Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng là giữ cho mọi thế hệ những lợi ích về kinh tế và môi trường

07:01, 27/01/2018

Hơn 20 năm gắn bó với nghiên cứu bảo tồn và phát triển rừng, TS.Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) hiểu rất rõ về các loại rừng tại Việt Nam. Rừng Đồng Nai là nơi ông đã nhiều lần đến để tìm hiểu và từng có đề tài nghiên cứu về phục hồi, phát rừng tại Đồng Nai. Theo ông, giữ rừng tốt chính là bảo vệ môi trường cho hiện tại và tương lai.

Hơn 20 năm gắn bó với nghiên cứu bảo tồn và phát triển rừng, TS.Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) hiểu rất rõ về các loại rừng tại Việt Nam. Rừng Đồng Nai là nơi ông đã nhiều lần đến để tìm hiểu và từng có đề tài nghiên cứu về phục hồi, phát rừng tại Đồng Nai. Theo ông, giữ rừng tốt chính là bảo vệ môi trường cho hiện tại và tương lai.

Nếu năm 2017 Chính phủ mới có chủ trương chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành đóng cửa rừng tự nhiên, thì Đồng Nai đã thực hiện việc này được 20 năm. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đóng cửa rừng, do đó tỉnh còn giữ lại được rất nhiều diện tích rừng tự nhiên.

* Đóng cửa, rừng tái sinh phục hồi nhanh

 Ông có thể đánh giá việc bảo tồn và phát triển rừng tại Đồng Nai?

- Tôi đã nhiều năm làm công tác nghiên cứu về rừng và đặt chân đến nhiều khu rừng trong cả nước, qua đó nhận thấy Đồng Nai giữ rừng rất tốt. Tỉnh đi đầu cả nước trong việc đóng cửa rừng tự nhiên từ sớm để phục hồi và phát triển. Trước khi đóng cửa rừng tự nhiên, rừng ở Đồng Nai chịu ảnh hưởng nặng nề của việc phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh giai đoạn cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, và bị suy giảm nghiêm trọng về chất lượng do khai thác gỗ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước những năm sau chiến tranh.

Quyết định đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 1997 đã tạo điều kiện cho rừng ở khu vực phục hồi lại. Hiện nay có ít tỉnh, thành còn giữ lại được hàng trăm ngàn hécta rừng liền khoảnh như Đồng Nai. Công tác bảo vệ rừng của Đồng Nai được làm nghiêm ngặt, gần như không còn tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép. Vì vậy, sau khi đóng cửa rừng được hơn 20 năm, rừng của Đồng Nai đã có mức độ đa dạng sinh học phong phú và bảo tồn được nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm.

TS.Trần Lâm Đồng là người đã gắn bó rất nhiều với rừng ở Đồng Nai, ông là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai”. Ông nhận định Đồng Nai là tỉnh giữ rừng rất tốt, nhiều năm liền không để xảy ra cháy rừng tự nhiên, những vụ việc vi phạm về rừng cũng ít và chỉ là vi phạm nhỏ.

So với các tỉnh, thành phía Nam thì việc giữ rừng của Đồng Nai như thế nào?

- Song song với việc đóng cửa rừng, Đồng Nai còn làm tốt công tác quy hoạch rừng, trong đó chuyển đổi phần lớn diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất sang thành rừng đặc dụng. Tỉnh cũng đầu tư nhiều cho công tác phục hồi rừng trên đất đã mất rừng hoặc những diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt. Do đó, hầu hết diện tích này đã phục hồi trở lại kiểu rừng tự nhiên hoặc rừng trồng các loài cây bản địa. Trong khi đó, các tỉnh trong khu vực đã chuyển đổi các diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang cây trồng với mục đích kinh tế. Do đó, diện tích rừng tự nhiên ở các tỉnh đó thấp hơn rất nhiều so với Đồng Nai.

Hiện tại, rừng của Đồng Nai được coi là lá phổi xanh cho khu vực phía Nam và là nơi lưu giữ nhiều loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam cũng như thế giới. Đây cũng là điểm đến nghiên cứu cho nhiều sinh viên, nhà khoa học trong và ngoài nước.

 Nhiều nhà khoa học cho rằng giữ rừng tốt sẽ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngăn được nhiều thiệt hại do thiên tai. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Việt Nam rất rõ rệt. Có thể thấy thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, tần suất xuất hiện nhiều cơn bão lớn với cường độ mạnh và khó dự báo, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Rừng có vai trò rất tốt trong điều hòa khí hậu, giữ nước và ngăn lũ. Đây cũng là nơi trú ngụ cho các sinh vật khi gặp thời tiết bất lợi.

Như vậy, rõ ràng vai trò của rừng trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngăn ngừa rủi ro do thiên tai là rất lớn. Tôi nghĩ bên cạnh việc giữ rừng thì các tỉnh, thành nên chú ý đến phục hồi những khu vực rừng nghèo, tái sinh chậm bằng cách xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng bổ sung làm giàu rừng, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với con người.

* Nên phát triển du lịch rừng

 Mấy năm gần đây, Nhà nước đã tiến hành thu phí dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho người giữ rừng, nhưng số tiền người giữ rừng nhận được còn thấp so với công sức bỏ ra. Theo ông, có nên tăng phí chi trả cho người giữ rừng?

- Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành quy định 5 loại dịch vụ môi trường rừng được thu phí (Nghị định số 99/2010/NĐ-CP), nhưng đến nay chủ yếu thu từ điện và nước sinh hoạt, do đó phí trả cho người giữ rừng chưa cao. Hiện tại, Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu thu thêm phí cho các dịch vụ môi trường rừng khác nhằm tăng số tiền chi trả cho các đơn vị, cá nhân giữ rừng để công tác bảo vệ rừng được tốt hơn.

Tại nhiều quốc gia, mặc dù chưa thực hiện việc thu phí dịch vụ môi trường rừng nhưng đã cho phép các chủ rừng tạo nguồn thu từ phát triển du lịch rừng để tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, với quy định khá nghiêm ngặt trong bảo vệ rừng đặc dụng của Việt Nam, việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với rừng còn chưa được thuận lợi. Chủ rừng cần xem xét kỹ các quy định để có thể phát triển du lịch, có thêm nguồn thu, đầu tư lại cho việc bảo tồn và phát triển rừng.

 Đồng Nai có nhiều rừng tự nhiên và đang khuyến khích phát triển du lịch rừng song chưa đem lại kết quả cao. Phải làm gì để vừa phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được rừng?

- Hiện nay du lịch sinh thái rừng thu hút rất nhiều người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế. Đồng Nai có vị trí và điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch theo hướng này. Tại Đồng Nai có 2 điểm du lịch sinh thái rừng khá nổi tiếng là: Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là điểm đến của không ít khách du lịch trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch gắn với rừng phải có chiến lược phát triển và đầu tư đúng đắn, nhắm tới các đối tượng khác nhau mới đáp ứng được nhu cầu, thu hút khách tham quan. Việc đầu tư các dịch vụ phát triển du lịch rừng phải tính toán hài hòa để đảm bảo được việc bảo tồn, phát triển rừng nhưng vẫn hấp dẫn du khách. Đồng Nai có thể học tập kinh nghiệm từ các nước có du lịch rừng phát triển hoặc mời gọi đầu tư cho phù hợp.

 Việt Nam có rừng nhiều nhưng chưa chú ý đến phát triển du lịch rừng. Đây có phải là một lãng phí?

- Nếu phát triển được du lịch rừng sẽ rất tốt vì sẽ đem lại nguồn thu lớn cho những đơn vị quản lý rừng, chủ rừng sẽ chủ động và làm tốt hơn việc bảo tồn và phát triển rừng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không cần hàng năm tốn một khoản tiền lớn cho công tác giữ rừng. Khai thác tốt du lịch gắn với rừng sẽ đem lại nguồn lợi kép cả về kinh tế và môi trường.

 Làm vườn thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có phải là cách hay để có thể bảo tồn mà lại phát triển du lịch rừng?

- Viện Nghiên cứu lâm sinh là đơn vị tư vấn cho dự án phát triển vườn thực vật tại Đồng Nai. Tôi cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia về thực vật trong cả nước rất ủng hộ việc thực hiện dự án này. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có một vườn thực vật nào có quy mô mang tầm quốc gia như một số nước trên thế giới. Nếu Đồng Nai xây dựng vườn thực vật với quy mô hơn 300 hécta sẽ là vườn thực vật lớn nhất cả nước. Với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, Vườn thực vật Đồng Nai được quy hoạch và phát triển theo cách tiếp cận mới. Đây sẽ là khu vực có thể cùng lúc đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu, khai thác và phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, đây là nơi thu hút khách tham quan trong và ngoài nước với các mục tiêu nghiên cứu, giáo dục và du lịch.

Tỉnh Đồng Nai có lợi thế là khu vực quy hoạch làm vườn thực vật đã có sẵn rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trống để bổ sung những loài cây đặc trưng, quý hiếm khác của khu vực Đông Nam bộ, phía Nam. Những năm qua, rừng Đồng Nai đã là điểm đến của nhiều sinh viên, giảng viên, nhà khoa học trong nước, thế giới đến tìm hiểu và nghiên cứu về thực vật do rừng ở đây còn giữ được nhiều loài quý hiếm. Thu hút các dịch vụ tham quan, du lịch giúp chủ đầu tư có kinh phí duy trì và phát triển vườn thực vật.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều