Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu biết văn hóa để bán hàng ở UAE

08:06, 23/06/2018

Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam vào Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tăng cao, trong đó có sự góp sức không nhỏ của ông Lê Phương, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE.

Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam vào Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tăng cao, trong đó có sự góp sức không nhỏ của ông Lê Phương, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE.

Ông đã hỗ trợ các doanh nghiệp tìm đối tác liên kết mua bán hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp Đồng Nai cũng nhờ ông làm cầu nối để mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo ông Phương, thị trường UAE vẫn còn nhiều tiềm năng.

* Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa

 Hiện nay, những doanh nghiệp Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung rất muốn mở rộng xuất khẩu vào thị trường UAE nhưng kim ngạch chưa được như kỳ vọng, theo ông là do đâu?

- Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE đạt hơn 5,6 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 5 tỷ USD. Theo tôi, UAE là thị trường mở, tiêu dùng nội địa phần lớn là nhập khẩu, do đó những mặt hàng có sức mua lớn hầu hết có mức thuế xuất, nhập khẩu rất thấp, chỉ từ 0-5% nên khá thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào. Bên cạnh đó, số lượng người nhập cư và khách du lịch đến nơi này rất đông nên nhu cầu sản phẩm hàng hóa đa dạng cả về chất lượng và chủng loại.

Tăng trưởng kinh kế hàng năm của UAE khá cao, đặc biệt là các lĩnh vực: dầu khí, điện, du lịch, bất động sản, xây dựng... nên luôn cần nhập khẩu một lượng hàng lớn, phong phú, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt đã bán sang thị trường này hơn 100 mặt hàng khác nhau. Khoảng 2 năm nay, các doanh nghiệp bắt đầu chú ý khai thác thị trường này, có khả năng trong thời gian tới số lượng các mặt hàng xuất vào thị trường này sẽ còn tăng cả về số lượng lẫn kim ngạch. Đây là thị trường dễ tiếp cận và khá nhiều tiềm năng.

 Vì sao UAE được đánh giá là thị trường tái xuất lớn thứ 3 trên thế giới sau Singapore và Hong Kong, thưa ông?

- Trong hoạt động thương mại, UAE là cửa ngõ quan trọng để trung chuyển hàng hóa vào khu vực châu Phi, châu Âu và toàn khu vực Trung Đông. Vì thế, doanh nghiệp Việt xuất được hàng hóa vào thị trường này có rất nhiều cơ hội để đưa hàng hóa sang các nước châu Phi, châu Âu. Châu Phi là thị trường khá tốt, song các doanh nghiệp chưa xuất được nhiều hàng hóa vào. Sở dĩ UAE được coi là thị trường tái xuất lớn vì khoảng 80% hàng hóa nhập khẩu vào được tái xuất qua các nước khác.

 Những mặt hàng nào thị trường UAE đang cần nhập khẩu nhiều?

- UAE nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng tiêu dùng như: may mặc, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, giày dép... Từ lâu thị trường UAE được đánh giá có tiềm năng rất lớn với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và đang bù lại cho những thị trường chúng ta đang phải nhập siêu nhiều.

Điều thuận lợi nữa là chính sách của UAE đang định hướng mở rộng hoạt động và phát triển thị trường sang khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Vì thế, thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại UAE tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa sang thị trường trên.

Thời gian tới, doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng nông sản và vật liệu xây dựng. Với hàng nông sản, UAE nhập khẩu nhiều rau, củ, quả, hạt điều, tiêu, ngũ cốc và trái cây. Ngoài ra, thủy sản cũng là mặt hàng các doanh nghiệp UAE đang tìm đối tác để tăng nhập khẩu. Những năm gần đây, UAE triển khai hàng loạt những dự án lớn lên đến hàng chục tỷ USD về hạ tầng kỹ thuật, du lịch, bất động sản nên nhu cầu nhập vật liệu xây dựng cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới với các sản phẩm sắt thép, xi măng, đá, sản phẩm trang trí nội thất khách sạn, nhà hàng.

 Những loại trái cây của Việt Nam đã vào được thị trường UAE?

- Đến thời điểm này đã có gần 10 loại trái cây của Việt Nam tiếp cận được thị trường UAE như: chuối, nhãn, măng cụt, xoài, thanh long, chôm chôm, chanh không hạt... Riêng chanh không hạt, hàng Việt Nam tại thị trường này chiếm gần 90% sản lượng tiêu thụ. Người tiêu dùng ở đây rất ưa thích các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam. Nước ta vẫn còn nhiều loại trái cây khác có số lượng lớn nên doanh nghiệp có thể tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để tiếp tục tăng chủng loại và sản lượng xuất khẩu.

* Nên chú ý về văn hóa

 Người dân của UAE chủ yếu theo đạo Hồi. Khi xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần lưu ý những gì, thưa ông?

Người dân ở UAE có mức thu nhập khá cao, bình quân hơn 400 triệu đồng/người/năm nên nhu cầu mua sắm rất lớn. Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa. Kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam khá tốt tại UAE là các hệ thống siêu thị Union Corps, Al Maya, Choithram...

- Theo tôi, khi xuất khẩu vào UAE, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tránh những điều cấm kỵ của người đạo Hồi để không gây phản cảm cho đối tác. Cụ thể như: không nên hỏi về gia đình, không sử dụng đồ uống có cồn, thịt heo; nam giới không bắt tay hay tiếp xúc với phụ nữ...

Ngoài ra, nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu vào thị trường trên phải có giấy chứng nhận Halal (là những sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống và sử dụng). Có được chứng nhận Halal, hàng hóa của doanh nghiệp Việt không chỉ vào được UAE mà còn có cơ hội mở rộng ra gần 50 quốc gia theo đạo Hồi khác. Hiện số người theo đạo Hồi chiếm gần 1/3 dân số thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xâm nhập thị trường UAE cũng nên hiểu rõ tập tục nơi này là các doanh nghiệp UAE chỉ  làm việc đến khoảng
14-15 giờ, nghỉ làm việc vào thứ sáu và thứ bảy hàng tuần.

 Đã từng giúp nhiều doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa vào UAE, ông còn những trăn trở gì muốn nhắn nhủ với doanh nghiệp Đồng Nai cũng như cả nước - những người đang muốn đưa hàng hóa vào UAE?

- Mong muốn của tôi là doanh nghiệp trước khi đưa hàng hóa vào UAE để xúc tiến thương mại nên tìm hiểu kỹ văn hóa, khảo sát thị trường để biết mặt hàng của mình có phù hợp hay không và nhu cầu tiêu thụ.

Về khảo sát thị trường, có thể thông qua tham gia các hội chợ, hội thảo tại nước bạn hoặc có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại UAE để được hỗ trợ. UAE là nơi tổ chức hội chợ nhiều nhất thế giới và mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ. Do đó, đưa sản phẩm đến giới thiệu tại hội chợ thì doanh nghiệp có cơ hội tìm được những đối tác từ những nước khác trên thế giới.

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường trên, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm ứng dụng thương mại điện tử vì những năm gần đây lĩnh vực này rất phát triển. Khi đã ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa vào UAE, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến bảo quản chất lượng, thiết lập chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường UAE nên sử dụng một đại lý hoặc nhà phân phối  để ký hợp đồng mở văn phòng, chi nhánh đại diện hoặc liên kết với đối tác ở nước sở tại để thành lập công ty song họ phải nắm 51% cổ phần. Sản phẩm ghi trên bao bì và quảng cáo  phải sử dụng ngôn ngữ Ả Rập.

 UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam. Với vai trò hiện tại, ông sẽ làm gì để tiếp tục thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này?

- Nhiệm vụ cũng như mong muốn của tôi là làm sao giúp các doanh nghiệp trong nước tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Thời gian qua, tôi cùng các cán bộ, nhân viên trong thương vụ liên tục cập nhật các thông tin về thị trường, chính sách liên quan để giúp doanh nghiệp chủ động hơn. Thương vụ cũng chủ động tìm các đối tác đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để kết nối với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, thương vụ cũng kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tháo gỡ những khó khăn trong tranh chấp thương mại nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích