đảm bảo các vùng đệm, các dây chuyền một chiều đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học. Qua đó nhằm đề phòng việc lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ, không để phát tán virus ra ngoài phòng xét nghiệm…

Đến thời điểm này, phòng xét nghiệm tại CDC đã cơ bản hoàn tất các yêu cầu cần thiết. Chúng tôi đã cho chạy thử trên sinh phẩm mẫu, cho kết quả ổn định; chạy thử trên mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên để hoàn thiện quy trình. Trên cơ sở đó lập báo cáo, mời Viện Pasteur TP.HCM xuống để thẩm định, trình Bộ Y tế phê duyệt và tiến hành làm xét nghiệm.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều