Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy cứ làm bằng cái tâm, rồi thành quả sẽ đến bất ngờ

10:11, 09/11/2018

Bằng những kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, quản lý, thầy Lê Đức Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) luôn tâm niệm về cách dạy học mới, sáng tạo, làm sao để biến buổi học trở nên thú vị, giúp các em học sinh cảm thấy hứng thú trong việc học.

Bằng những kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, quản lý, thầy Lê Đức Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) luôn tâm niệm về cách dạy học mới, sáng tạo, làm sao để biến buổi học trở nên thú vị, giúp các em học sinh cảm thấy hứng thú trong việc học.

Thầy Lê Đức Dũng còn là người có công lớn trong việc triển khai thành công mô hình trường học mới (VNEN) ở địa bàn vùng xa như huyện Cẩm Mỹ.

* Đổi mới nhưng cần hiệu quả

 Được biết thầy vừa nghỉ hưu từ đầu năm 2018, thầy có thể kể sơ nét về quá trình gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” của mình?

- Tôi bắt đầu với nghề giáo từ năm 1978, khi đó tôi được phân công về dạy tại Trường PTCS Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Vài năm sau, tôi được điều động về công tác tại Nông trường cao su Cẩm Đường (nay thuộc xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) và gắn bó với nơi này từ đó đến nay.

Thời gian đầu đi dạy ở vùng kinh tế mới, cơ sở vật chất nhà trường còn khó khăn, đội ngũ giáo viên cũng ít nên tôi vừa phải đứng lớp vừa kiêm nhiệm nhiều hoạt động khác. Sau một thời gian đứng lớp, tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý suốt những năm còn lại. Tính đến nay, qua nhiều giai đoạn, tôi đã làm Hiệu trưởng của Trường tiểu học Xuân Đường hơn 20 năm trước khi nghỉ hưu theo chế độ.

 Khi áp dụng mô hình VNEN, không ít trường lúng túng, khó khăn trong việc triển khai. Một số trường hợp đành bỏ dở. Tuy nhiên, thầy đã áp dụng thành công mô hình này ở một địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân vì sao?

- Trước hết cần phải hiểu mô hình mới này có cả ưu và nhược điểm, không phải cứ mới là tốt cả. Trường tiểu học Xuân Đường bắt đầu triển khai mô hình VNEN từ năm học 2015-2016. Lúc đó trường tham gia mô hình theo diện mở rộng, tức là trường có quyền từ chối không tham gia. Tuy nhiên, bản thân tôi tò mò về mô hình này và coi đây là cơ hội để cho giáo viên trong trường đổi mới cách dạy nên quyết định tham gia.

Thực sự, khi bắt đầu tham gia mô hình này, tôi vẫn chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của nó. Tôi và nhiều giáo viên trong trường bắt đầu nghiên cứu, học hỏi cách dạy từ các trường thí điểm triển khai mô hình ở địa phương cũng như một số tỉnh lân cận để từ đó hiểu được cốt lõi của mô hình và có hướng triển khai phù hợp với điều kiện trường mình.

 Điểm chính của mô hình VNEN mà một trường học nên quan tâm đầu tiên là gì, thưa thầy?

- Theo tôi, điểm cốt lõi nhất của mô hình VNEN này là cách xây dựng giáo án từ sách giáo khoa một cách sáng tạo để học sinh tiếp cận, hình thành nên các nhóm học tập phù hợp, có thể trao đổi, giúp nhau hiểu bài.

Theo đó, có thể phân học sinh mỗi lớp thành 3 nhóm: nhóm học sinh đã được học, biết trước vấn đề; nhóm học sinh có thể hiểu vấn đề khi được giảng dạy, đọc sách giáo khoa và số học sinh còn lại không thể tự học được từ sách giáo khoa. Trong 3 nhóm này, 2 nhóm học sinh đầu có thể trao đổi với nhau để giải quyết vấn đề, giáo viên chỉ cần kiểm tra, giảng giải thêm để củng cố bài học. Trong khi đó, nhóm thứ 3 đòi hỏi giáo viên sẽ phải tập trung hỗ trợ nhiều hơn.

Điều quan trọng là hiệu quả mà mô hình đem lại chứ không phải áp dụng theo kiểu hình thức, khuôn mẫu tên gọi. Về chức danh trong mỗi lớp, mỗi nhóm, chúng tôi vẫn gọi học sinh là lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó bình thường, chứ không nhất thiết phải đổi tên thành chủ tịch, thành viên hội đồng tự quản nào cả.

 Về phía các giáo viên thì sao?

- Điều quan trọng nhất là phải làm sao để mỗi tiết dạy, giáo viên thấy thoải mái, học trò thấy hứng thú nhất. Để tạo được niềm tin giúp thầy cô đứng lớp phát huy được tất cả sự sáng tạo thì trách nhiệm thuộc về người quản lý. Nếu áp đặt đổi mới sáng tạo bằng những mệnh lệnh sáo rỗng thì giáo viên sẽ tìm cách đối phó làm cho qua chuyện. Do đó, cần có sự đồng thuận giữa người quản lý nhà trường với tâm tư, nguyện vọng của giáo viên mới có thể triển khai thành công.

Thầy Lê Đức Dũng cùng vợ đọc lại những lá thư, lời nhắn gửi của học trò cũ mà thầy cẩn thận lưu lại.
Thầy Lê Đức Dũng cùng vợ đọc lại những lá thư, lời nhắn gửi của học trò cũ mà thầy cẩn thận lưu lại.

Để giáo viên tin tưởng mình, thì trước hết người quản lý cần giảm bớt áp lực đối với giáo viên. Ngoài những buổi dự giờ, hội giảng theo quy định. Mỗi ngày ở trường tôi đều dành thời gian đi vòng quanh các lớp để quan sát các thầy cô giảng bài từ xa, thường mỗi lớp chỉ cần dừng lại khoảng 5-10 phút để theo dõi cách giảng dạy của giáo viên, rồi ghi chú lại vào sổ tay.

Tới buổi sinh hoạt chuyên môn, tôi thường bố trí một số giáo viên dạy tốt thực hành để các giáo viên khác có thể học hỏi được kinh nghiệm ở đồng nghiệp, mà bản thân người quản lý cũng không phải công khai tên những giáo viên chưa đạt. Với những giáo viên chưa quen với cách dạy mới, nhà trường sẽ khuyến khích dạy theo hướng mới từng phần, khi giáo viên đã quen hơn thì dần dần lên thành từng tiết, từng bài giảng…

* Hạnh phúc của người thầy rất giản dị

 Việc học sinh phải học thêm quá nhiều hiện nay có thể tác động tới hiệu quả của mô hình không, thưa ông?

- Tôi cho rằng việc học thêm có thể giúp các em học giỏi, hiểu bài hơn nhưng quan trọng là các em cần mạnh dạn, chủ động hợp tác, điều phối công việc, thể hiện ý kiến của mình trong một tập thể. Đây là điều mà mô hình này hướng tới. Để làm được điều này, giáo viên cần linh động chuyển đổi từ vai trò người theo dõi, giảng dạy thành người trưởng nhóm, điều phối, cùng học sinh tham gia các hoạt động một cách phù hợp.

 Với sự phát triển của mạng xã hội, các kênh giải trí như hiện nay, theo thầy học sinh cần chú ý điều gì?

- Mạng xã hội hay các kênh xã hội phát triển, không thể cấm các em tham gia được mà vẫn cho các em chơi, tham gia, nhưng phải giúp các em nắm được “luật chơi” thế nào là phù hợp, biết được điểm dừng là khi nào. Hơn nữa, cần chọn lọc thông tin giúp các em tự học thông qua những chương trình, cuốn sách yêu thích.

 Trong 40 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, điều gì để lại cho thầy ấn tượng khó quên nhất?

- Đó là những tình cảm, những lá thư mà các thế hệ học trò, thầy cô dành cho tôi. Những lá thư có khi sai lỗi chính tả, chưa tròn vành rõ chữ của những cô bé, cậu bé nhưng trong đó chất chứa những tâm tư, tình cảm rất hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò. Có học sinh thường viết gửi tôi vài dòng chữ nguệch ngoạc để kể về sở thích, ước mơ của mình; có em thì hứa với tôi sẽ thi đậu học sinh giỏi, hay xin lỗi tôi vì đã vi phạm nội quy, còn có những em vẽ cả tranh tặng tôi.

Đến bây giờ, khi tôi đã nghỉ hưu, có học sinh cũ đã thành đạt còn viết thư kể lại cho tôi những câu chuyện mà ngày xưa chính tôi đã kể cho các em nghe dưới sân cờ…

 Thầy có nhắn gửi gì với các bạn trẻ, nhất là với những giáo viên trẻ mới vào nghề?

- Tôi vẫn thường bảo với vợ, con tôi rằng mỗi người có một cuộc đời, một quan niệm về hạnh phúc riêng. Hãy làm sao để cuộc đời mình thấy hạnh phúc. Niềm vui của mỗi người như một chiếc bình điện, khi cạn năng lượng thì cần sạc lại bằng những đam mê, mục tiêu mới. Tôi quan niệm, mình cứ làm việc bằng hết đam mê trong sức lực của bản thân để trước hết mình cảm thấy vui với những gì mình đã làm, tự mình làm mới mình, đừng so đo, nặng về kết quả đạt được, rồi từ từ kết quả bất ngờ cũng sẽ đến.

 Xin cảm ơn thầy!

Với những đóng góp của mình, thầy Lê Đức Dũng là một trong 64 giáo viên trên cả nước được Bộ GD-ĐT vinh danh người tốt - việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học trong năm học 2016-2017. Trước đó, thầy cũng nhận được nhiều bằng khen vì đạt thành tích trong công tác GD-ĐT, trong phong trào Thi đua yêu nước góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc... từ Trung ương đến địa phương.

Hải Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều