Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêm chủng vẫn là biện pháp ngừa bệnh sởi đặc hiệu nhất

09:02, 17/02/2019

Dịch sởi đang trở lại và lây lan nhanh với những diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới. Theo bác sĩ TRẦN MINH HÒA, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, ngoài việc chủ động vệ sinh khử khuẩn môi trường sống, nâng cao sức đề kháng của cơ thể thì tiêm chủng ngừa sởi vẫn là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhất.

Bác sĩ Trần Minh Hòa
Bác sĩ Trần Minh Hòa

Dịch sởi đang trở lại và lây lan nhanh với những diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới. Theo bác sĩ TRẦN MINH HÒA, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, ngoài việc chủ động vệ sinh khử khuẩn môi trường sống, nâng cao sức đề kháng của cơ thể thì tiêm chủng ngừa sởi vẫn là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhất.

* Thưa ông, bệnh sởi được cho là đã loại trừ từ năm 2000, sao hiện nay quay lại và có những diễn biến khá phức tạp?

- Không chỉ Việt Nam, bệnh sởi đang bùng phát trên toàn cầu. Trước đó vào năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần như công nhận đã loại trừ được bệnh sởi vì nhiều năm liên tục các nước có số ca sởi ít hơn 5 ca/100 ngàn dân. Tuy nhiên, những năm sau đó số ca sởi cứ tăng lên và rộ nhất vào năm 2008, 2014 và mới nhất là năm 2018.

Hiện WHO đang đặt vấn đề vì sao vaccine sởi đã có và việc tiêm chủng ngừa sởi được thực hiện từ mấy chục năm qua, sao dịch bệnh sởi vẫn quay lại và bùng phát mạnh mẽ gần như theo chu kỳ 4 năm/lần. WHO cũng quan ngại: trước đây khi tiêm vaccine là miễn dịch suốt đời thì nay, dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đạt tỷ lệ khá cao mà số ca mắc sởi vẫn nhiều.

Vấn đề đặt ra là phải chăng đang có sự suy giảm miễn dịch ở con người hiện nay; hay chủng virus sởi đang có những biến thể hoặc xuất hiện những chủng virus sởi mới mà vaccine phòng sởi hiện nay không đáp ứng miễn dịch suốt đời như trước đây.

* Ông đánh giá diễn biến dịch sởi trên địa bàn Đồng Nai hiện nay như thế nào?

- Đúng là dịch sởi tại Đồng Nai đang có những diễn biến phức tạp. Số ca đang tăng từng ngày và xuất hiện nhiều ca biến chứng nặng. Trước đó vào các năm 2014 và 2015, Đồng Nai tổ chức chiến dịch tiêm chủng ngừa sởi lớn nhất cả nước với 600 ngàn liều tiêm cho trẻ từ 1-14 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Vì thế, năm 2016 toàn tỉnh chỉ có vài ca sởi, sang năm 2017 cũng chỉ khoảng hơn chục ca. Song từ tháng 7-2018 đến cuối năm vừa qua, số ca mắc sởi tăng khá cao.

Một ca sởi biến chứng ở trẻ nhỏ 3 tháng tuổi điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai
Một ca sởi biến chứng ở trẻ nhỏ 3 tháng tuổi điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai

Đặc biệt là đầu năm 2019, từ ngày 1-1 đến 15-2 (trong 45 ngày), toàn tỉnh đã có 500 ca sởi, bình quân mỗi ngày có trên 10 ca sởi nhập viện điều trị. Phần lớn các ca mắc sởi đều chưa được tiêm chủng. Điều đáng nói là trong tổng số ca bệnh, nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và trên 5 tuổi - là đối tượng ngoài diện tiêm chủng mở rộng lại mắc sởi khá nhiều, chiếm đến gần 50% số ca bệnh. Ghi nhận trên địa bàn, ca sởi cao tuổi nhất là bệnh nhân 81 tuổi và ca sởi nhỏ nhất chỉ mới 28 ngày tuổi.

Trước tình hình này, khi Bộ Y tế vào khảo sát tình hình dịch sởi tại Đồng Nai, chúng tôi đã kiến nghị bộ xem xét việc cho tiêm ngừa sởi cho trẻ lúc 6 tháng tuổi, thay vì 9 tháng như hiện nay nhưng chưa được bộ đồng ý. Vì thế, cách duy nhất để phòng bệnh cho trẻ nhỏ tháng (dưới 9 tháng tuổi) là khuyến cáo các bà mẹ trước khi mang thai nên đi tiêm ngừa sởi - rubella để tạo kháng thể cho con hoặc cho trẻ trên 5 tuổi đi tiêm chủng sởi dịch vụ.

* Xin ông cho biết sởi đang diễn biến phức tạp nhất ở địa phương nào trong tỉnh và nguyên nhân là gì?

Những biến chứng nguy hiểm của sởi như: biến chứng gây viêm phế quản - phổi, gây suy hô hấp tử vong nhanh ở trẻ; biến chứng gây viêm màng não, màng tủy khiến bệnh nhân có thể chết do co cứng mất não; biến chứng đường tiêu hóa, tai mũi họng, suy giảm miễn dịch... gây nhiều bệnh lý khác, để lại những di chứng nặng nề cho sức khỏe.

- Hiện Đồng Nai không có những ổ dịch lớn, nhưng ổ nhỏ với 30-50 ca thì địa phương nào cũng có. Trong đó, phức tạp nhất vẫn là huyện Nhơn Trạch với hơn 100 ca (tính từ đầu năm đến nay). Nguyên nhân là do nơi đây có lực lượng lao động lớn, sự dịch chuyển lao động thường xuyên từ nơi này đến nơi kia nên khả năng mắc bệnh cũng cao hơn; nhiều bà mẹ là công nhân thiếu quan tâm đến việc phòng bệnh cho mình và cho con, không cho con tiêm chủng, tiêm chủng không đúng lịch, đúng tuổi... Ngoài ra, TP.Biên Hòa cũng là địa bàn trọng điểm của bệnh sởi.

* Trước tình hình này, ngành Y tế Đồng Nai có những biện pháp nào để khống chế dịch bệnh, thưa ông?

- Trước khi WHO và Bộ Y tế có những nghiên cứu và có những biện pháp phù hợp thì ngành Y tế Đồng Nai vẫn đang nỗ lực truyền thông đến người dân cách nhận biết các dấu hiệu của sởi (sốt, viêm đường hô hấp trên, nổi ban đỏ), cách phòng chống lây lan (vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể), nâng cao sức đề kháng cơ thể (ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện)... thì ngành cũng khuyến cáo người dân nên đi tiêm chủng ngừa sởi.

Đối tượng tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì cần tiêm đúng tuổi, đúng lịch; đối tượng ngoài chương trình nên đi tiêm dịch vụ; bà mẹ trước khi mang thai nên đi tiêm chủng sởi - rubella để tạo kháng thể, bảo vệ trẻ trong giai đoạn từ khi sinh ra đến trước khi đủ tháng tuổi để tiêm chủng (tháng thứ 9). Ngoài ra, để kiểm soát và khống chế dịch sởi, ngành y tế đang tổ chức tiêm vét 220 ngàn liều vaccine sởi cho trẻ trên toàn tỉnh.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều