Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ứng dụng giúp giáo viên kết nối với phụ huynh

11:10, 29/10/2019

Có nên trang bị camera trong lớp học hay không hiện vẫn đang là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nếu không trang bị camera thì làm thế nào để tăng cường sự trao đổi, nắm bắt thông tin giữa nhà trường và gia đình?

Có nên trang bị camera trong lớp học hay không hiện vẫn đang là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nếu không trang bị camera thì làm thế nào để tăng cường sự trao đổi, nắm bắt thông tin giữa nhà trường và gia đình? Dưới đây là những chia sẻ của cô Nguyễn Thị Liễu, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft.

Cô Nguyễn Thị Liễu, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft. ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Liễu, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft. ảnh: NVCC

[links()]* Hiện nay, có nhiều phụ huynh đề xuất việc trang bị camera trong lớp học và trên thực tế tại Đồng Nai nhiều trường đã thực hiện. Ý kiến của cô về vấn đề này như thế nào?

- Cá nhân tôi không cổ xúy việc trang bị camera trong lớp học vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên. Thậm chí, nhiều giáo viên sẽ cảm thấy bị thương tổn khi không được phụ huynh học sinh và ban giám hiệu tin tưởng.

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu khiến phụ huynh yêu cầu trang bị camera trong lớp học là do bị ảnh hưởng tâm lý bất an bởi các vụ việc về bạo hành trẻ, các vụ bạo lực học đường được đăng tải trên các phương tiện truyền thông dạo gần đây. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ việc cá biệt, đúng như câu nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Một nguyên nhân nữa cũng có thể xuất phát chính từ thực tế là những thắc mắc, kiến nghị của phụ huynh ở trường đã không được giải quyết một cách thỏa đáng, kịp thời…

Việc trang bị camera chỉ nên nhằm mục đích quan sát, bảo vệ an ninh, an toàn trường học chứ không phải là để giám sát hoạt động giáo dục của giáo viên.

* Nếu không có camera trong lớp học, phụ huynh nên làm gì để có thể nắm bắt được hoạt động của con ở trường học?

- Thay vì trang bị camera như là một phương tiện quan sát hoạt động của con và “theo dõi” giáo viên, phụ huynh còn có rất nhiều cách để nắm bắt được tình hình học tập, vui chơi của con ở trường. Sau mỗi ngày con đi học về, cha mẹ hãy dành thời gian để hỏi han con về những hoạt động ở trường. Nếu con kể về các hoạt động đó với sự hào hứng, thích thú thì phụ huynh có thể yên tâm. Trong trường hợp con có những phản hồi không tốt, phụ huynh hãy tìm hiểu thêm bằng cách gọi điện, gặp trực tiếp giáo viên để trao đổi. Nếu vấn đề xảy ra nghiêm trọng mà giáo viên giải quyết không thỏa đáng, phụ huynh nên bình tĩnh gặp ban giám hiệu để phản ảnh và cùng tìm cách “gỡ rối”.

Ban giám hiệu không chỉ là người quản lý mà còn phải là người chịu trách nhiệm chính đối với những hành vi không chuẩn mực của giáo viên. Nếu giáo viên có sai sót thì không chỉ giáo viên mà chính ban giám hiệu cũng phải xin lỗi phụ huynh. Trong thực tế, có không ít trường hợp khi phụ huynh bức xúc, tìm đến ban giám hiệu để giải quyết vấn đề thì ban giám hiệu lại tránh mặt. Những lúc đó, giáo viên thường là người phải “chịu trận”.

Ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên thực hiện tốt chuyên môn, nghiệp vụ và những chuẩn mực của nhà giáo thì ban giám hiệu cũng cần phải đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn cho giáo viên, tránh được chuyện giáo viên “giận cá chém thớt”, trút những lo toan, bực dọc lên học sinh và có những hành động không chuẩn mực, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của chính giáo viên đó và nhà trường.

 * Thay vì trang bị camera trong lớp học, giáo viên có thể sử dụng những tiện ích công nghệ thông tin nào để giúp cho phụ huynh nắm bắt được hoạt động của con ở trường?

- Hiện nay, với một chiếc điện thoại thông minh và có kết nối internet, giáo viên có thể tận dụng rất nhiều ứng dụng để tương tác với phụ huynh. Đây hầu hết đều là những ứng dụng hoàn toàn miễn phí và rất phổ biến. Chẳng hạn như các mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber…

Giáo viên có thể tạo group (nhóm) phụ huynh của lớp, chụp hình hoặc quay phim lại các hoạt động ở trường của con để gửi vào nhóm cho phụ huynh biết. Tôi thường khuyến khích giáo viên quay clip vì tính chân thực, sinh động của nó.

Hiện nay, có vài ứng dụng hỗ trợ rất tốt cho hoạt động tương tác với phụ huynh và học sinh. Đó là Class Dojo hay Flipgrid. Đây cũng là những ứng dụng được cung cấp miễn phí cho giáo dục. Giáo viên có thể dùng Class Dojo trong việc quản lý lớp học sáng tạo và chia sẻ những hoạt động của lớp cho phụ huynh cũng như giao tiếp với phụ huynh qua tin nhắn trong ứng dụng.

Với Flipgrid, ngoài việc ứng dụng cho việc tổ chức hoạt động học tập khác nhau, giáo viên còn có thể dùng ứng dụng này để nhận ý kiến hay phản hồi của học sinh sau mỗi bài học bằng chính các clip do các em quay lại (thông qua code mà giáo viên tạo nên). Điều này có thể giúp giáo viên ghi nhận được phản hồi hay những đề nghị của học sinh để điều chỉnh các hoạt động giảng dạy lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Như vậy, chỉ với các ứng dụng công nghệ thông tin miễn phí và dễ sử dụng, phụ huynh hoàn toàn có thể biết được việc dạy và học của giáo viên và con họ…

Bằng những cách làm trên, phụ huynh và giáo viên sẽ có sự thấu hiểu, chia sẻ; đồng thời tăng cường được niềm tin của phụ huynh đối với hoạt động giáo dục của nhà trường. Như thế, không cần thiết phải có camera trong lớp học mà phụ huynh vẫn yên tâm, bản thân giáo viên cũng tự tin, thoải mái để thực hiện trách nhiệm của mình.

*  Xin cảm ơn cô!

Tường Vi (thực hiện)

 

Tin xem nhiều