Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần cả "tâm" và "tầm" trong xây dựng hợp tác xã

09:05, 17/05/2019

Ngoài vai trò là Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, ông Huỳnh Lam Phương còn là Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX Miền Nam (trụ sở tại tỉnh Long An). Ông có hàng chục năm gắn bó với hoạt động cũng như công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, xã viên của HTX.

Ông Huỳnh Lam Phương
Ông Huỳnh Lam Phương

Ngoài vai trò là Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, ông Huỳnh Lam Phương còn là Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX Miền Nam (trụ sở tại tỉnh Long An). Ông có hàng chục năm gắn bó với hoạt động cũng như công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, xã viên của HTX.

Ông Phương đã chia sẻ về những bước thăng trầm trong quá trình phát triển kinh tế hợp tác nói chung, của HTX nói riêng. Theo đó, trong 3 năm trở lại đây, mức độ thành lập HTX mới tăng vọt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân do cả người dân và doanh nghiệp đều mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp. Đây là điều rất đáng vui mừng, song để HTX phát triển bền vững, đòi hỏi phải có cả “tâm” lẫn “tầm”.

 Phát triển đột phá

* Có những khác biệt nào rõ nét sau 15 năm (2003-2018) thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhất là về mô hình HTX?

- Những ai quan tâm và tham gia vào HTX ngay từ những ngày đầu khi Luật HTX ra đời và chính thức có hiệu lực từ năm 1997 đến nay thì mới biết đã có sự thay đổi rất lớn. Về số lượng, cả nước hiện có gần 25 ngàn HTX với trên 10 triệu thành viên, tăng gấp nhiều lần về số lượng. Nhưng quan trọng nhất là về chất lượng thể hiện ở cả người nông dân cũng như đội ngũ cán bộ HTX. Trước đây, hỏi về HTX thì ít ai quan tâm nhưng hiện nay, người dân quan tâm đến HTX và sẵn sàng tham gia HTX.

Gần đây, người dân càng ngày càng gắn bó với HTX; sự gắn bó giữa các thành viên trong HTX đã có sự khác biệt rất lớn so với trước đây. Đặc biệt, sự thành công của các HTX có ý nghĩa rất lớn trong công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về HTX.

Một dấu mốc khác là khi Luật HTX mới được ban hành vào năm 2012 và điều thay đổi đáng kể trong phát triển HTX từ các địa phương là cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới yêu cầu phải xây dựng được mô hình HTX tham gia chuỗi liên kết. Tôi cho rằng đây là thành công lớn nhất.

“Kinh tế tập thể có 2 thành phần, gồm tổ hợp tác là tổ chức giản đơn, ở mức thấp và HTX ở mức cao hơn. Trong đó, các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là cơ sở để hình thành HTX. Kinh nghiệm đúc kết cho thấy những HTX hình thành từ những tổ hợp tác hiệu quả có nền tảng rất tốt vì đã được tập dượt từ quy mô nhỏ đến khi mở rộng”.

* Ông nhìn thấy những điểm yếu nào của HTX khi phát triển một cách nhanh chóng giai đoạn gần đây?

- Điều đáng tiếc ở các địa phương là để đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nên có áp lực phải xây dựng HTX “bằng mọi giá”. Khi mà HTX được thành lập không xuất phát từ nhu cầu có thực của các thành viên thì chắc chắn sẽ không thuyết phục. Qua tổng kết của chúng tôi ở rất nhiều tỉnh cho thấy rằng khi các HTX hình thành như thế, xã viên không gắn bó với HTX và cũng chẳng tham gia góp vốn.

* Đóng góp rõ nét nhất của HTX trong phát triển kinh tế hiện nay là gì?

- HTX đã làm được rất nhiều nhiệm vụ: lo vấn đề vật tư đầu vào, giúp các thành viên bán sản phẩm, trong vay vốn… Đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước của khu vực HTX hiện đạt hơn 4%, con số này chưa cao. Nhưng nếu chúng ta thống kê trên số những thành viên được hưởng lợi từ HTX là rất lớn. Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2020 sẽ có 15 ngàn HTX trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao… Khi xây dựng được những mô hình trên thì mức độ hưởng lợi của cộng đồng còn lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.

* Hội nhập luôn là một thách thức lớn của mọi thành phần kinh tế. Với ông, HTX cần làm gì để khắc phục những điểm yếu của mình?

- Những vấn đề khiến nhiều HTX gặp khó khăn khi bước ra sân chơi lớn là năng lực đội ngũ quản lý có hạn, nhất là về năng lực quản trị, marketing... Theo đó, HTX còn là mắt xích rất yếu trong chuỗi liên kết. Ở đây yếu trong liên kết ngang là giữa các thành viên trong HTX; giữa các HTX với nhau chưa cao. Về liên kết dọc giữa HTX với doanh nghiệp cũng còn lỏng lẻo.

Khắc phục những hạn chế trên thì không có cách nào khác bằng cách nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý; hoạt động của HTX cũng cần được công khai, minh bạch để tạo lòng tin của các thành viên. Các HTX không nên quá trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải tự hoàn thiện, nâng dần nội lực tự thân.

Đồng Nai dẫn đầu phát triển HTX ở miền Nam

“Tôi thấy trong thực tế, nhiều HTX đã quan tâm thu hút nguồn nhân lực trẻ vào HTX. Và đội ngũ trẻ được đào tạo bài bản này đang làm rất tốt. Tất nhiên, hiện nay đã qua thời hô hào, vận động thành viên tham gia theo kiểu “vác tù và hàng tổng” như trước; các HTX phải trả lương cao để thu hút, giữ chân người tài. Nhưng điều quan trọng không kém là phải chọn được người có tâm huyết, gắn bó với HTX”.

* Yêu cầu của HTX kiểu mới là ông chủ nhiệm trở thành giám đốc giỏi về năng lực quản trị cũng như nhanh nhạy về nhu cầu thị trường như một chủ doanh nghiệp. Nhưng mô hình HTX kiểu mới khác gì so với một doanh nghiệp?

- Quan điểm chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo kinh tế tập thể Trung ương là sẽ không có hướng dẫn trong vấn đề chuyển đổi HTX thành doanh nghiệp vì 2 loại hình này có bản chất hoàn toàn khác nhau. Nếu thấy mô hình HTX không còn phù hợp thì nên giải thể để thành lập mô hình khác hợp hơn. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Còn HTX vì lợi ích chung của các thành viên, của cộng đồng. HTX đi tìm nhà cung cấp vật tư có giá tốt nhất không phải để bán lại kiếm lời nhiều mà để các thành viên được mua với giá thấp nhất.

Tuy nhiên, cách quản lý, vận hành của HTX nên học theo mô hình doanh nghiệp với đội ngũ con người có trình độ, có năng lực. Thực tế, tại Việt Nam đã có những HTX có quy mô sản xuất cả ngàn hécta; HTX dịch vụ quy mô cả ngàn tỷ đồng... Những mô hình như vậy đang tiếp tục được nhân rộng. Để trở thành giám đốc một HTX hoạt động tốt đòi hỏi người lãnh đạo không chỉ có năng lực mà phải có cả cái tâm vì cộng đồng.

* Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển HTX của Đồng Nai?

- Đồng Nai đứng đầu về phát triển HTX cả về số lượng và chất lượng trong 20 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam. Tỉnh không thiếu những mô hình HTX sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Tôi từng dẫn 1 đoàn đại biểu của các nước trên thế giới đến thăm mô hình cánh đồng lớn 300 hécta trồng chuối xuất khẩu của HTX thương mại - dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ). Họ đánh giá rất cao về quy mô sản xuất với chuỗi khép kín từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói của đơn vị này không thua gì các mô hình HTX tại nhiều nước trên thế giới.

* Ai cũng nói chính sách hỗ trợ phát triển HTX rất nhiều nhưng không dễ tiếp cận. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- HTX nào tiếp cận được các chính sách hỗ trợ thì chắc chắn HTX đó có điều kiện phát triển để lớn mạnh và không riêng gì các thành viên hưởng lợi mà cả cộng đồng cũng được hưởng lợi. Những điểm còn bất cập về mặt chính sách, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ điều chỉnh trong giai đoạn tới. Tuy nhiên theo tôi quan sát, HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ là cả quá trình làm việc tích cực của ban quản trị, nhất là của người giám đốc. Khó tiếp cận chính sách có nguyên nhân bản thân các HTX cũng chưa đủ lực để tiếp cận, nghĩa là nội tại của các HTX còn yếu kém.

Thực tế, nhiều HTX thành lập mới vào năm 2018 và 2019 có đa số là người trẻ được đào tạo bài bản tham gia. Và các bạn trẻ có khả năng tiếp cận về chính sách tốt hơn so với lớp người đi trước.

* Với vai trò là Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX Miền Nam, theo ông hiện công tác đào tạo cho HTX có gì mới so với trước?

- Chương trình đào tạo về HTX được chúng tôi cập nhật thường xuyên. Trong đó, chúng tôi có nhiều nội dung mới gắn với yêu cầu hội nhập hiện nay như: Luật Kinh tế, quản trị học; kỹ năng đàm phán và ký hợp đồng; quản trị sản xuất; quản trị chất lượng; quản trị tài chính HTX; xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh...

Tại Nhật Bản, họ đào tạo nội dung này từ cấp mầm non, tiểu học để học sinh sớm có ý thức làm việc nhóm; đây cũng là tiền đề để làm việc HTX tốt hơn. HTX đã được đưa vào các chương trình đào tạo của một số trường trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; các trường của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều