Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam có cơ hội là quốc gia thứ 8 của châu Á có rừng kiểu mẫu

07:03, 24/03/2018

Từng có nhiều năm làm việc và nghiên cứu về rừng, ông Preecha Ongprasert, Chủ tịch Ban thư ký Mạng lưới rừng kiểu mẫu khu vực châu Á, là một trong những người tiên phong có nhiều đóng góp cho việc xây dựng rừng kiểu mẫu trên thế giới. Theo ông, đây là cách phát triển rừng bền vững, góp phần giữ cho môi trường sống được tốt hơn.

Từng có nhiều năm làm việc và nghiên cứu về rừng, ông Preecha Ongprasert, Chủ tịch Ban thư ký Mạng lưới rừng kiểu mẫu khu vực châu Á, là một trong những người tiên phong có nhiều đóng góp cho việc xây dựng rừng kiểu mẫu trên thế giới. Theo ông, đây là cách phát triển rừng bền vững, góp phần giữ cho môi trường sống được tốt hơn.

Theo Ban thư ký mạng lưới rừng kiểu mẫu quốc tế, hiện có 37 quốc gia tham gia và đã làm được hơn 70 khu rừng kiểu mẫu. Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ đề nghị hướng dẫn để sớm được công nhận có khu rừng kiểu mẫu. Việc này sẽ giúp cho quá trình bảo vệ, khai thác những lợi thế từ rừng dễ dàng hơn.

* Việt Nam sẽ là thành viên thứ 8

 Thưa ông, khu vực nào ở châu Á thực hiện rừng kiểu mẫu đầu tiên?

- Tại châu Á, nước đầu tiên thực hiện rừng kiểu mẫu là Ấn Độ và hình thành từ cách đây gần 20 năm, trở thành mô hình kiểu mẫu để những nước khác tại khu vực châu Á học hỏi và triển khai. Sau gần 2 thập niên, đến nay châu Á đã có 7 nước hình thành và được công nhận có rừng kiểu mẫu là Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký và tôi nghĩ rất nhanh sẽ được thông qua và trở thành thành viên thứ 8. Bởi ở Việt Nam những năm gần đây, công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng khá tốt. Trong đó, Đồng Nai là một điển hình trong việc quản lý phát triển và bảo vệ rừng.

 Hiện nay có mô hình rừng kiểu mẫu cho từng quốc gia hay từng khu vực?

- Châu Á là khu vực tham gia thực hiện rừng kiều mẫu khá sớm. Đến nay, trên thế giới đã hình thành được mạng lưới rừng kiểu mẫu châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có những đặc điểm riêng về địa hình, khí hậu và chủng loại các loài động, thực vật khác nhau nên việc xây dựng mô hình rừng kiểu mẫu sẽ không rập khuôn giống hệt nhau mà sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Mục tiêu của mạng lưới là giúp các quốc gia có rừng giữ rừng và khai thác được những thế mạnh từ rừng để phục vụ cho những người bảo vệ rừng và người dân sinh sống bên trong và những khu vực gần rừng có thu nhập ổn định. Như vậy việc giữ gìn và phát triển rừng mới lâu dài và bền vững.

 Việt Nam phải mất bao lâu để được công nhận nằm trong mạng lưới rừng kiểu mẫu châu Á?

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cả nước có hơn 14 triệu hécta rừng. Trong đó, rừng tự nhiên là hơn 10 triệu hécta. Tỷ lệ che phủ của cả nước là hơn 41%, dự tính sẽ tăng lên 42% vào năm 2020. Riêng Đồng Nai có hơn 120 ngàn hécta rừng tự nhiên. Giữ được rừng tự nhiên nhiều là một trong những giải pháp chính làm giảm những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

- Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực có hệ thống quản lý và bảo vệ rừng khá nghiêm ngặt. Đặc biệt gần đây Chính phủ ban hành quy định đóng cửa tất cả rừng tự nhiên giúp cho việc bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái của rừng nhanh và hiệu quả hơn. Điều này cũng giúp cho những khu vực rừng “nghèo” nhanh được khôi phục lại. Đồng Nai là một ví dụ điển hình nhất, tỉnh tiến hành đóng cửa rừng hơn 20 năm nên đây là vùng còn giữ lại được nhiều diện tích rừng tự nhiên, góp phần bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm cho khu vực châu Á cũng như thế giới.

Đây cũng là lý do khiến chúng tôi chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên ở Việt Nam để các tiến sĩ, chuyên gia về rừng tổ chức hội thảo đưa ra các đề xuất giúp Việt Nam cũng như Đồng Nai nhanh chóng hoàn thành rừng kiểu mẫu để sớm được công nhận.

 Nhiều năm làm công tác nghiên cứu về rừng, điều khiến ông trăn trở nhất là gì?

- Từ nhỏ tôi đã rất yêu thích những cánh rừng tự nhiên và muốn khám phá những huyền bí còn ẩn sâu trong những khu rừng già. Do đó khi lớn lên tôi học và sau đó làm công tác nghiên cứu về rừng. Đã qua nhiều năm nhưng rừng đối với tôi vẫn đầy hấp dẫn và còn nhiều điều mới mẻ thu hút sự đam mê tìm hiểu.

Trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao tìm ra những giải pháp để phát triển cảnh quan của rừng, bảo vệ được đa dạng sinh học của rừng, đồng thời tăng thu nhập cho những người dân đang sinh sống trong rừng và gần rừng để giải quyết được mâu thuẫn giữa người và rừng. Nói một cách cụ thể là giúp người dân ở gần rừng có thu nhập ổn định từ rừng nâng cao đời sống nhưng không phải săn bắt thú hoặc chặt phá cây lấy gỗ. Chính vì vậy tôi và các thành viên trong Mạng lưới rừng kiểu mẫu quốc tế luôn nỗ lực mời gọi các quốc gia, vùng lãnh thổ có rừng cùng tham gia thực hiện rừng kiểu mẫu để giải quyết những vướng mắc trên. 

 Theo ông, đâu là giải pháp cho việc nâng cao thu nhập người dân sống gần rừng mà không khai thác tàn phá rừng?

- Theo tôi, giải pháp tốt nhất là chúng ta xây dựng một khu rừng kiểu mẫu và phát triển du lịch rừng. Tùy theo mỗi quốc gia, sẽ có những nghiên cứu cụ thể để dung hòa được việc bảo vệ, phát triển lẫn tăng thu nhập cho người dân sinh sống gần rừng. Xu hướng của nhiều người dân trên thế giới hiện nay là thích đi du lịch khám phá, mạo hiểm và du lịch rừng là một trong những tour rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là những bạn trẻ. Những nơi có rừng có thể nắm bắt nhu cầu này để đầu tư phát triển du lịch rừng thu hút khách đến.

* Đã đi trước nhiều nước

 So với các nước trong khu vực châu Á thì việc giữ rừng của Việt Nam đang ở mức nào?

- Với hơn 10 triệu hécta rừng tự nhiên, tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia của châu Á giữ rừng tương đối tốt. Việt Nam cũng là nước tích cực tham gia những quy định, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng của thế giới. Châu Á hiện có hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng hiện mới có 7 quốc gia được công nhận có rừng kiểu mẫu và tới đây có khả năng Việt Nam sẽ là thành viên thứ 8.

Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia rất quan tâm đến công tác giữ rừng. Việt Nam đã đi trước nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là đã thực hiện thu phí môi trường rừng để chi trả cho những chủ rừng. Giải pháp này giúp tăng thu nhập cho người giữ rừng để họ bảo vệ rừng tốt hơn.

 Theo ông, Đồng Nai có thể trở thành một khu vực rừng kiểu mẫu của Việt Nam?

- Là một tỉnh có công nghiệp phát triển nhất cả nước nhưng Đồng Nai lại là nơi giữ được nhiều diện tích rừng tự nhiên nhất khu vực Đông Nam bộ. Tôi thấy điểm này khá hay nên sẽ nghiên cứu và học hỏi thêm để hoàn thiện cho việc phát triển những mô hình rừng kiểu mẫu ở châu Á thêm hài hòa. Đồng Nai đi trước cả nước trong đóng cửa rừng để phục hồi và đến nay rừng tự nhiên của tỉnh là nơi có đa dạng sinh học phong phú nhất khu vực phía Nam. Rừng tự nhiên của Đồng Nai cũng trở thành nơi thu hút nhiều nhà nghiên cứu về rừng trên thế giới đến tìm hiểu, đồng thời là nơi hấp dẫn nhiều khách du lịch đến tham quan. Vì vậy tôi nghĩ Đồng Nai có nhiều điều kiện để trở thành một khu rừng kiểu mẫu của Việt Nam cũng như châu Á.

 Trong những ngày tham quan và nghiên cứu rừng tự nhiên của Đồng Nai, ông có những cảm nhận và chia sẻ gì về việc bảo vệ phát triển rừng của tỉnh?

- Trước khi đến Đồng Nai, tôi cũng đã có tìm hiểu trước về rừng ở Đồng Nai, nhưng khi đến thực tế thì tôi thấy đẹp hơn nhiều. Rừng của tỉnh sẽ là lá phổi xanh của khu vực phía Nam góp phần rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho châu Á và thế giới. Tôi đặc biệt ấn tượng là vào mùa khô tại Đồng Nai rất nắng nóng và nắng nóng khô hạn kéo dài nhiều ngày, nhưng địa phương làm công tác phòng chống cháy rừng rất tốt, gần như không để xảy ra cháy rừng tự nhiên trong nhiều năm liền. Vì được đóng cửa nhiều năm nên hệ sinh thái của rừng phục hồi nhanh và là nơi sinh sống cho nhiều loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách đỏ của thế giới. Chia sẻ của tôi là Đồng Nai nên phát triển du lịch rừng tăng nguồn thu để đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tốt hơn. Nhưng trong phát triển du lịch rừng nên chú ý để không phá vỡ và làm mất đi đa dạng sinh học.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều