Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

09:06, 21/06/2019

Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, sau 44 năm giải phóng, đến nay Xuân Lộc đã trở thành huyện có nền kinh tế phát triển, trong đó nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới. Huyện Xuân Lộc là một trong 2 đơn vị đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014.

Đồng chí Phạm Văn Thuận
Đồng chí Phạm Văn Thuận

Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, sau 44 năm giải phóng, đến nay Xuân Lộc đã trở thành huyện có nền kinh tế phát triển, trong đó nổi bật là phong trào xây dựng nông thôn mới. Huyện Xuân Lộc là một trong 2 đơn vị đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014.

Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận, hiện nay toàn huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, giai đoạn 2018-2025.

Kiên trì với mục tiêu đề ra

* Thưa đồng chí, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở Xuân Lộc như thế nào?

- Có thể nói, để đạt được kết quả trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng của tỉnh thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở là đặc biệt quan trọng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện một cách tập trung, quyết liệt và sáng tạo, luôn đúng với phương châm 4 rõ “rõ việc, rõ người, rõ cách thức và rõ kết quả”.

Tập trung chỉ đạo chặt chẽ từ khâu xây dựng nghị quyết đến việc cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và quyết tâm đeo bám trong tổ chức thực hiện.

Các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy và UBND huyện, hằng tuần đều trực tiếp cùng các ngành xuống địa bàn dân cư, làm việc với hệ thống chính trị các xã, ấp, các tổ trưởng tổ nhân dân, khảo sát thực tế tình hình sản xuất và đời sống nhân dân, công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Qua đó, nắm bắt và chỉ đạo các ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.

Hiện nay, Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây vừa là niềm tự hào, song cũng là trách nhiệm và áp lực lớn đối với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Huyện phấn đấu đến năm 2025 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

* Huyện đã xây dựng thành công nông thôn mới, đời sống nhân dân trong huyện được cải thiện như thế nào, thưa đồng chí?

Huyện Xuân Lộc đang phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 8/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nền tảng, cơ sở để Trung ương đánh giá, xây dựng bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu quốc gia. Đến năm 2025 có 14/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao, có 8/14 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, huyện được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 97-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 60-KH/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Xuân Lộc có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.

Các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện luôn đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan, nhất là công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất có nhiều tiến bộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung thực hiện; năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên; giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng cao (năm 2018 là 148 triệu đồng, tăng 56,4 triệu đồng so với năm 2008).

Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Thu nhập bình quân đầu người từ 11,99 triệu đồng (năm 2008) lên 54,86 triệu đồng (năm 2018). Các tuyến đường giao thông của huyện đều đạt chuẩn theo quy định; đường trục xã, liên xã, ấp, ngõ, xóm được nhựa hóa và cứng hóa đồng thời có lắp đặt hệ thống chiếu sáng.

Toàn huyện còn có 67/73 trường đạt chuẩn quốc gia (bằng 91,78%); 14/14 xã có trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng; 84/84 ấp có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn quy định và 100% chợ đạt chuẩn chợ văn hóa. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo đạt kết quả tốt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 2,01% (trong đó, hộ nghèo A chiếm 1,16%, hộ nghèo B chiếm 0,85%). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Những kết quả nêu trên rất đáng trân trọng nhưng huyện cũng nhận thức được rằng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phía trước còn rất nhiều khó khăn để giữ vững và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt.

Hòa hợp ý Đảng, lòng dân

* Theo đồng chí, đâu là điều tâm đắc nhất của huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới?

- Có thể nói vấn đề tâm đắc nhất chính là sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã nhận thức được xây dựng nông thôn mới là công việc to lớn mà Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể; tất cả vì mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Những con đường tại ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) được xây dựng từ nguồn huy động trong nhân dân. Ảnh: Huy Anh
Những con đường tại ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) được xây dựng từ nguồn huy động trong nhân dân. Ảnh: Huy Anh

Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc, đóng góp kinh phí, công lao động, vật liệu để xây dựng kết cấu hạ tầng; đồng thời tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tham gia xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới khoảng 20.186 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 3.398 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 16,83%), vốn nhân dân 16.788 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 92,28%).

Đặc biệt thông qua tổ chức các đợt ra quân Dân vận khéo huyện đã huy động gần 112 tỷ đồng, 145 ngàn lượt ngày công lao động để làm đường giao thông; xây dựng và sửa chữa trên 1.300 nhà tình thương, nhà tình nghĩa; tặng 600 con giống (dê, bò), 40 ngàn phần quà, 7.500 suất học bổng, xe đạp... cho các hộ gia đình chính sách, người có công với nước, đối tượng yếu thế.

Ngoài ra, quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện phải thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; quyết liệt và kiên trì; sâu sát cơ sở và địa bàn khu ấp; kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế.

* Trong thời gian tới, để xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, huyện sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa đồng chí?

- Ngày 8-1-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-UBND về phê duyệt đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 16-4-2019 về lãnh đạo thực hiện đề án này. Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện, trong đó năm 2019 huyện chọn xã Xuân Định để phấn đấu xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 07-NQ/HU, trong đó phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững là nội dung và động lực để Xuân Lộc tập trung phấn đấu trở thành kiểu mẫu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn huyện. Để thực hiện được nhiệm vụ này, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư phải được phát huy mạnh mẽ; phải có quyết tâm chính trị cao, kiên trì, quyết liệt, đồng bộ; có lộ trình thực hiện phù hợp, không thành tích, nóng vội, không huy động quá sức dân; đảm bảo hài hòa giữa chỉ đạo điểm với triển khai trên diện rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Hằng (thực hiện)

Tin xem nhiều