Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh: Mong nghề điêu khắc đá của Đồng Nai được bảo tồn

08:06, 02/06/2018

Không sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Minh lại chọn lập nghiệp ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). Ông cũng là một trong số ít nghệ nhân điêu khắc đá của Việt Nam đạt được khá nhiều kỷ lục, trong đó có 1 kỷ lục thế giới và 5 kỷ lục quốc gia.

Không sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Minh lại chọn lập nghiệp ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). Ông cũng là một trong số ít nghệ nhân điêu khắc đá của Việt Nam đạt được khá nhiều kỷ lục, trong đó có 1 kỷ lục thế giới và 5 kỷ lục quốc gia. 

Mong muốn của ông là có thể lưu lại được truyền thống văn hóa trong mỗi tác phẩm và giúp cho nghề này ngày càng thăng hoa.

* Mê điêu khắc từ nhỏ

 Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề điêu khắc đá?

- Quê Nam Định của tôi có nghề điêu khắc đá và từ nhỏ tôi đã rất mê nghề này. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại lén gia đình theo chân các thợ điêu khắc đá để xem họ chạm trổ ra những tác phẩm trang trí trong nhà, sân vườn, đình chùa, miếu. Mơ ước từ nhỏ của tôi là khi lớn lên sẽ theo học nghề điêu khắc để có thể tự tay mình tạo ra những tác phẩm đẹp.

Khi lớn lên, trong khi các bạn đua nhau thi vào các trường đại học thì tôi lại khăn gói đi theo các bác thợ cả học nghề điêu khắc đá. Lúc ấy bạn bè và gia đình đều khuyên tôi không nên theo nghề này vì suốt ngày phải lăn lộn với những tảng đá bụi bặm. Song điêu khắc đá đã trở thành ước mơ nên tôi bỏ ngoài tai những lời khuyên và quyết tâm theo nghề. Tôi theo những bác thợ cả 6 năm liền mới học được nghề điêu khắc đá. Sau khi học xong, tôi rời quê vào TP.Hồ Chí Minh làm việc.

 Vì sao ông lại chọn Đồng Nai là nơi dừng chân để thành danh?

Ông Nguyễn Văn Minh được UNESCO phong tặng Nghệ nhân vào năm 2014 và tỉnh phong tặng Nghệ nhân năm 2015. Ngoài 6 tác phẩm được công nhận kỷ lục ông còn có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai trong nhiều năm. Sản phẩm của ông đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

- Sau khi vào TP.Hồ Chí Minh và làm việc trong một số cơ sở điêu khắc, tôi bắt đầu tìm hiểu nghề và biết được Đồng Nai là cái nôi nổi tiếng với nghề điêu khắc đá hàng trăm năm. Tôi đã tìm đến học hỏi và tìm hiểu thêm nghề điêu khắc đá tại Biên Hòa. Càng tìm hiểu, tôi lại càng mê mảnh đất phóng khoáng có nền văn hóa lâu đời với nhiều nghề truyền thống nổi tiếng. Thế là tôi khăn gói về Đồng Nai mở xưởng sản xuất, lấy tên là Lưu Sơn.

Những ngày đầu mới về Biên Hòa lập nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì nơi đây từng nổi tiếng với nghề chạm trổ đá, có những cơ sở sản xuất tại Bửu Long đã truyền qua nhiều đời và có thâm niên hàng trăm năm. Ban đầu không có người tìm đến cơ sở tôi đặt hàng nên tôi tự tìm đến họ và thuyết phục bằng chính những tác phẩm của mình. Dần dần, tôi đã nhận được các đơn hàng cả trong và ngoài tỉnh.

 Đồng Nai là nơi nổi tiếng với nghề điêu khắc đá truyền thống có bề dày lịch sử hơn 300 năm, nhưng những năm gần đây đã mai một dần. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?

- Có 3 nơi nổi tiếng nhất trong nước với nghề điêu khắc đá là: Phụng Châu (Hà Nội), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Bửu Long (Đồng Nai). Theo nghiên cứu của tôi, nghề điêu khắc đá của Bửu Long không chỉ nổi tiếng trong nước mà ở cả nước ngoài. Những tác phẩm làm từ đá của Đồng Nai đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được đánh giá rất cao. Những nghệ nhân đi trước  đã  khắc họa lên các tác phẩm mang tính nghệ thuật, phản ánh văn hóa cũng như đời sống của người Việt Nam một cách chân thật và sắc nét. Để từ đó những cây lá, cỏ hoa đến muông thú được thổi hồn vào đá tạo nên những tác phẩm đặc sắc mang hơi thở của cuộc sống, của đất và người Đồng Nai.

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề điêu khắc đá ở Bửu Long mai một dần là vì lớp sau người theo nghề không còn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhập khẩu các loại máy móc về để sản xuất giảm bớt sức người mà vẫn cho ra nhiều sản phẩm. Máy móc giúp các cơ sở làm được các đơn hàng lớn nhanh, rẻ nhưng tác phẩm làm ra thiếu bàn tay con người trau chuốt từng chi tiết nên không đưa được nét đặc trưng và cái hồn của điêu khắc đá Đồng Nai. Người chơi đá chạm khắc hầu hết đều có am hiểu nhất định về loại hình nghệ thuật này nên khi không thấy được cái hồn trong mỗi tác phẩm, họ sẽ chán và tìm đến những nơi khác để đặt hàng. Đây cũng là điều khiến nghề điêu khắc đá của Bửu Long mai một dần.

* Góp phần giữ nghề truyền thống 

 Không phải người sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, nhưng vì sao ông lại đau đáu muốn giữ nghề điêu khắc đá truyền thống của Bửu Long?

- Tuy không sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai nhưng tôi đã chọn nơi này để dừng chân và lập nghiệp. Mảnh đất mến người nơi đây đã giúp tôi thành danh và tôi coi Đồng Nai là quê hương thứ 2 để gắn bó. Vì vậy, trong tôi luôn đau đáu một điều là phải góp phần giữ lại nghề điêu khắc đá có bề dày lịch sử 320 năm.

Tiếp nối những nghệ nhân đi trước đưa văn hóa dân gian của Đồng Nai, Việt Nam vào mỗi tác phẩm để lưu lại cho mai sau, cơ sở của tôi đã từng đào tạo hơn 100 thợ điêu khắc đá. Có những người ở lại làm nghề cùng tôi, có những người sau khi thành thợ giỏi đã về quê mở cơ sở riêng để làm. Và điều khiến tôi tự hào là mình đã truyền lửa yêu nghề được cho các thợ do tôi đào tạo.

 Là một trong số ít nghệ nhân điêu khắc đá của Việt Nam có nhiều tác phẩm được công nhận là kỷ lục quốc gia và thế giới. Ông có thể nói rõ về những tác phẩm đạt kỷ lục?

- Tác phẩm điêu khắc từ đá của tôi có nhiều loại như: tượng, vật phẩm phong thủy, sản phẩm trang trí nội, ngoại thất. Tính đến nay tôi đã có 1 tác phẩm tượng Phật ngọc được Hiệp hội Kỷ lục thế giới công nhận là bức tượng ngọc khối lớn nhất thế giới. Bức tượng này được làm từ ngọc khối nặng 11,5 tấn, sau khi được chế tác hoàn thành còn 6,8 tấn. Bức tượng này tôi đã cùng với 20 học trò làm trong khoảng 20 tháng và hoàn thành vào năm 2012. Hiện bức tượng Phật ngọc này được đặt tại một ngôi chùa ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). 

Đồng thời, tôi cũng có 5 tác phẩm đạt kỷ lục quốc gia là: bức tượng Đức Thánh Trần, 3 bức tượng tam tòa thánh mẫu, ấn Trần triều, bảo ấn ngọc Phật, rồng đá song long ngự thế làm bằng đá xanh Bửu Long. Trong đó 3 tác phẩm đạt kỷ lục quốc gia đều đặt trong chùa ở Đồng Nai, 1 tác phẩm đặt ở chùa thuộc tỉnh Nam Định và 1 tác phẩm đặt ở TP.Hồ Chí Minh. Tất cả những tác phẩm đạt kỷ lục trong nước và thế giới của tôi đều làm từ ngọc bích và đá.

 Theo ông, những bạn trẻ học nghề điêu khắc đá muốn thành công cần những yếu tố nào?

- Như tôi đã nói, nghề điêu khắc đá rất vất vả nên người theo nghề muốn thành công phải có lòng đam mê, tính kiên nhẫn, chịu được cực khổ và chút năng khiếu. Bởi nghề này muốn học được thành thợ phải mất 5-6 năm liền. Hội tụ được 4 yếu tố trên sẽ giúp bạn trẻ theo nghề dễ thành công. Sở dĩ người theo nghề này cần có năng khiếu là để khi nhìn một tảng đá hay những nguyên liệu khác có thể hình dung ra tác phẩm mình sẽ làm như thế nào là đẹp nhất và phải thổi hồn cho tác phẩm của mình để mang sắc thái riêng.

Ngoài ra, bạn trẻ theo nghề điêu khắc đá phải chịu khó đọc, tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân gian của từng vùng trong cả nước để đưa vào mỗi tác phẩm của mình. Có như vậy, mỗi tác phẩm làm ra mới sinh động.

 Ông còn những tâm nguyện gì với nghề điêu khắc đá mà chưa thực hiện được?

- Mong muốn của tôi là sẽ tiếp tục đưa ra thị trường nhiều tác phẩm điêu khắc từ đá, ngọc mang đậm nét văn hóa của Đồng Nai và nhiều miền quê trong cả nước. Đồng thời có thể đào tạo ra những thợ giỏi có thể kế nghiệp và giữ được nghề điêu khắc đá nổi tiếng của Đồng Nai và đưa nghề thăng hoa đến được với người mê điêu khắc trong và ngoài nước.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích