Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi tin lớp trẻ sẽ xây dựng đất nước giàu đẹp hơn

10:09, 01/09/2019

Hơn 30 năm tham gia quân đội, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín (phường Phú Bình, TP.Long Khánh) đã có nhiều đóng góp cho đất nước cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng ông vẫn luôn truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ và tin tưởng họ sẽ cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín

Hơn 30 năm tham gia quân đội, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín (phường Phú Bình, TP.Long Khánh) đã có nhiều đóng góp cho đất nước cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng ông vẫn luôn truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ và tin tưởng họ sẽ cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Trần Văn Chín đã tham gia gần 100 trận đánh tại Đồng Nai và những tỉnh lân cận. Ở nhiều trận đánh, ông Chín đã gan dạ, xung phong góp phần để đơn vị giành được nhiều thắng lợi vang dội.

* Theo tiếng gọi của Tổ quốc

*  Nhắc đến chiến tranh, nhiều người nghĩ ngay đến mất mát và hy sinh, điều gì khiến ông - một chàng trai mới 17 tuổi đã xung phong vào Đồng Nai tải đạn rồi tham gia quân đội?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại Bình Thuận, nơi chiến tranh diễn ra rất khốc liệt. Từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, tôi đã chứng kiến sự khốn khổ của gia đình, bà con trước cảnh đàn áp của kẻ thù. Lúc ấy trong tôi đã nung nấu ý tưởng, rằng lớn lên mình sẽ tham gia du kích hoặc quân đội để góp phần bảo vệ đất nước.

Hình ảnh những người lính Cụ Hồ anh dũng, sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập cho đất nước đã khiến tôi khâm phục và muốn góp một phần sức lực để đòi lại tự do cho mình, người thân và đồng bào.

Đầu năm 1966, khi 17 tuổi, tôi đã rời gia đình, đến Đồng Nai để tham gia tải đạn dược, lương thực cho bộ đội. Qua vài tháng, trận đánh kết thúc, nhiều thanh niên xung phong trở lại địa phương, còn tôi xin ở lại và nhập ngũ. Con đường binh nghiệp của tôi bắt đầu từ đó.

* Từng tham gia gần 100 trận đánh lớn nhỏ, ấn tượng để lại cho ông là gì?

- Tôi nhập ngũ được gần 1 tháng thì bắt đầu tham gia chiến đấu. Mỗi trận đánh đều để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng khó phai, vì ở đó đều có hy sinh, mất mát. Nhiều đồng đội đã ngã xuống ngay bên cạnh tôi khi còn rất trẻ, có những người chưa kịp có người yêu, hay có những người vừa cưới vợ một vài ngày đã phải ra đi biền biệt nhiều năm để lại con thơ, vợ trẻ và cha mẹ già cùng những ước mơ, hoài bão chưa kịp thực hiện. Nhưng vì thống nhất đất nước, vì tương lai của những thế hệ sau, họ sẵn sàng gác lại những tình cảm riêng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Những người lính ấy đã hy sinh, song đất nước và những thế hệ sau sẽ luôn ghi nhớ công ơn của các anh. Tôi hy vọng tinh thần và ý chí của các anh sẽ được những chiến sĩ trẻ sau này noi theo. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình vì đã chứng kiến được ngày miền Nam độc lập, đất nước thống nhất và phát triển. Mỗi năm đến ngày Quốc khánh 2-9, tôi đều tưởng niệm và nhớ về những đồng đội của mình trong những năm kháng chiến gian khổ.

* Vậy trận đánh nào khiến ông nhớ nhất?

- Trận đánh khiến tôi nhớ nhất là trận Kim Long ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 4-1967. Trận đánh bắt đầu từ 1 giờ sáng, tôi được giao nhiệm vụ vác đạn trung liên để cho một đồng đội khác bắn, trận chiến đang trong thời điểm ác liệt vì lực lượng bên địch rất mạnh thì đồng chí bắn trung liên hy sinh. Mũi tiến công này không kịp chi viện, nếu bỏ trống sẽ bị địch đánh vào khiến trận đánh thất bại.

Trong lúc cấp bách đó, ý nghĩ duy nhất của tôi là phải đánh nhanh, thắng nhanh để các mũi tấn công khác của quân ta có thể thừa thắng xông lên. Sẵn trong người có 3 trái lựu đạn, tôi tiến lên gần giáp lá cà với địch, mở chốt tung tất cả lựu đạn vào giữa đại đội của địch. Gần 30 tên địch đã chết ngay tại chỗ, mở đường cho đơn vị của tôi tiến lên và giành thắng lợi hoàn toàn. Sau trận đánh tôi đã được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

* Năm 1970, trong một trận đánh, ông từng bắn rơi 1 máy bay của địch tại Long Khánh, khiến chúng giảm bớt hung hăng. Ông có nhớ nhiều về sự việc đó?

- Tháng 11-1970, tôi cùng đơn vị tham gia trận đánh tại khu vực nay thuộc phường Xuân Lập (TP.Long Khánh). Địch huy động cả không quân, bộ binh để đánh. Tôi theo dõi thấy chiếc trực thăng UH 1A chở súng và nhiều đồ dùng quân sự tiếp tế cho bộ binh của địch gây nguy hiểm rất lớn cho quân ta. Vì thế, tôi canh đúng lúc chiếc trực thăng này giảm tốc độ và độ cao xuống mức thấp đã nổ súng giết chết phi công và máy bay bị nổ. Sau khi chiếc trực thăng này bị nổ, các máy bay khác không dám ngang nhiên hạ độ cao tiếp tế và quần thảo khu vực trận đánh. Do đó, giúp quân ta giảm được áp lực mũi tấn công trên không, dồn lực đánh bộ binh của địch để giành chiến thắng.

* Hy vọng vào lớp trẻ

* Được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi, cảm xúc của ông khi ấy như thế nào?

- Ngày 19-5-1972, tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cảm xúc khi đó của tôi là rất tự hào và nghĩ rằng mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu được trao tặng. Tôi tự hứa với bản thân và đồng đội đã hy sinh là phải sống, chiến đấu thêm cả phần của đồng đội và thực hiện tiếp mơ ước của họ là giành nhiều thắng lợi, sớm giải phóng miền Nam để người dân cả nước được sống trong hòa bình, ấm no.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín đã tham gia gần 100 trận đánh, phần lớn trên địa bàn Đồng Nai. Chỉ riêng từ năm 1966-1971, ông đã có mặt trong 63 trận, diệt 95 tên địch, bắn rơi 1 máy bay; thu nhiều súng, đạn và đồ dùng quân sự khiến địch nhiều phen phải rút lui trong kinh hãi.

Thời điểm đó, chiến tranh đang trong thời điểm ác liệt, vì địch dồn tất cả lực lượng mạnh nhất của không quân lẫn bộ binh để đánh vào các cơ quan đầu não của Đảng và chính quyền ta ở phía Nam. Đồng thời, chúng không ngừng càn quét, giết chóc các cán bộ, chiến sĩ cách mạng để thị uy nhằm dập tắt ngọn lửa cách mạng đang hừng hực của quân và dân ta. Đảng, chính quyền chỉ đạo lực lượng quân đội phải mở các trận đánh và phải giành thắng lợi để địch bớt hung hăng, rút lui. Sau này, tôi còn nhận được nhiều bằng khen, huân chương của Nhà nước trao tặng vì là người đã nghĩ ra nhiều biện pháp đánh trận nhanh, ít tổn hại nhất và giành được thắng lợi.

Khi hòa bình lập lại, tôi vẫn theo con đường binh nghiệp đến năm 2000 mới nghỉ hưu và đã có 34 năm làm người lính, gắn bó với Sư đoàn 5 (Quân khu 7).

* Theo ông, thế hệ trẻ hiện nay có được sự nhiệt huyết và tấm lòng yêu nước như thời của ông?

- Theo tôi, giới trẻ hiện nay cũng có lòng yêu nước không thua kém gì thế hệ cha ông.Tôi tin khi đất nước cần, các bạn trẻ sẵn lòng vì Tổ quốc mà đóng góp công sức, ý tưởng để bảo vệ và xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh có thể sánh vai với nhiều nước phát triển trong khu vực.

* Là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có nhiều đóng góp cho đất nước, ông mong đợi, nhắn nhủ gì với lớp trẻ hiện nay?

- Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước triển khai đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi thấy đây là việc làm rất thiết thực, mỗi người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ nên học tập Bác để rèn luyện bản thân trở thành những công dân có ý thức, trách nhiệm trong cuộc sống và mỗi công việc mình làm. Dù rằng học Bác rất khó, bởi mỗi việc Bác làm đều là chuẩn mực của đạo đức, song mỗi bạn trẻ hãy cố gắng.

Bản thân tôi đã ở tuổi 73, nhưng tôi vẫn thấy mình phải học tập và làm theo tấm gương của Bác để hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Tương lai của đất nước nằm trong tay thế hệ trẻ.

Thế hệ chúng tôi noi theo truyền thống của tổ tiên đã không quản hy sinh xương máu để giành độc lập, thống nhất đất nước, khắc phục những tàn dư của chiến tranh góp phần xóa đi những mất mát đau thương.

Các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được đào tạo, học tập bài bản, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới. Vì thế tôi cũng như những thế hệ đi trước rất mong các bạn trẻ hãy tiếp nối truyền thống của dân tộc, cùng nhau góp sức đưa Việt Nam thành một quốc gia hùng mạnh.

 Xin cảm ơn ông!

Trong những năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông Trần Văn Chín đã 3 lần được tặng Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng nhì, 2 hạng ba) và tháng 5-1972 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều