Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai là hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước

09:02, 15/02/2019

Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương Nguyễn Minh Tiến là người đã theo sát trong các chương trình khảo sát, thẩm định kết quả xây dựng NTM của Đồng Nai suốt nhiều năm qua.

Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương Nguyễn Minh Tiến là người đã theo sát trong các chương trình khảo sát, thẩm định kết quả xây dựng NTM của Đồng Nai suốt nhiều năm qua.

Theo ông Tiến, nhiều địa phương mong muốn đến Đồng Nai học tập cũng như trao đổi kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, vận động để từ đó góp phần cho phong trào NTM của cả nước được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

* Kết quả ấn tượng

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả mà Đồng Nai đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua?

- Đồng Nai là một trong 5 địa phương đầu tàu trong cả nước về phát triển kinh tế - xã hội; tốc độ đô thị hóa và công nghiệp rất nhanh nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh cũng như huyện, xã đều rất quan tâm, chú trọng xây dựng NTM ngay từ những ngày đầu.

Tôi rất ấn tượng vì trước khi có Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban TVTU Đồng Nai đã có chủ trương thực hiện nông thôn mới theo hướng “4 có”: có kinh tế, có kết cấu hạ tầng, có đời sống văn hóa - an ninh, có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Tỉnh cũng đã triển khai quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Và kết thúc giai đoạn 1, Đồng Nai cũng là một trong 12 địa phương được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua là địa phương xuất sắc xây dựng NTM.

Đến thời điểm này, cả nước chỉ có 2 tỉnh Nam Định và Đồng Nai là đạt 100% số xã NTM. Cùng với đó, tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và 3 đơn vị cấp huyện còn lại là TP.Biên Hòa, huyện Tân Phú và Định Quán cũng đang chờ thẩm định hồ sơ để xét công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, nếu trong quý I năm nay, TP.Biên Hòa và 2 huyện còn lại đều được công nhận thì Đồng Nai sẽ là địa phương đi đầu trong cả nước có 100% số xã, huyện được công nhận NTM vào năm 2018. Đây là dấu mốc rất ấn tượng của tỉnh trong 8 năm triển khai xây dựng NTM.

* Về “hậu nông thôn mới” thì sao, thưa ông?

- Đến thời điểm này, ngoài những kết quả đạt được về mặt số lượng, tỉnh có rất nhiều mô hình đi vào chiều sâu và tính bền vững như: mô hình chuyên canh cây ăn quả ở các địa phương; mô hình về cảnh quan gọn gàng; mô hình về nhà máy xử lý chất thải rắn quy mô lớn ở cả những huyện vùng sâu; những mô hình xã hội hóa thể thao, văn hóa ở cấp xã, cấp thôn... Mặt khác, về nhóm tiêu chí về an ninh trật tự, Đồng Nai cũng có nhiều điểm sáng như: mô hình về Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự; việc chú trọng đến các chế độ hỗ trợ cho công an cơ sở…

Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến (thứ 2 từ trái qua) Trưởng đoàn khảo sát thực tế nông thôn mới tại Đồng Nai vào cuối tháng 1-2019
Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến (thứ 2 từ trái qua) Trưởng đoàn khảo sát thực tế nông thôn mới tại Đồng Nai vào cuối tháng 1-2019

Như vậy, đứng trên bình diện 19 tiêu chí cấp xã cũng như 9 tiêu chí cấp huyện, Đồng Nai đã đạt những kết quả rõ nét, đi vào chiều sâu. Quan trọng hơn, chương trình đã tạo được sự hưởng ứng tích cực và chủ động của người dân. Điều đó khẳng định tính bền vững của chương trình.

* Tại sao ông luôn nhấn mạnh Đồng Nai phải luôn chú trọng đến tiêu chí “không ngừng tăng thu nhập cho nông dân”?

- Đây phải là vấn đề quan trọng đặt ra với Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM của tỉnh cũng như các huyện và đặc biệt là 133 xã trong việc rà soát lại thực trạng NTM hiện nay. Vì đối với Đồng Nai, có rất nhiều xã được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí cũ giai đoạn 2011-2015. Theo đó, có trường hợp là một số chỉ tiêu chưa đạt theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, tỉnh phải có kế hoạch tổ chức những đoàn đánh giá, kiểm tra, rà soát lại để tiếp tục đưa ra những giải pháp nâng cao về chất với những xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Với những xã không giữ vững, thậm chí có những chỉ tiêu bị giảm, chúng tôi đề nghị Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh xem xét để có những biện pháp quyết liệt như một số địa phương đã làm là thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, thu nhập của người dân là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc xét lại này. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu góp phần tạo ra dấu ấn để tỉnh đạt mục tiêu đề ra trong năm 2019. 

Đồng Nai là địa phương đầu tiên đã đẩy mạnh việc xây dựng NTM nâng cao và hiện đã có 26 xã NTM nâng cao. Và một số xã đã triển khai NTM kiểu mẫu. Đây cũng là lý do để Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ “đặt hàng” cho Đồng Nai về bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM, nhất là về công tác chỉ đạo trong chương trình tổng kết NTM sẽ tổ chức vào năm 2019. Trên cơ sở đó đưa ra định hướng của NTM sau năm 2020 như thế nào. Đồng Nai được kỳ vọng tiếp tục là ngọn cờ đầu xây dựng NTM của vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước trong giai đoạn sau.

Trong quá trình đi kiểm tra NTM tại Đồng Nai, chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương vẫn tiếp tục giữ vững được các kết quả xây dựng NTM. Tuy nhiên còn một số chỉ tiêu như: tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất là những tiêu chí có mức yêu cầu đạt chuẩn cao hơn theo từng năm; nhất là mục tiêu về phấn đấu có hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đây cũng là thách thức với các xã và chúng tôi cũng rất mong Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh có những giải pháp thiết thực. Chẳng hạn, địa phương cần ưu tiên triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, tập trung xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho các sản phẩm tại địa phương.

* Không giữ vững thành tích, sẽ thu hồi danh hiệu chuẩn NTM 

* Theo ông, Đồng Nai có khả năng về đích trong mục tiêu đạt chuẩn NTM cấp tỉnh vào năm 2019?

- Sau chương trình khảo sát, thẩm định 3 địa phương cuối cùng của Đồng Nai là TP.Biên Hòa, huyện Tân Phú, huyện Định Quán đạt chuẩn NTM vào tháng 1 vừa qua, Đoàn Trung ương đều đánh giá cao quyết tâm xây dựng NTM của 3 địa phương trên. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất để trình hồ sơ lên Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận cho 3 địa phương còn lại đạt chuẩn NTM vào năm 2018. Đây là dấu ấn quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu chung là Đồng Nai đạt tỉnh NTM vào năm 2019.

* Ông có thể nói thêm về việc sẽ thu hồi bằng công nhận với những xã, huyện không giữ được thành quả NTM?

- Đến thời điểm này, cả nước có 3.838 xã đạt chuẩn NTM (đạt trên 43%). Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM quyết tâm phấn đấu đến năm 2019 sẽ hoàn thành các mục tiêu của cả giai đoạn, về đích sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu về mặt số lượng, các địa phương phải đảm bảo nâng cao chất lượng và tính bền vững của NTM.

Do vậy, vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, các địa phương cần rà soát, đánh giá nghiêm chỉnh các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; đặc biệt rà soát lại kết quả cũng như việc nâng chất các xã đã đạt chuẩn NTM.

Hiện nay, một số địa phương như: Hà Tĩnh, Cà Mau... đã thí điểm việc thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM với những xã không giữ vững những kết quả NTM như yêu cầu, nhất là với những chỉ tiêu, tiêu chí quan trọng về: thu nhập, an ninh trật tự, môi trường. Như ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, chúng ta có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc. Do vậy, với những xã, huyện đã đạt chuẩn phải tiếp tục rà soát, không ngừng nâng chất.

* Ông có góp ý gì cho Xuân Lộc trong việc xây dựng huyện NTM kiểu mẫu? 

- Xuân Lộc là một trong 4 huyện được lựa chọn thí điểm thực hiện huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Có thể nói đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm đối với Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. Hiện nay, chúng ta chưa có bộ tiêu chí về huyện NTM kiểu mẫu. Do đó, trong việc thí điểm này, Trung ương đề nghị từng địa phương sẽ lựa chọn một lĩnh vực và một nhóm tiêu chí để tập trung thực hiện, tạo ra các kiểu mẫu điển hình.

Xuân Lộc được lựa chọn làm kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây cũng là lợi thế vì địa phương này đã có rất nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đang hướng tới quy trình khép kín, đảm bảo tính bền vững về mặt môi trường, bền vững về mặt tài nguyên và góp phần nâng cao giá trị gia tăng cả về trồng trọt cũng như chăn nuôi.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều