Báo Đồng Nai điện tử
En

Logistics phải "tăng tốc" để giữ thị phần

07:12, 09/12/2017

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, là người nắm rất rõ những điểm mạnh, điểm yếu của ngành logistics trong nước.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, là người nắm rất rõ những điểm mạnh, điểm yếu của ngành logistics trong nước. Theo ông, những năm gần đây các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực này phát triển khá nhanh, nắm thế chủ động ở thị trường nội địa nhưng vẫn còn yếu trong vận tải quốc tế. Các DN trong nước đang “tăng tốc” để giữ vững thị trường trong nước, hạ chi phí cho ngành và vươn ra thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đến nay cả nước đã có hơn 1.200 DN cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu là các hoạt động giao nhận, vận tải, xếp dỡ, kho bãi, thủ tục hải quan... tập trung ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

* Đã có những bứt phá

 Ông đánh giá thế nào về thực trạng của logistics Việt Nam hiện nay?

- Theo tôi, ngành logistics Việt Nam những năm gần đây phát triển khá nhanh, mỗi năm cả nước có hơn 200 DN được cấp phép hoạt động mới hoặc bổ sung dịch vụ logistics. DN hoạt động về logistics đã dần mở rộng quy mô, không chỉ tập trung ở khâu vận tải, xếp dỡ và kho bãi như trước. Hoạt động của DN Việt trong ngành logistics cũng dần chuyên nghiệp hơn. Đây là ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng đều và cao trong gần 10 năm qua từ 16-20%/năm. Tuy nhiên, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn ở mức khá cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí DN phải chi trả với gần 21% GDP của cả nước, tương đương 20-22 tỷ USD/năm. Riêng khâu vận tải chiếm 40-60% chi phí trong dịch vụ logistics.

 So với các nước trong khối ASEAN thì logistics nước ta đang xếp thứ mấy?

- Dù chi phí về logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chúng ta vẫn xếp thứ 4, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn nếu so chung với toàn thế giới thì logistics Việt Nam đứng thứ 64/164 quốc gia, vùng lãnh thổ.

 Theo ông, đâu là điểm yếu của DN logistics trong nước?

- Có 3 điểm yếu của DN logistics Việt Nam là: xuất phát điểm thấp, chậm hơn các nước trong khu vực khoảng 15-20 năm; DN trong lĩnh vực này chưa kết nối toàn cầu và còn yếu trong áp dụng công nghệ thông tin; hạ tầng giao thông logistics chưa phát triển. DN Việt hoạt động trong lĩnh vực logistics chủ yếu nhỏ và vừa nên hạn chế về công nghệ, trình độ quản lý, quy mô vốn dẫn đến chất lượng chưa cao chỉ tham gia các chuỗi cung ứng nhỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện có rất ít DN của Việt Nam tham gia vận tải quốc tế, do đó hầu hết phải thuê các DN nước ngoài. Với một nước có kim ngạch xuất khẩu lớn và tăng nhanh thì việc DN logistics trong nước ít chạm tay được tới vận tải quốc tế là một thua thiệt lớn.

 Vậy cần khắc phục những yếu kém trên bằng cách nào?

- Về phía các DN, tôi nghĩ muốn nâng tầm phải có chiến lược phát triển bài bản bằng cách tự nâng cao trình độ, năng lực quản lý, cải thiện công nghệ để hạ giá thành dịch vụ, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời hoạt động của các công ty phải ngày một chuyên nghiệp hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chính phủ có ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông tốt.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu, nhiều tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã đến Việt Nam, như: OOCL, APL, Maersk Line, Wan Hai Lines,  NYK... cho nên nếu các DN Việt không kịp thời nâng cao tính chuyên nghiệp, hạ giá thành sẽ rất khó cạnh tranh.

 Logistics Việt Nam đang có chi phí rất cao, gần 21% GDP cả nước. Liệu có giải pháp nào giảm nhanh chi phí trên?

- Hiện nay các nước phát triển chi phí logistics chỉ chiếm từ 9-15% GDP trong khi Việt Nam chiếm gần 21% là tương đối cao. Hạ chi phí cho ngành logistics sẽ giảm bớt gánh nặng cho các DN cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Muốn làm được việc này, chúng ta phải có đầu tư hạ tầng đồng bộ hơn, giảm chi phí cầu đường... giúp DN vận tải hạ giá thành. Các DN nên chú ý khai thác các tuyến vận tải đường thủy. Các tỉnh, thành trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp nên chú ý đặt ở những vị trí thuận tiện gần cảng, gần giao thông đường thủy. Ngoài ra, các DN logistics đầu tư công nghệ hiện đại sẽ giảm nhiều chi phí thuê lao động.

* Thiếu lao động logistics

 Các tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã đến Việt Nam và chiếm 80% thị phần. Điều này khiến nhiều người quan ngại DN logistics Việt đang bị đẩy dần vào ngõ hẹp?

- Tôi thì lại không nghĩ như vậy, vì con số DN nước ngoài đang chiếm 80% thị phần của ngành logistics chưa hoàn toàn chính xác. Bởi hoạt động logistics bao trùm khá rộng không chỉ riêng là vận tải. Tôi đơn cử như lĩnh vực khai thác cảng tại Việt Nam hiện nay đều thuộc về các DN trong nước. Những kho, bãi, vận chuyển hàng hóa nội địa phần lớn đều do công ty Việt Nam nắm giữ. Các DN logistics Việt Nam chỉ đang yếu và thua trong khâu vận tải quốc tế vì chưa có những đội tàu, hãng hàng không đủ mạnh để vận chuyển hàng hóa đến các nước. Do đó, khâu vận tải quốc tế bằng đường biển, đường hàng không thị phần chủ yếu rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.

 Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, DN logistics Việt Nam số đông là nhỏ, liên kết yếu, cạnh tranh còn mang tính “hủy diệt” nhau nên khó lớn mạnh. Phải làm gì khắc phục tình trạng này?

- Đúng là các DN logistics Việt Nam đa số là nhỏ và vừa, trong số đó có không ít các DN cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng chung đến sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, gần đây các DN cũng đã ý thức được điều này và đang dần khắc phục liên kết với nhau để cùng phát triển. Việt Nam vào hội nhập sâu, các DN trên các lĩnh vực khác cũng như ngành logistics nếu không bắt tay hợp tác cùng hỗ trợ nhau để phát triển thì rất khó trụ vững.

 Ông có đề cập việc ngành logistics đang thiếu lao động trầm trọng và nếu không đào tạo kịp thời trong tương lai sẽ cản trở lớn đến phát triển của ngành?

- Nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của ngành logistics hiện chỉ đạt khoảng 40%, trong đó lực lượng được đào tạo bài bản khoảng 5-7%. Việt Nam với tốc độ hội nhập nhanh, sâu nhu cầu dịch chuyển hàng lớn rất cần số lượng lao động logistics có tay nghề cao. Dự kiến tới đây, cả nước thiếu hơn 200 ngàn lao động có trình độ tương đương với đại học và cao hơn cho ngành logistics. Thế giới đang tiến dần đến cuộc cách mạng công nghiệp  4.0, nhiều công ty logistics nước ngoài đang dần đưa máy móc vào hoạt động giảm bớt lao động phổ thông. Tại Việt Nam, các DN logistics đang từng bước ứng dụng máy móc nên rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao có thể làm chủ công nghệ. Nếu không chuẩn bị kịp thời nguồn nhân lực có tay nghề cao cho ngành thì trong tương lai gần các DN logistics sẽ rất thiếu lao động, như vậy sẽ ảnh hưởng đến phát triển chung của toàn ngành.

 Phía hiệp hội đã có biện pháp gì để góp phần tháo gỡ vướng mắc trên?

- Hiện tại có nhiều DN logistics mở rộng hoạt động nên rất thiếu các lao động có tay nghề. Thực tế có những trường đại học, cao đẳng trong nước có đào tạo ngành này nhưng lượng kiến thức thực tế còn ít, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường phải mất một thời gian dài học hỏi mới tiếp cận được công việc. Do đó, các DN nhận sinh viên mới ra trường đều phải mất thời gian để đào tạo kỹ thêm cho sinh viên mới làm được việc.

Để khắc phục việc này, gần đây hiệp hội đứng ra làm cầu nối tổ chức các hội thảo để những trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành logistics và DN logistics gặp gỡ nhau trao đổi về nhu cầu để phía các trường điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hướng phù hợp hơn. Nhiều trường đã nhận đào tạo theo đơn đặt hàng của các DN và trong năm cuối chương trình học đã nhận sinh viên về thực tập nên khi ra trường các em có thể tiếp nhận công việc thành thạo, không mất thêm thời gian đào tạo. 

 Xin cảm ơn ông!

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ  logistics Việt Nam, quy mô thị trường dịch vụ logistics nhỏ khoảng 2-4% GDP nhưng tốc độ tăng trưởng cao 16-20% năm. Mục tiêu đến năm 2020, logistics sẽ góp 10% GDP. Kim ngạch xuất nhập khẩu và ngành bán lẻ có mức tăng trưởng khá cao là cơ hội phát triển cho ngành. Khối lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến năm 2020 là 900-1.100 triệu tấn, năm 2030 dự kiến 1.600-2.100 triệu tấn. Nhà nước đã có quy hoạch và đang đầu tư phát triển khu cảng nước sâu Cái Mép, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt xuyên Á... để đẩy mạnh phát triển logistics và giảm chi phí.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều