Báo Đồng Nai điện tử
En

Luôn giữ tâm bình tĩnh, trong sáng, hòa nhịp cùng đất nước

07:12, 30/12/2017

Là nhà kinh doanh khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trở thành chủ trang trại nuôi heo đầu tiên của miền Nam, Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Đại Á ngân hàng; là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh ngay từ khi Đồng Nai vừa thành lập, giữ nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh gần 3 nhiệm kỳ (1981-1993),...

Là nhà kinh doanh khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trở thành chủ trang trại nuôi heo đầu tiên của miền Nam, Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Đại Á ngân hàng; là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh ngay từ khi Đồng Nai vừa thành lập, giữ nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh gần 3 nhiệm kỳ (1981-1993), ông Trần Xuân Roanh (87 tuổi, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) còn là tấm gương tiêu biểu của người Công giáo sống phúc âm trong lòng dân tộc.

 Ngày nay mọi người thường nhắc đến từ khởi nghiệp. Ông cũng là người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và thành công. Ông có thể chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình?

- Tôi xuất thân là nông dân, gia đình tôi ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) nghèo lắm. Khi đến Biên Hòa lập nghiệp vào năm 1958, bước đầu tôi cùng với vợ con nuôi vài con heo, chắt chiu dành dụm để gầy dựng đàn heo ngày càng phát triển cho đến lúc thành lập trang trại Duyên Anh Đào - là một trong 2 trại heo có giấy phép chính thức ở miền Nam. Trang trại ngày càng lớn, có giai đoạn nuôi đến trên 3 ngàn con heo. Thời bấy giờ làm ăn kinh doanh không rõ ràng sòng phẳng theo quy luật thị trường như hiện nay mà chịu sự lũng đoạn gần như toàn diện của giới tư sản, nhất là các nhà tư sản Chợ Lớn. Ví dụ, giá bắp thời đó chỉ chừng 6 đồng/kg nhưng giới tư sản nhập cảng đẩy lên tới 20 đồng/kg, như vậy người chăn nuôi lấy gì sống? Để giá cả thức ăn chăn nuôi không bị phụ thuộc, tôi mua đất trồng mì, lập nhà máy sản xuất tinh bột SATICO (ở Khu kỹ nghệ Biên Hòa, nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1), tham gia ngành xuất nhập cảng; để có nguồn nhân lực, tôi mở Trường bách khoa Bình Dân... Sau này mọi người thường nhắc đến chuỗi liên kết, đó cũng chính là cách làm của tôi. Làm ăn cần phải có sự tự chủ, từ đó mới tiến tới tự cường.

Trước năm 1975, giới tư sản trong nước bị cạnh tranh, chèn ép dữ dội bởi tư bản nước ngoài, tư sản Chợ Lớn cấu kết với quân đội, chính quyền Sài Gòn thao túng trong nhiều lĩnh vực. Có những lúc tôi muốn mở rộng sản xuất nhưng không được ngân hàng cho vay tiền, phải về bán hết của cải trong nhà, vay mượn người quen, gian nan trăm bề. Rồi giai đoạn làm Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi thường xuyên xuống cơ sở tiếp xúc với dân, nhận thấy dân mình còn nghèo, đời sống khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, nhưng muốn sản xuất, kinh doanh lại không có vốn, đi vay ngoài lãi suất quá nặng tới 10%, thậm chí 20%. Vì vậy, năm 1993 tôi thành lập Đại Á ngân hàng với tên gọi ban đầu là Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đại Á, mục tiêu là cho nông dân vay vốn lãi suất thấp để sản xuất, thoát đói nghèo. Đại Á là ngân hàng “cấp tỉnh” đầu tiên trong cả nước, đã có những thành tựu nhất định, thực hiện được mục tiêu hỗ trợ vốn cho người dân làm kinh tế.

 Người kinh doanh thường hướng đến mục tiêu làm giàu. Ông vất vả tạo dựng cơ nghiệp từ mồ hôi nước mắt, nhưng vì sao ngay sau ngày giải phóng ông chủ động hiến tặng SATICO cho Nhà nước? Ông có tiếc không?

- Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình quê tôi. Lúc đó tôi 16 tuổi, phụ trách Đội thiếu nhi cứu quốc ở huyện Tiền Hải. Hay tin Bác về, từ nửa đêm tôi cùng bạn bè đi bộ lên thị xã để được gặp Bác. Không chỉ chúng tôi mà đồng bào trong tỉnh cũng kéo đến rất đông để nghe Bác nói chuyện. Tôi chen lên đứng gần để nghe Bác nói rõ hơn. Bác rất gầy, ăn mặc giản dị khiến tôi xúc động. Sau khi nói chuyện khoảng 30 phút, bất chợt Bác quay sang hỏi chuyện tôi, biết tôi tham gia lớp bình dân học vụ và ban cứu tế xã hội, Bác chỉ vào huy hiệu măng non tôi đeo trước ngực và hỏi: Đồng bào có biết huy hiệu măng non của cháu có ý nghĩa gì không? Các cháu thiếu nhi như búp măng non, đồng bào phải làm sao để chăm sóc, che chở cho các cháu trưởng thành. Cháu bé này mới mười mấy tuổi đã đồng thời tham gia chống 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nước ta đã độc lập, người dân là chủ đất nước, toàn dân phải tích cực tham gia đắp đê chống lụt, chống nạn đói.

Trong suốt quãng đường kinh doanh của mình, tôi may mắn được báo chí đồng hành, nhất là Báo Đồng Nai. Giai đoạn tôi lao đao vì tranh chấp ở Đại Á ngân hàng, Báo Đồng Nai đã có loạt bài điều tra Sóng gió ở Đại Á ngân hàng đăng từ số 1260 ngày 9-12 đến ngày 13-12-1994 vạch trần những thủ đoạn gian dối của một số người. Nhờ loạt bài này, tôi cảm thấy như được tiếp thêm niềm tin, thêm động lực để đấu tranh làm trong sạch nội bộ ngân hàng. Báo Đồng Nai cũng luôn bám sát quá trình phát triển của ngân hàng, đưa nhiều thông tin khách quan, trung thực.

Những lời dạy của Bác từ đó luôn khắc sâu trong tôi. Muốn chống giặc đói, muốn người dân thoát nghèo không gì khác hơn là mọi người đều phải ra sức làm việc trên mọi lĩnh vực. Mục tiêu của người sản xuất, kinh doanh là để làm giàu, nhưng từ những điều Bác Hồ dặn dò tôi nhận ra rằng làm giàu không phải chỉ cho riêng bản thân, gia đình mình, mà còn phải hướng đến đồng bào, đến dân tộc, đất nước.

Tôi có 9 năm sống trong khí thế của cuộc Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc. Tôi cũng có 30 năm sống dưới chế độ của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam đầy rẫy bất công. Chừng đó thời gian đủ để tôi nhận ra sự khác biệt về bản chất giữa 2 chế độ. Năm 1975 chính quyền Sài Gòn không ngừng tuyên truyền về cuộc “tắm máu” ở miền Nam nếu giải phóng thành công, nhất là đối với giới tư sản, nhưng tôi vẫn chọn con đường ở lại quê hương để cống hiến cho đất nước.

Trở lại việc hiến tặng SATICO cho Nhà nước, tôi đã từng nghiên cứu Tư bản luận của Karl Marx, biết bản chất của tư bản là bóc lột. Dù tài sản của tôi do chính sức lao động của gia đình mà ra, nhưng trong đó cũng có không ít công sức của công nhân lao động. Nay hiến cho Nhà nước, cái mất chỉ là tài sản của riêng gia đình mình nhưng cái được lớn lao hơn là từ nhà máy này có thể góp phần xây dựng đất nước đang trong giai đoạn rất khó khăn. Dù sau này vì một số nguyên nhân khiến nhà máy không kinh doanh hiệu quả, thậm chí thất bại, nhưng tôi khẳng định không bao giờ tiếc nuối.    

 Năm 1981, ông chuyển về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau đó là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh suốt gần 3 nhiệm kỳ. Có lẽ ông là người ngoài Đảng duy nhất giữ nhiệm vụ này?

- Không chỉ là người ngoài Đảng, tôi còn là giáo dân Công giáo toàn tòng. Nhấn mạnh điều này, để chứng minh  cho quan điểm đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Là một giáo dân Công giáo, tôi nhận ra rằng mục tiêu của Đảng và Công giáo đều như nhau là lấy công bằng, bác ái làm căn bản để mang lại hạnh phúc cho nhân dân; hầu hết bà con giáo dân vốn có truyền thống kính Chúa, yêu nước. Phiên họp ngày 20-11-1965 của Giáo hội Công giáo VATICAN cũng có tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng: “Tất cả mọi người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng đều cũng phải ra sức xây dựng một cách chính đáng thế giới này, là chỗ mọi người cùng sống với nhau…”. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Việt Nam. Chỉ là các thế lực thù địch và một vài linh mục đã tìm mọi cách chia rẽ lương - giáo, xuyên tạc chính sách của Đảng về tôn giáo, đào sâu những mâu thuẫn dân tộc nhằm gây bất ổn trong xã hội. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ ở Ủy ban MTTQ tôi luôn cố gắng thực hiện sự hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân, đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc.

 Ngấp nghé tuổi 90, ông tổng kết cuộc đời mình ra sao?

- Người cao tuổi thường hay hồi tưởng lại dĩ vãng. Đời tôi đã trải qua nhiều bước ngoặt, nhưng tôi tự hào cho đến giờ vẫn giữ được phương châm sống “tam vô” của mình, đó là: vô kỷ, tức là sống quên mình; vô công, nghĩa là làm gì, đóng góp gì, giúp đỡ ai cũng đừng kể công; vô danh, là sống đừng bao giờ tranh giành danh, lợi.

Tôi từ một nông dân nghèo, sống trong cái nhục mất nước bị ngoại bang khinh rẻ, đến nay là người dân tự do trong đất nước độc lập, hòa bình, có cuộc sống hạnh phúc, con cháu phương trưởng, bên cạnh còn người bạn đời luôn kề vai sát cánh thì đã thấy đủ đầy. Con đường tôi đi không bằng phẳng, thậm chí gặp nhiều sóng gió nhưng tôi luôn giữ cho cái tâm mình bình tĩnh, trong sáng, hòa nhịp cùng dân tộc và đất nước.

 Xin cảm ơn ông!

Thanh Thúy (thực hiện)

Tin xem nhiều