Báo Đồng Nai điện tử
En

Môi trường sống ở nông thôn hiện nay không còn an toàn nữa

07:03, 31/03/2018

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nguyên là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, được xem là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi về hưu, TS.Nghĩa thành lập Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - một tổ chức tự nguyện của các nhà khoa học nghỉ hưu nhưng vẫn mong muốn góp kiến thức, kinh nghiệm cho sự phát triển ngành nông nghiệp.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nguyên là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, được xem là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi về hưu, TS.Nghĩa thành lập Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - một tổ chức tự nguyện của các nhà khoa học nghỉ hưu nhưng vẫn mong muốn góp kiến thức, kinh nghiệm cho sự phát triển ngành nông nghiệp.

Ông còn được mệnh danh là “bác sĩ” của cây trồng khi là tác giả của nhiều cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật phòng, trị bệnh cho cây, nêu lên nhiều nguy cơ về sự nguy hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

* Nông thôn mất sự trong lành

 Ông đã nhiều lần cảnh báo môi trường sống ở nông thôn hiện nay không an toàn. Vì sao?

- Tôi nói điều này hoàn toàn có căn cứ vì vào năm 2015, Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra cảnh báo, nông nghiệp truyền thống và lạm dụng các loại nông dược đã gây ra hàng chục triệu trường hợp ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật hóa học và dẫn đến hơn 48 ngàn ca chết người mỗi năm trên thế giới. Và theo tổng kết của ngành y tế tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 11-2017, Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao, trong đó 70% trên tổng số các ca ung thư là người dân ở nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dược; đất, nguồn nước đều bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật và người phun xịt thuốc cũng không được bảo hộ.

 Ông có thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam?

- Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cả nước có trên 270 công ty sản xuất và hơn 40 công ty cung ứng, phân phối thuốc bảo vệ thực vật với trên 3.500 tên thương mại thuốc được lưu hành. Theo tôi, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều so với số liệu được công bố.

Cùng với đó, tình trạng sử dụng thuốc không tuân thủ theo quy định, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục còn phổ biến. Năm 2017, nông dân Việt Nam đã sử dụng hàng ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật và 12 triệu tấn phân hóa học cho cây trồng. Chúng tôi từng khảo sát một số đất trồng ở các tỉnh phía Nam và hầu hết các mẫu đất đều có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

 Hệ lụy của việc này là gì, thưa ông?

- Tôi đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo việc cho phép nhập khẩu giống biến đổi gen, nhất là loại giống có thể chống chịu được thuốc diệt cỏ. Rất nhiều thông tin ca ngợi các loại giống này là bước tiến của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng với tôi, việc phát triển giống mới này có hại nhiều hơn có lợi vì khuyến khích nông dân sử dụng các loại thuốc diệt cỏ. Và theo tôi tìm hiểu, tập đoàn nhập khẩu giống cũng đồng thời cung cấp các loại thuốc diệt cỏ.

Nông dân mình vẫn giữ lối suy nghĩ: trồng rau mà không phun thuốc trừ sâu thì sâu bọ phá hết, lấy đâu ra đồng lời. Chuyện rau nhà ăn không phun thuốc còn rau bán ra thị trường thì phun đủ các loại thuốc, thậm chí phun thuốc trước khi thu hoạch chỉ 1-2 ngày vẫn diễn ra. Thực tế, phun thuốc không đúng bệnh, không đúng thời điểm khiến chi phí có thể tăng lên gấp đôi. Việc sử dụng tràn lan thuốc hóa học còn là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, sự cân bằng sinh học bị phá vỡ, dịch bệnh bùng phát vì kháng thuốc, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan...

 Còn về thực trạng của việc lệ thuộc vào phân bón hóa học ra sao, thưa ông?

- Hiện chúng ta chỉ có 10 loại cây trồng chủ lực và thêm 5 cây trồng phụ thì nhiều nhất chỉ cần khoảng 150 loại phân bón. Nhưng thực tế, ngoài thị trường đang có khoảng 1.400 loại phân bón. Trong khi các nước khác nhiều lắm cũng chỉ có khoảng 300 loại, không bằng con số lẻ của ta. Mặt khác, các hình thức chế tài quản lý và xử lý vi phạm trong ngành này chưa đủ mạnh nên thị trường đang tràn lan phân bón giả và phân bón kém chất lượng.

Hệ lụy trước mắt là nông dân trắng tay vì đầu tư nhiều mà không hiệu quả. Về lâu dài là những thiệt hại không thể đo lường, như: đất đai bị thoái hóa, khô cằn, nguồn nước bị đầu độc và đây cũng là nguyên nhân gây nên các loại bệnh ung thư.

 Ông không ít lần khẳng định “luật phong bì” là bầu sữa nuôi thuốc giả, phân giả. Theo ông cần giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

- Việt Nam có hơn 600 tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho công tác khảo nghiệm cũng như kiểm tra, kiểm định chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không hiệu quả. Nông dân vẫn phải đối mặt với “ma trận” thuốc giả, phân bón giả vì “luật phong bì”.

Điều cần làm hiện nay là ban hành lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho gọn nhẹ, dễ thực hiện. Quan trọng nhất vẫn là chuẩn lại đội ngũ, quy trình triển khai vào thực tế. Điều cần làm là phải nâng cao “quan trí” trước rồi hãy nâng cao dân trí, như vậy mới tính được chuyện nâng cao dân trí hiệu quả hơn. Tuy mỗi năm, ít nhất khoảng 200-300 ngàn nông dân được tham gia tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng hiện giới trẻ đều ly nông hoặc ly hương, nông thôn Việt Nam chủ yếu là người già, phụ nữ nên họ thường trông vào các đại lý bán thuốc để chọn loại thuốc cũng như cách sử dụng. Và điều đáng báo động hiện nay là người bán thuốc bảo vệ thực vật lại rất thiếu chuyên môn nghiệp vụ và họ cũng chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp hậu quả xấu xảy ra. 

* Đất khỏe, cây khỏe để người khỏe

 Vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay là thực phẩm an toàn, theo ông đây có phải là cơ hội để chuyển đổi sang sản xuất an toàn?

- Sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ ngày càng được quan tâm. Bằng chứng là không thiếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất những vùng rau, trái có chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu. Doanh nghiệp nước ta còn coi nhẹ thị trường nội địa. Đừng nghĩ chỉ làm nông sản sạch để xuất khẩu. Chính vì nghĩ như vậy nên chúng ta thua ngay trên sân nhà vì người tiêu dùng đang bỏ tiền mua gạo, thịt, trái cây nhập khẩu do không tin tưởng chất lượng nông sản trong nước.

 Theo ông, những việc nào cần làm ngay để chuyển đổi sang nền sản xuất nông nghiệp an toàn?

- Tôi luôn hô hào phải làm cho đất khỏe - cây khỏe - môi trường khỏe thì con người mới khỏe. Theo tôi không có phương pháp nào để giảm nhanh dư lượng thuốc sâu hay các chất độc hại. Vì có xử lý cách nào cũng chỉ làm giảm ở bề mặt rau quả nhưng những hoạt chất ngấm vào các tế bào trong thân, lá, trái thì không cách nào xử lý được. Hiện nay, chúng ta hô hào phải sản xuất hữu cơ nhưng làm được điều này ngay là rất khó.

Tạm thời, tôi chỉ mong muốn đạt ở mức sản xuất theo hướng hữu cơ. Cụ thể hơn, nông dân khi bón 3kg phân hóa học cho cây trồng nên kèm thêm 1kg phân hữu cơ, dần dần nâng tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ tăng lên 50 rồi 70% là đáng quý lắm rồi. Với thuốc bảo vệ thực vật, nông dân nên tuân theo các nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn, đừng lạm dụng và sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép. 

Để làm được điều này cũng cần có lộ trình với sự khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, như: cho sản xuất hoặc nhập khẩu 100 tấn phân bón hóa học thì ít nhất cũng sản xuất và nhập khẩu được 30 tấn phân bón hữu cơ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất phân bón hữu cơ...

 Thực phẩm sạch nhìn dưới góc độ quản lý trong khâu tiêu thụ cần như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay ngoài thị trường nhan nhản các cửa hàng, siêu thị bán rau quả, thực phẩm sạch hoặc thực phẩm hữu cơ. Nhưng bản thân tôi cũng không quá tin tưởng vào các chứng nhận VietGAP vì khâu quản lý còn thiếu sự minh bạch khiến thị trường này vẫn vàng thau lẫn lộn. Gần đây, tại TP.Hồ Chí Minh Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam đã được thành lập. Tôi ủng hộ các tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thực phẩm. Vì những tổ chức này đang góp tay vào sự minh bạch cho thị trường thực phẩm an toàn tại Việt Nam.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều