Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn du khách tiêu tiền, phải có sản phẩm du lịch đặc sắc

08:06, 16/06/2018

Nhiều năm gắn bó với ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đã tham gia tư vấn cho nhiều địa phương doanh nghiệp trên lĩnh vực này. Theo bà, muốn du khách đến tham quan và tiêu tiền nhiều thì phải có những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Nhiều năm gắn bó với ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đã tham gia tư vấn cho nhiều địa phương doanh nghiệp trên lĩnh vực này. Theo bà, muốn du khách đến tham quan và tiêu tiền nhiều thì phải có những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Khoảng 2 năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 60%. Lượng khách du lịch trong nước cũng tăng khá cao. Tuy nhiên, có một thực tế là không chỉ khách nước ngoài đến Việt Nam mà ngay cả khách trong nước đi du lịch vẫn chi tiêu chưa nhiều. Các khoản chi tiêu của khách du lịch phần lớn là dành cho những khoản cơ bản như: phương tiện đi lại, ăn uống, lưu trú... khiến cho doanh thu từ du lịch của Việt Nam còn ít ỏi.

* Nằm trong tầm tay

 Theo bà, do đâu du khách chi tiêu còn ít?

- Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao. Cụ thể, trong 2 năm 2016, 2017 và trong 5 tháng đầu năm 2018 khách nước ngoài đến Việt Nam tăng 30%. Như vậy, chỉ trong hơn 2 năm nay lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta đã tăng gần 2 lần. Đây là nỗ lực lớn của ngành du lịch Việt Nam.

Theo điều tra riêng của Tổng cục Du lịch thì mỗi khách quốc tế đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 1.300 USD/người, so với bình quân trong khu vực thì không phải là quá thấp. Thế nhưng trong cơ cấu chi tiêu chủ yếu dành cho ăn uống, đi lại, lưu trú, còn dành cho vui chơi giải trí, mua sắm đồ lưu niệm chỉ chiếm hơn 20%. Trong khi khách đến các nước khác trong khối ASEAN như: Malaysia, Singapore, Thái Lan... chi phí dành cho vui chơi giải trí, mua hàng hóa, đồ lưu niệm khoảng 50-60% trong cơ cấu chi tiêu. Điều này cho thấy nếu chúng ta có những hàng hóa, dịch vụ vui chơi giải trí tốt, khách sẽ tăng chi tiêu và doanh thu từ du lịch của Việt Nam sẽ tăng cao.

 Vậy du lịch Việt Nam cần làm gì để khách quốc tế đến Việt Nam sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu nhiều hơn?

- Theo tôi, lý do khiến khách nước ngoài đến Việt Nam chi tiêu cho mua sắm, vui chơi giải trí chưa nhiều là vì chúng ta chưa có những sản phẩm du lịch đặc sắc nên họ chủ yếu ngắm cảnh, ăn uống, nghỉ ngơi rồi về.

Muốn khắc phục được những điểm yếu trên thì các địa phương nên chú ý phát triển các làng nghề truyền thống để đưa ra thị trường những sản phẩm lưu niệm riêng biệt, hấp dẫn, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, có thể giới thiệu, bán các đặc sản địa phương. Tại những khu du lịch nên có những điểm vui chơi giải trí mới lạ, cuốn hút. Như vậy, không chỉ khách quốc tế đến Việt Nam mà ngay cả khách du lịch trong nước cũng sẽ mạnh tay chi cho vui chơi, giải trí và mua sắm nhiều hơn.

Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới đã miễn visa cho 60-100 nước nên lượng du khách quốc tế đến du lịch tăng nhanh. Trong bảng xếp hạng thị trường du lịch thế giới, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch và xếp thứ 30 về tài nguyên văn hóa du lịch.

 

Ngoài các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương, theo bà, còn những mặt hàng nào của Việt Nam có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mua sắm?

- Tôi nghĩ Việt Nam từ trước đến nay có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu qua các nước rất tốt như: may mặc, giày, dép, túi xách, nông sản... Nếu chúng ta nghiên cứu sản xuất hàng hóa tiêu dùng các loại đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế thì có thể kích cầu tiêu thụ được một lượng hàng lớn. Đây là kênh tiêu thụ rất tốt vì dự kiến năm nay và năm tới Việt Nam đón gần 20 triệu lượt khách quốc tế và 75 triệu lượt khách nội địa. Bán được nhiều hàng tiêu dùng cho khách quốc tế cũng là một hình thức xuất khẩu tại chỗ giúp chúng ta tăng kim ngạch, bớt nhiều công, chi phí xúc tiến thương mại, vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài.

 Mục tiêu của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, liệu có thành hiện thực?

- Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì năm 2018, Việt Nam sẽ đón được 17 triệu khách quốc tế và mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 20 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn nằm trong tầm tay. Mặc dù vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng xác định du lịch là ngành rất nhạy cảm, cũng có thể do những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến khách quốc tế, nhưng đó là yếu tố khách quan. Còn về cơ bản, ngành du lịch vẫn tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

* Miễn visa để thu hút khách quốc tế

 Để thu hút du khách quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã miễn thị thực (visa) cho khách, nhưng tại Việt Nam việc này vẫn bị siết chặt?

- Thực tế việc cấp visa cho khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây cũng đã được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã áp dụng miễn visa cho công dân của 23 nước và áp dụng visa điện tử cho 49 nước, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, ngành du lịch đã kiến nghị các bộ, ngành miễn visa thêm nhiều nước, kéo dài thời gian cho khách quốc tế ở Việt Nam, tiếp tục mở rộng áp dụng visa điện tử cho nhiều quốc gia để tạo thuận lợi cho du khách.

Việc mở rộng các hình thức miễn visa hay áp dụng visa điện tử lệ thuộc vào Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nên ngành du lịch yêu cầu mở rộng để khách quốc tế đến Việt Nam thuận lợi và dễ dàng hơn. Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá nằm trong nhóm 35 nước đứng đầu thế giới về tài nguyên thiên nhiên du lịch.

 Hiểu về Đồng Nai khá rõ, bà đánh giá tiềm năng du lịch của tỉnh như thế nào?

- Tuy là tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu Việt Nam nhưng Đồng Nai cũng là nơi có nhiều phong cảnh sông, hồ, thác, rừng, núi rất đẹp có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Đây là tiềm năng lớn nếu khai thác tốt sẽ đem lại doanh thu cao cho tỉnh. Hiện nay, xu hướng của nhiều khách du lịch quốc tế, nội địa muốn đến những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp để nghỉ dưỡng.

Đồng Nai nên nắm bắt nhu cầu này để phát triển nhiều khu, điểm du lịch và kết nối thành tour, tuyến giới thiệu cho các công ty lữ hành để đưa khách đến tham quan.

 Lượng khách du lịch trong và ngoài nước thời gian qua đến Đồng Nai tăng khá cao, nhưng doanh thu từ du lịch còn ít. Theo bà, Đồng Nai nên làm gì để tăng doanh thu từ du lịch?

- Thực ra đây là việc không chỉ Đồng Nai quan tâm mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đang tìm các giải pháp để thu hút khách tham quan đến các khu du lịch trên địa bàn và tiêu tiền nhiều hơn.

Đồng Nai tuy có nhiều cảnh đẹp nhưng cũng có một số trở ngại là gần TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu nên khách đến tham quan sẽ thường đi trong ngày, khi muốn nghỉ ngơi họ sẽ ra Vũng Tàu hoặc về TP.Hồ Chí Minh. Vì thế, trước tiên tỉnh nên chú ý phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng phục vụ khách đi trong ngày để thu hút đông khách đến, tiếp theo nghiên cứu đầu tư những khu nghỉ dưỡng mang những sắc thái riêng để lưu khách ở lại qua đêm.

Đồng Nai có nhiều đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, vì thế nên đưa vào các khu du lịch để bán cho khách tham quan. Tuy nhiên, hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, hàng tiêu dùng muốn được khách mua nhiều phải nắm bắt nhu cầu của họ, chế biến, thiết kế cho phù hợp.

 Nhiều năm gắn bó với ngành du lịch, những tâm nguyện nào của bà đã thực hiện được và bà còn mong mỏi những điều gì?

- Tôi gắn bó với ngành du lịch nhiều năm nên điều làm tôi vui nhất là thấy du lịch Việt Nam ngày càng nâng tầm và được đánh giá cao. Tôi và các anh em trong ngành đã cùng góp sức xây dựng chính sách, giải pháp kiến nghị Chính phủ có những mở cửa tạo thuận lợi cho du lịch phát triển. Đồng thời tôi cũng tham gia, tư vấn cho các địa phương trong phát triển du lịch, tư vấn cho những công ty lữ hành tổ chức các tour tuyến phù hợp để quảng bá thu hút khách tham quan.

Nhưng tôi vẫn còn có những băn khoăn, mong muốn là làm sao nâng được chất lượng của ngành hơn nữa để thế giới luôn đánh giá cao du lịch Việt Nam và khách quốc tế đến rồi sẽ còn quay lại nhiều lần.

 Xin cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều